An Giang: Những mô hình hoạt động hiệu quả tại cộng đồng

09/06/2012
Các cấp Hội LHPN tỉnh An Giang đã năng động, sáng tạo, xây dựng các mô hình hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia

Tổ phụ nữ tương trợ mua bảo hiểm y tế:

Hội Phụ nữ TP. Long Xuyên vừa tổ chức sơ kết mô hình Tổ phụ nữ tương trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT). Mô hình điểm được thành lập tại Hội Phụ nữ phường Đông Xuyên với 1 tổ và 12 thành viên. Các thành viên tham gia Tổ phụ nữ tương trợ mua bảo hiểm y tế góp tiền hỗ trợ nhau để mua BHYT. Mỗi tháng, mỗi chị nộp 40.000 đồng để cho 1 chị trong tổ mua, cứ quay vòng như vậy, 12 chị đều có đủ tiền mua bảo hiểm y tế trong năm. Từ 1 mô hình điểm ban đầu, đến nay, phường Đông Xuyên đã có 6 Tổ phụ nữ tương trợ mua bảo hiểm y tế, với 60 chị tham gia.

Hội Phụ nữ TP. Long Xuyên mở rộng mô hình đến 5 phường: Bình Đức, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Thạnh và Mỹ Bình, với 25 tổ giúp 297 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Nhân dịp sơ kết mô hình, Hội Phụ nữ TP. Long Xuyên đã tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 8 cá nhân tích cực thực hiện, góp phần phát triển mô hình.

 

Tổ phụ nữ tiết kiệm “thu gom phế liệu” vì một xã hội xanh sạch và giàu đẹp

Tổ phụ nữ tiết kiệm “thu gom phế liệu” xã Bình Hoà, huyện Châu Thành ra đời đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động cho chị em phụ nữ địa phương trong việc bảo vệ môi trường, chị em đã tận dụng những thứ bỏ đi để phục vụ cho công tác giảm nghèo.

Mô hình gồm 2 cấp: cấp thu gom phế liệu gia đình – tại gia đình người dân và cấp thu mua chung – do Hội LHPN xã thực hiện 1 – 2 tháng/lần. Số tiền bán phế liệu được dùng để làm nguồn quỹ giúp đỡ cho các chị em phụ nữ nghèo ở địa phương.

Mỗi gia đình tham gia tổ phụ nữ tiết kiệm “thu gom phế liệu”, thu gom rác thải có thể tái chế ngay từ trong nhà mình vào các thùng rác khác nhau, thùng nào đựng loại phế liệu ấy như: vỏ chai nhựa, chai, lọ thuỷ tinh, ni lông, dép nhựa. giấy vụn… Những vật thải này trước đây được vứt lung tung trong nhà, ngoài sân, hoặc vất chung vào thùng rác rồi vứt đi. Từ khi mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm “thu gom phế liệu” ra đời, chị em phụ nữ và gia đình đã ý thức hơn về giá trị của những phế liệu này.

Đến nay, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, Quỹ tiết kiệm “thu gom phế liệu” của phụ nữ xã Bình Hoà thu được hơn 600.000 đồng. Kinh phí được dùng để mua sách vở cho con em phụ nữ nghèo ở địa phương, trợ cấp khó khăn đột xuất như: gạo, mì gói, nước tương,…

Được biết, Hội LHPN xã đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia. Thời gian tới Hội sẽ mở rộng mô hình tới các ấp Phú An 1, Phú An 2 và Phú Hòa 1.

 

Tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý ở vùng dân tộc thiểu số

Mô hình được triển khai điểm tại xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) và xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn). Đó là những xã vùng núi, khó khăn, dân trí thấp đông người dân tộc thiểu số. Xã An Hảo có 52% dân số là người dân tộc Khmer; xã Châu Lăng, người dân tộc Khmer chiếm trên 70% dân số. Chi Lăng cũng là địa phương mà người dân đã từng bị những phần tử xấu tác động, lôi kéo, kích động lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người.

Tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý (TGPL) xã An Hảo gồm 20 thành viên, Tổ phụ nữ TGPL xã Châu Lăng có 5 thành viên. Tổ trưởng các tổ đều do Chủ tịch Hội phụ nữ xã kiêm nhiệm. Tổ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Nội dung hoạt động ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tiếp, còn lồng ghép triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Hội. Tổ Để trang bị kiến thức, kinh nghiệm bước đầu trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện duy trì quan hệ phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhân dân ở cơ sở, Hội phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức các lớp tập huấn Kỹ năng tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thành viên của tổ.

Qua hơn 6 tháng hoạt động, các Tổ phụ nữ TGPL đã phối hợp tổ chức được 31 cuộc tuyên truyền pháp luật, thu hút trên 300 lượt người tham gia; tiếp nhận tư vấn pháp luật cho trên 50 trường hợp về phân chia di sản thừa kế, hôn nhân và gia đình, xác định tài sản chung của vợ - chồng trong thời kỳ hôn nhân, việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em khi ly hôn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, đăng ký hộ khẩu thường trú , đăng ký khai sinh quá hạn…

Được biết, Hội LHPN An Giang đã có Kế hoạch tiếp tục duy trì, nâng cao chất hoạt động và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

 

Mô hình “Mỗi gia đình đều có sọt rác”

Mô hình “Mỗi gia đình đều có sọt rác”, do Hội LHPN xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) phát động trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng và làm sạch đường làng, ngõ phố.

Hưởng ứng thực hiện chương trình Nông thôn mới, tháng 8.2011, Hội LHPN xã Bưng Riềng đã triển khai mô hình “Mỗi gia đình đều có sọt rác” trong toàn thể gia đình hội viên phụ nữ. Đến nay, 17 tổ phụ nữ đã đăng ký thực hiện mô hình với hơn 600 gia đình hội viên phụ nữ tham gia. Người dân tận dụng xô nhựa, thùng sơn để làm thùng rác gia đình. Toàn bộ rác thải trong gia đình được để trong thùng rác và đem bỏ vào hố rác chung.

Mặc dù phong trào “Mỗi gia đình đều có sọt rác” mới được triển khai nhưng đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Số gia đình hội viên có giỏ rác ngày một nhiều. Thói quen vất rác thải bừa bãi đã được cải thiện. Chị em phụ nữ trong xã đã gương mẫu thực hiện và vận động người thân bỏ rác vào thùng rác.

Thực hiện phong trào không chỉ giúp các gia đình giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi mình sống mà còn góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu dân cư.

Q.Anh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video