An Lão: Trồng cau mở hướng thoát nghèo

07/01/2006
Trong 7 năm trở lại đây, trái cau ở huyện vùng cao An Lão đã lên ngôi một cách đầy bất ngờ.

Hàng ngày có từ 40-50 người ở các xã An Hòa, An Tân, An Trung về tận bản làng, nương rẫy của đồng bào các xã vùng cao An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa để mua cau trái, đưa về bán lại cho các lò sơ chế. Ở xã An Hòa, An Tân đã hình thành nhiều lò sấy cau thủ công có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày.

Trái cau ở An Lão trước đây chỉ 500 đồng/kg đã lên 1.000 đồng rồi 2.000 đồng/kg. Ông Đinh Văn Nhe ở thôn 3, xã An Dũng cho biết: "Gia đình tôi trồng 1.000 cây cau trên vườn đồi, đã có 300 cây cho trái, thu hoạch lứa đầu tiên bán được 7 triệu đồng". Không chỉ có ông Nhe mà còn nhiều hộ trong huyện có thu nhập hàng năm từ 5-10 triệu đồng từ bán cau trái. Riêng tại xã vùng cao An Vinh đã có 70.000 cây cau được trồng ở vườn đồi, vườn rừng, bình quân mỗi hộ trồng 200 cây, trong đó đã có hơn 10.000 cây cau cho quả. Năm 2005, nhân dân An Vinh đã thu nhập thêm từ vườn cau hơn 300 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế của cây cau, mới đây Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn của huyện đã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển trồng mới cây cau bản địa và tổ chức sơ chế mặt hàng cau trái xuất khẩu. Tham dự hội thảo có 60 hộ trồng cau và một số chủ cơ sở chế biến cau.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng An Lão: "Cứ 1 ha đất trống đồi trọc sẽ trồng được 3.300 cây cau. Cây cau có đặc điểm thân mọc thẳng đứng, tán lá nhỏ, không kén đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật trồng và chăm sóc đòi hỏi không cao. Trong điều kiện ít đầu tư chăm sóc, trung bình một cây cau ở An Lão hiện nay cho thu hoạch 15kg trái/năm, giá 1 kg cau tươi hiện nay là 2.000 đồng thì 1 ha cau sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm".

Hiện nay, huyện An Lão đã hình thành 8 cơ sở sơ chế và sấy cau. Hàng năm các cơ sở này đã xuất sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan khoảng 150 tấn cau sơ chế. Theo một số chủ cơ sở sơ chế cau, cứ 3-4 tấn cau tươi luộc, sấy được 1 tấn cau khô, giá 1kg cau khô tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan là 12.000 đồng VN, sau khi trừ chi phí cơ sở cũng có lãi kha khá. Ngoài ra, các cơ sở này đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương.

Huyện An Lão hiện có 68 ha cau, trong đó có 12 ha trồng mới, tập trung ở các xã vùng cao. Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ huyện An Lão đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 5 năm đến là: "Đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích...". Trong đó đặc biệt quan tâm phát triển cây cau ở các xã vùng cao. Huyện đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng cau với giống cau có năng suất cao. Đặc biệt, các chủ cơ sở xây dựng lò sấy cau ở các xã vùng cao sẽ được huyện cho vay vốn ưu đãi.

Trước mắt, huyện An Lão đang quy hoạch lại những vùng đất trồng cau cho phù hợp; vận động nhân dân thâm canh, cải tạo lại các vườn cau kém hiệu quả. Huyện cũng đã tăng cường công tác tuyển chọn giống và tổ chức gieo ươm để chủ động nguồn cây cau giống phục vụ cho diện tích trồng mới.

Hoàng Nam Quốc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video