A Lưới và chương trình phòng chống trẻ em suy dinh dưỡng

03/12/2005
Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm làm giảm tối thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, song đến nay số trẻ em dưới năm tuổi trên địa bàn huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ khá cao. A Lưới làm gì để phòng, chống trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) ?

Đối mặt với những thử thách

A Lưới có 4.059 trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ 50, 27%. Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định: "Phòng, chống trẻ em SDD dưới 5 tuổi là chiến lược lớn của huyện từ nay đến 2010. Đây là vấn đề mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện mục tiêu nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất cho nhân dân; tạo ra nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới. Tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi, mặc dầu có giảm so với năm 2003 (50,6%), nhưng không đáng kể. SDD ở độ 1 chiếm tỷ lệ cao (32,8%). Nếu được đầu tư và có giải pháp "can thiệp" hỗ trợ hợp lý thì, các cháu SDD độ 1 sẽ sớm thoát ra khỏi tình trạng SDD trong những năm đến".

Thực tế cho thấy, nguyên nhân trực tiếp là chế độ ăn, uống, các yếu tố chăm sóc. Nghèo đói, cũng là một trong những "nguyên nhân" của SDD. Mặc dù, những năm qua, A Lưới nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự theo dõi sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đơn vị, ban, ngành liên quan về phòng, chống SDD. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới ngày càng nâng lên; nhận thức về phòng, chống SDD cũng đã được các cấp và nhân dân chú trọng, quan tâm. Tuy thế, A Lưới vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là công tác chăm sóc trẻ sơ sinh. Có nhiều lý do khác nhau, song tuyến y tế từ huyện đến cơ sở vẫn còn tình trạng không có phòng hồi sức sơ sinh, thiếu phương tiện cấp cứu nhi sơ sinh; hạn chế bác sĩ chuyên khoa... Dù tỷ lệ hộ đói nghèo toàn huyện giảm rất nhanh (từ 3-5%/năm), song tỷ lệ đói nghèo vẫn ở mức cao chiếm 29,79%; trình độ học vấn của các bà mẹ thấp, gây khó khăn cho công tác truyền thông, giáo dục phòng, chống SDD. Vấn đề bình đẳng giới trong gia đình là một thách thức lớn, đòi hỏi cần nhiều thời gian để vượt qua. Tình hình an toàn lương thực hộ gia đình còn bấp bênh; khẩu phần dinh dưỡng của các cháu đa số nhập ăn chung cùng gia đình, dẫn đến các cháu thiếu chất dinh dưỡng trong bữa ăn...

Vào cuộc với một quyết tâm cao

Ngoài công tác tăng cường, chỉ đạo từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn, A Lưới đặc biệt kiện toàn và củng cố đội ngũ làm công tác dinh dưỡng của các ngành từ huyện đến cơ sở; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên và chuyên trách dinh dưỡng. Chỉ đạo xây dựng mô hình nhà-vườn "sáng, xanh, sạch, đẹp", cải tạo vườn tạp để tăng cường dinh dưỡng tại chổ từ kinh tế vườn. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng đến các hộ gia đình có con dưới 2 tuổi và bà mẹ mang thai bằng thực hành dinh dưỡng và tư vấn tại gia đình; tuyên truyền, vận động hộ gia đình có con dưới 2 tuổi theo dõi hàng tháng sức khỏe trẻ bằng biểu đồ phát triển.

Đưa chương trình phòng, chống SDD trẻ em vào nội dung thi đua của các địa phương để làm căn cứ hàng năm xét thi đua cho các địa phương... Đó là những mục tiêu, giải pháp hỗ trợ thực hiện mà A Lưới hướng đến.

Ông Lê Viết Trừ, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới nêu quyết tâm, chúng tôi xác định, lấy chỉ tiêu dinh dưỡng để thể hiện kết quả và những thành tựu đạt được của phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Do đó, cần xem đây là một trong những mục tiêu phấn đấu của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp. Phòng, chống trẻ em SDD phải trở thành mục tiêu quan trọng. Như thế cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, thôn, cụm dân cư cùng nhau đoàn kết thực hiện. Mỗi gia đình, mỗi người dân cần hiểu và hưởng ứng phòng, chống trẻ em SDD một cách chủ động. Biết tranh thủ, phối hợp chặt chẽ với nhiều lực lượng cộng đồng xã hội hoạt động trên địa bàn huyện như: bộ đội, đội công tác cơ sở, giáo viên, cán bộ khuyến nông, lâm trường... để thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.

Trong một lần họp bàn về giải pháp để giảm dần tỷ lệ trẻ SDD ở A Lưới, ông Nguyễn Văn Mễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định, không còn con đường nào khác, người dân A Lưới nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, cần thay đổi cách ăn uống hằng ngày. Muốn phòng, chống trẻ SDD phải bắt đầu từ bà mẹ. Ý thức bà mẹ nâng lên thì, tỷ lệ trẻ SDD theo đó mà giảm dần. Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương phát triển đàn gia súc, gia cầm để có nguồn trứng, lượng thịt bổ sung trong bữa ăn hàng ngày ở mỗi gia đình. Điều này không khó với bà con A Lưới. Mặt khác phải thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi manh mún, lạc hậu và làm gì thì phải quyết tâm làm đến cùng, mới không thiếu đói, chạy ăn từng ngày.

Theo báo TT - Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video