Ăn hải sản an toàn

09/02/2006
Theo bác sĩ Hương Liên, Viện Dinh dưỡng, những ngày sau Tết, nhiều người tìm đến các món ăn hải sản để thay đổi khẩu vị nhưng ăn hải sản thế nào cho an toàn không phải ai cũng biết.

Trong các loại hải sản, sò huyết, tôm, cua... là thức ăn ngon được nhiều người ưa thích.

Theo cách ăn sò của dân gian thì sò chỉ cần nướng trên bếp than hoa chờ sò há miệng, cho muối, hạt tiêu và vắt mấy giọt nước chanh vào ăn ngay lúc còn nóng cùng với rau thơm. Sò nướng như vậy rất thơm ngon nhưng cách ăn này hiện nay không còn thích hợp nữa vì không bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đây, dân cư ít, công nghiệp chưa phát triển, nước ở các cửa sông, bãi biển còn sạch, nên những sinh vật sống trong nước ít bị nhiễm bẩn. Trong mấy thập kỷ qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp và sự bùng nổ các đô thị, nhiều vùng nước sông, nước biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, do đó các sinh vật sống ở sông, biển cũng bị nhiễm khuẩn và nhiễm các chất độc hại có trong nước thải. Trong tình hình vệ sinh môi trường như trên mà ăn sò chưa đun nấu chín kỹ sẽ nguy hiểm, vì sò nướng trên than vẫn chỉ là sò tái. Muốn bảo đảm vệ sinh, chúng ta chỉ nên ăn những con sò tươi vẫn còn sống, khi chế biến phải làm sạch, loại bỏ những phần không ăn được và phải nấu thật chín, không được ăn sò tái.

Ngoài các món xào, nấu thông thường, chúng ta có thể nấu cháo sò huyết ăn rất ngon. Ăn uống như trên vừa ngon, vừa an toàn, vì những vụ ngộ độc thức ăn do hải sản xảy ra khá phổ biển. Thủ phạm gây bệnh đã được xác nhận là vi khuẩn Vibrioparahaemolyticus sống ở các cửa sông và ven biển. Do vậy, khi ăn hải sản cần chọn loại còn tươi sống, nấu chín kỹ mới ăn, không ăn gỏi, ăn tái để phòng tránh bị ngộ độc hải sản.

Theo báo Lao động

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video