An Giang sau 5 năm thực hiện chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ

22/08/2006


Thực hiện chương trình quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong năm năm (2001–2005), tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực: lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, bình đẳng giới. Từng bước phát huy phát huy năng lực, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới.

Có thể thấy, vấn đề lao động việc làm luôn là nỗi trăn trở băn khoăn của các cấp lãnh đạo tỉnh. Trong những năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề cho lao động nữ: tổ chức khoảng 300- 400 lớp đào tạo, dạy nghề, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh cho hàng ngàn lượt phụ nữ, chỉ riêng trong năm 2005 đã hướng dẫn, dạy nghề cho 6.110 lượt phụ nữ, giới thiệu việc làm cho trên 9.900 lao động, trong đó xuất khẩu lao động được 540 lao động… Qua các lớp đào tạo nghề nhiều chị em phụ nữ đã có thể, tìm kiếm được việc làm và tham gia vào quá trình xuất khẩu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng đã giúp 25.600 lượt chị vay, trong đó có 100% phụ nữ nghèo là chủ hộ với số tiền trên 51 tỷ đồng, tạo điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

 

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, các chính sách về y tế-giáo dục được triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trong 5 năm qua, đã tiến hành tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 40.000 lượt phụ nữ nghèo. Các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản được đẩy mạnh, như tư vấn các biện pháp tránh thai cho trên 32.000 cặp vợ chồng, giúp 95% phụ nữ nghèo được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh, đã có 100% phụ nữ tuổi sinh sản được tiêm ngừa uốn ván, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở người mẹ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cũng được quan tâm, hướng dẫn giúp phụ nữ nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, dân số kế hoạch hoá gia đình, phòng chống HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em được mở rộng, thực hiện trên 1.000 cuộc tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới, đã cung cấp trên 6.300 tài liệu pháp luật, đã thu hút trên 300.000 lượt người tham gia; tổ chức nhiều lớp tập huấn cho gần 400 cán bộ Hội phụ nữ về kỹ năng trợ giúp pháp lý, triển khai trên từng địa bàn dân cư, qua đó trợ giúp pháp lý cho trên 1.200 phụ nữ nghèo; tuyên truyền, khắc phục vấn đề kết hôn với người nước ngoài có mục đích vụ lợi.


Công tác giáo dục đào tạo cũng từng bước được quan tâm củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực giáo dục trong từng gia đình. Trình độ chuyên môn, chính trị không ngừng nâng cao, đến nay có 220 chị có trình độ sau đại học, gần 7.550 chị có trình độ cao đẳng, đại học, gần 5.970 chị có trình độ trung cấp. Có trên 96% phụ nữ độ tuổi từ 15-35 tham gia vào chương trình chống mù chữ ở địa phương, tỷ lệ vận động trẻ em gái. Đến trường ở các cấp học đạt gần 50%. Các phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc diễn ra một cách sôi nổi, thu hút trên 106.000 lượt chị tham gia, trong đó có gần 9.200 chị đạt danh hiệu phụ nữ 02 giỏi trong nhiều năm liền.


Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 phụ nữ là Đảng viên, chiếm gần 23% so tổng số đảng viên toàn tỉnh, nhiều chị trong số đó đang giữ những cương vị quan trọng gồm 01 Phó chủ tịch UBND tỉnh, 02 phó chủ tịch UBND huyện, 11 chị là Chủ tịch và 23 chị là phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, 756 chị được phân công giữ các chức vụ trưởng, phó ban ngành cấp tỉnh, huyện. Số lượng cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy các cấp chiếm từ 8%-15% so tổng số cấp ủy viên; đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ 14%-20%; 37 chị đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chính quyền các cấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc thực hiện Chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ ở An Giang vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập.: Việc lồng ghép các chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở một số nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mứcánự can thiệp đối với các tình trạng bạo hành, tội phạm hiếp dâm, mua bán phụ nữ - trẻ em còn bị động; nhận thức về vai trò của người phụ nữ còn hạn chế, phụ nữ không có nhiều điều kiện để vươn lên, không phát huy được vai trò và vị thế của mình; quyền bình đẳng giới nhiều nơi không được xem trọng nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; tình trạng bạo hành phụ nữ, tội phạm hiếp dâm, mua bán phụ nữ vẫn còn cao và có những diễn biến mới hết sức phức tạp.


Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của người phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong tình hình mới, trên hết, cần thực hiện có hiệu quả các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm; tăng cường, thúc đẩy việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, tăng cường công tác đào tạo nghề và khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế cho phụ nữ. Cần có sự điều chỉnh giới, mở rộng các chính sách ưu tiên để phụ nữ có điều kiện nâng cao kiến thức, trình độ.

Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, chú ý đến chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, hoàn thiện các hệ thống chính sách đối với cán bộ nữ, thực hiện các chương trình lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong công tác tổ chức, phân công cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt ở các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở; triển khai rộng khắp, phổ biến các chương trình giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trên địa bàn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ trong gia đình và xã hội./.

Trung tâm Thông tin tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video