Ấm áp ngôi nhà tình thương

27/04/2010
Chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị An trú tại xóm 9 xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu trong những ngày đông giá rét. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới do Hội LHPN huyện vận động quyên góp xây tặng, chị tâm sự trong niềm xúc động về hoàn cảnh nghèo khó, vất vả khi phải sống trong căn nhà dột nát, tạm bợ, chật chội, ẩm thấp, suốt ngày nơm nớp sợ nắng, sợ gió, sợ mưa...

Sinh ra trong gia đình thuần nông, nhà có 3 chị em, chị là con cả. Nhưng đau đớn thay khi mới lọt lòng chị đã bị mù cả hai mắt. Mọi sinh hoạt của chị đều phải dựa vào mẹ, bởi bố chị cũng bị mù. Gánh nặng gia đình đặt trên đôi vai của mẹ. Bao nhiêu lần chị ao ước mình có thể nhìn thấy ánh sáng để đỡ đần cho mẹ. Nhưng không thể sống trong cảnh ước vọng mông lung và dựa vào người khác, chị quyết tâm phải tự mình chăm sóc cho bản thân và phụ giúp mẹ việc nhà. Chị lần mò từng việc bằng cảm giác và thính giác của mình. Quen dần, công việc trong gia đình một mình chị đảm nhận. Cuộc sống cứ thế dần trôi, rồi cũng đến tuổi cập kê, bạn bè trang lứa tuổi chị lần lượt lập gia đình. Còn chị…chị thấy chạnh lòng và mặc cảm với bản thân. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ đến với chị, năm 29 tuổi, chị gặp anh. Anh là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, cảm động trước hoàn cảnh và nghị lực của chị nên đã tình nguyện đến với chị.

Chung sống với nhau hơn 4 năm, chị sinh được hai người con nhưng các con của chị khi sinh ra bị bệnh "quáng gà". Vợ chồng chị tìm mọi cách để chạy chữa cho con nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Rồi đến lượt chồng chị bỏ mặc 3 mẹ con trở về quê sinh sống. Đau đớn, hoang mang, chị chỉ biết ôm hai con mà khóc. Rồi đây, cuộc sống của mẹ con chị sẽ như thế nào? Với đôi mắt mù lòa, chị biết làm gì để nuôi mình, nuôi con?.. Mọi suy nghĩ giằng xé tâm can chị. May sao trong lúc khó khăn nhất, chị được bà con, xóm giềng giúp đỡ từ gánh nước, bát gạo. Các con của chị dần lớn lên, chị bàn với các con "Mẹ con mình nhận giữ trẻ vừa để cảm ơn sự cưu mang của xóm làng vừa có gạo đủ bữa cho các con. Trong lúc, mắt các con vẫn nhìn thấy nên có thể giúp mẹ cho các cháu ăn". Được chị em trong xóm thấu hiểu, trong ngôi nhà chật chội ấy, ngày ngày có đến 7- 8 đứa trẻ bi bô học nói, nô đùa. Tiếng cười của trẻ thơ phần nào xoa dịu nỗi buồn, sự trống vắng khiến cho chị quên đi nỗi vất vả, nhọc nhằn. Trả công cho mẹ con chị là những gánh lúa, yến gạo... cũng chỉ tạm đủ cho ba mẹ con qua ngày.

Cuộc sống bấp bênh, bữa đói, bữa đủ. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền với mong muốn có bữa ăn no mỗi ngày đã khó nên chị không dám nghĩ đến chuyện sửa lại căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Nhà cửa chật hẹp, xiêu vẹo, dột nát, bên trong chỉ kê mỗi chiếc giường là nơi trú ngụ cho 3 mẹ con.

Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình chị, Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu phát động hội viên, phụ nữ, các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đóng góp tiền của, công sức xây mái ấm tình thương cho chị. Nhờ sự chung tay, góp sức của bà con, làng xóm và của cả cộng đồng, ngôi nhà ngói 2 gian khang trang được xây dựng. Ngày đón nhận ngôi nhà mới, cả nhà chị vui lắm. Ước muốn có một ngôi nhà vững chãi mà chị ấp ủ cả cuộc đời nay đã thành sự thật. Và chị hiểu rằng gia đình chị sẽ chẳng phải lo lắng mỗi khi trời "trái gió chuyển mùa". Nghe chị tâm sự, chúng tôi cảm thấy ấm lòng bởi gia đình chị từ đây sẽ được ở trong ngôi nhà ấm áp tình người.

Chia tay chị Hồ Thị An, nhìn nụ cười biết ơn và tràn đầy hạnh phúc của chị, chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của những mái ấm tình thương mà Hội LHPN các cấp đang phát động, triển khai thực hiện. Được biết trong năm 2009, riêng Hội LHPN Quỳnh Lưu đã vận động xây dựng được 11 mái ấm tình thương trị giá 180 triệu đồng. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều người phụ nữ nghèo được sống trong những ngôi nhà ấm áp tình thương.

Lê Thị Kim Chung
Hội LHPN tỉnh Nghệ An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video