Alex mơ được làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

19/05/2006
Năm 1998, cảm tình với Việt Nam, bà Kathleen Huff rời bỏ chức Trưởng khoa tâm lý trường Đại học bang Arkansas (Mỹ) để tìm đến World Concern – một tổ chức phi chính phủ ở Scatle đang cần một chuyên viên tham gia vào dự án tạo việc làm cho những thanh thiếu niên bị khuyết tật ở ba địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương – Việt Nam.

Bà Kathleen cùng các con đến thành phố Đà Nẵng và đón cái Tết Việt Nam đầu tiên ở đây. Các con bà, nhất là hai con trai hoà nhập rất nhanh với môi trường mới. Các em thích thú được đạp xe ra biển, được đi Hội An, Mỹ Sơn bằng xe máy và làm quen rất nhanh với các bạn đồng lứa.

 

Ông bà Bob Huff và Kathleen có 4 người con, trong đó có một cô con nuôi, Angela, con gái đầu năm nay 27 tuổi, vừa cưới chồng là một bác sĩ người ấn Độ. Cậu con trai thứ hai – Jacob Huff, 22 tuổi, là sinh viên đại học. Jacob còn có tên Việt Nam là Minh. ở Việt Nam một thời gian ngắn nhưng Jacob đã nhanh chóng có một vốn tiếng Việt tương đối khá, đủ để tán chuyện. Khi về Mỹ, cậu kể với các bạn rất nhiều chuyện Việt Nam và sẵn sàng dạy tiếng Việt cho ai muốn học. Alex là con út và có thời gian ở Việt Nam lâu nhất. ở lớp, các bạn không gọi Alex Huff bằng cái tên Mỹ mà chỉ đơn giản là Minh. Học lớp nào Minh cũng cao nhất lớp với mái đầu vàng rực và đôi mắt xanh biếc. Nhưng chẳng ai nhận ra sự khác biệt đó. Minh như một đứa trẻ thuần Việt. Cậu hoà đồng rất nhanh cùng các bạn. Minh học rất giỏi, liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học, chỉ có một năm đạt học sinh tiên tiến vì hồi đó viết tiếng Việt còn chậm. Đến năm lớp 6 Minh học bán trú cùng các bạn. Minh nói chuyện trong lớp nhiều đến nỗi cô chủ nhiệm phải báo với phụ huynh. Mẹ Minh, bà Kathleen nghiêm khắc nhắc nhở , Minh trả lời mẹ: "Con biết lỗi rồi, nhưng bắt con câm một lần là con chết ngay. Cho con nói chuyện ít dần rồi con sẽ thôi không nói nữa". Minh nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh. Bà Kathleen nói:"Về nhà tôi phải buộc Alex nói chuyện bằng tiếng Anh vì sợ cháu quên tiếng mẹ đẻ'. Nỗi lo của bà Kathleen là có cơ sở. Ngồi phiên dịch cho cuộc chuyện trò giữa bà Kathleen và một chị nhà báo Việt Nam, không ít lần Alex – Minh lúng túng tìm từ tiếng Anh để chuyển tải nội dung tiếng Việt. Cậu bé này đã đoạt giải nhì trong cuộc thi kể chuyện theo sách cho học sinh khối lớp 5 toàn quốc năm 2002. Chị nhà báo trêu Minh: "Minh là người Việt Nam rồi!", Minh trả lời: "Có sao đâu, em muốn hiểu biết về đất nước và con người VIệt Nam như một người Việt Nam, cũng như hiểu biết về nước Mỹ như một người Mỹ. Em mơ ước sau này lớn lên sẽ được làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam để giúp cho hai dân tộc và nhân dân hai nước hiểu biết, gần gũi nhau hơn". Mẹ Alex ngồi bên nhìn con, vẻ tán đồng.

 

Sự hoà đồng nhanh chóng của Alex với các bạn xung quanh là nhờ sự hướng dẫn khéo léo của mẹ – một thạc sĩ tâm lý giáo dục. Bà đã có hơn hai chục năm làm tư vấn tâm lý giáo dục và 7 năm làm Trưởng khoa tâm lý ở trường đại học. Kathleen kể: buổi đầu tiên gửi Alex đến trường học tiếng Việt với trẻ em Việt Nam, bà nghĩ Alex chỉ học khoảng 1 đến 2 tiếng sẽ đón về. Nhưng khi đến đón con, cô giáo yêu cầu cho Alex ở lại học cả ngày. Bà hỏi Alex: Con có đồng ý ở lại trường cả ngày không? Alex nhìn thẳng vào mặt mẹ, một giọt nước mắt duy nhất chảy xuống: con có thể làm được. Và sau đó không bao giờ khóc nữa. Alex nhớ lại, lúc đầu không biết tiếng Việt, cứ phải tập chép mà không biết chép gì và chép rất chậm, các bạn ra chơi mình em vẫn phải ngồi tập chép. Alex về hỏi mẹ: "Con phải làm gì/" Mẹ bảo:" Con cứ tiếp tục viết và cứ thân thiện, dần dần mọi người sẽ quen với con". Chỉ sau hai tuần, mọi người đã quen với Alex và em có rất nhiều bạn thân qua từng lớp học. Bà Kathleen đã gặp các giáo viên và đề nghị hãy coi Alex Huff như một học sinh Việt Nam bình thường, không ưu tiên và phân biệt gì, kể cả các khoản đóng góp sinh hoạt. Một thời gian sau, Alex cùng các bạn Việt Nam lần lượt được kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Người đến Việt Nam sớm nhất, biết Việt Nam sớm nhất và truyền những tình cảm sâu thẳm về đất nước,con người Việt Nam cho cả gia đình là ông Bob Huff. Năm 20 tuổi ông là lính Mỹ đóng quân tại Đà Nẵng. Trở về Mỹ, ông không thể quên nổi đau thương, mất mát của những đứa trẻ tật nguyền trong một trại mồ côi ở Việt Nam và luôn nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ chúng. Ba mươi năm sau, ông đã sang Hà Nội làm trưởng đại diện tổ chức World Concern tại Việt Nam, là trưởng đại diện tổ chức này tại Đà Nẵng. Cơ hội đó đã giúp ông thực hiện được nhiều mong ước của chính mình.

Duy Long - Tạp chí Hữu nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video