Ai cũng có thể là lãnh đạo, dù nam hay nữ

25/10/2018
Là thông điệp mà chương trình “Woman can lead” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam đang triển khai, nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

“Ai cũng có thể có tố chất và khả năng lãnh đạo, bất kỳ là nam giới hay nữ giới”, đó là thông điệp mà chương trình “Woman can lead”, giai đoạn 2 của chiến dịch “Bình thường và bất thường - Howabnormal” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam đang triển khai, nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Bình đẳng giới không phải là một cụm từ xa lạ, khi trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ sự phân biệt giới luôn được Đảng, Nhà nước cũng như các cấp, bộ, ngành quan tâm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai Tháng Bình đẳng giới hằng năm để mở rộng tác động, phạm vi tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho người dân về bình đẳng giới. Kết quả về việc thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam vì thế cũng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc thay đổi hoàn toàn nhận thức về phân biệt giới vẫn đòi hỏi những nỗ lực đến từ toàn xã hội.

Chương trình “Woman can lead” do UNDP phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam thực hiện là một nỗ lực của giới trẻ, những sinh viên, thanh thiếu niên còn đang ngồi trên ghế nhà trường trong “cuộc chiến chống phân biệt giới”. Chứng kiến sự hào hứng thể hiện quan điểm, suy nghĩ của các bạn trẻ thông qua những phóng sự ảnh, phim ngắn, video clip, âm nhạc, truyện tranh, fanpage,… mới thấy giới trẻ thực sự quan tâm đến bình đẳng giới và khát khao mong muốn thay đổi nhận thức của xã hội về bình đẳng giới.

 

 Các bạn sinh viên hào hứng tham dự “Woman can lead”


Theo bà Akiko Fujii, Phó giám đốc quốc gia của UNDP Việt Nam, so với thế giới cũng như khu vực châu Á, tỷ lệ sinh viên nữ lựa chọn phát triển trong các ngành kỹ thuật, khoa học của Việt Nam vẫn khá thấp, chỉ khoảng 15%, Việt Nam vẫn cần phải thay đổi để điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội. Những người trẻ trong tương lai sẽ trở thành những người đi đầu, bởi thế, việc tạo sức mạnh, động lực, kiến thức giúp họ thay đổi suy nghĩ về bình đẳng giới là rất quan trọng.

Với những nhân vật trong các sản phẩm truyền thông rất đa dạng từ nữ sinh đạt điểm cao nhất tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2018 đến nữ cầu thủ đạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam, nữ DJ đầu tiên của Hà Nội… các bạn trẻ tham dự vòng chung kết tại khu vực phía Bắc của chương trình “Woman can lead” đã mang đến những góc nhìn mới về phụ nữ, thêm phần khẳng định chắc chắn cho thông điệp: “Ai cũng có thể có tố chất và khả năng lãnh đạo, bất kỳ là nam giới hay nữ giới”.

Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề giới, bạn Nguyễn Thị Thanh Mai, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, mọi công việc nam giới làm thì nữ giới đều có thể làm được, thậm chí làm tốt hơn, ngược lại, những công việc mà trước đây thường được mặc định cho nữ giới như: Chăm sóc trẻ, nấu cơm, rửa bát… thì nam giới cũng hoàn toàn có thể chia sẻ được.

Còn theo sinh viên Đặng Phương Hoa, Học viện Phụ nữ Việt Nam thì: “Việc tham dự chương trình “Woman can lead” đã cho em những trải nghiệm mới. Qua khoảng thời gian làm việc, em đã nhận ra rằng, nữ giới không hề yếu đuối và họ có thể làm được tất cả từ chính những đam mê của mình”.

Phụ nữ có quyền đam mê, theo đuổi ước mơ của mình, đồng thời tận dụng những cơ chế, chính sách để thăng tiến trong công việc mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến nào-thông điệp mà “Woman can lead” mong rằng sẽ được truyền tải sâu rộng đến xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, những người đã và đang có những tư tưởng rất tiến bộ về giới, để trong một tương lai không xa, tỷ lệ nữ giới trở thành lãnh đạo, kỹ sư, nhà khoa học... sẽ ngang ngửa với nam giới!

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video