An toàn cho phụ nữ- ưu tiên hàng đầu ở Nam Úc

25/11/2015
Nam Úc là bang tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, là bang đầu tiên của Úc cho phép phụ nữ đi bầu cử và cho phép phụ nữ được ứng cử ở Quốc hội. Bang đã thông qua Luật cơ hội bình đẳng đầu tiên của nước Úc.

Chiến lược an toàn cho phụ nữ

Năm 2011, chính quyền Nam Úc đã xây dựng và ban hành Chiến lược vì sự An toàn của phụ nữ giai đoạn 2011 – 2022 và lấy tên là “Quyền được an toàn” với mục tiêu đến năm 2022, bạo lực đối với phụ nữ (BLĐVPN) giảm đáng kể và bền vững. Đây là giai đoạn tiếp theo của Chiến lược vì sự an toàn của phụ nữ đã được xây dựng và thực hiện từ năm 2005. Một trong mục tiêu của chiến lược này là tiếp tục các hoạt động nhằm giảm tình trạng BLĐVPN, đặc biệt tập trung các nỗ lực phòng ngừa; hỗ trợ để nam giới và nam thanh niên phát huy vai trò hơn nữa trong phòng ngừa BLĐVPN.

Trên cơ sở Chiến lược của Nam Úc, các cơ quan như Văn phòng phụ nữ, cảnh sát Nam Úc đã xây dựng các chương trình, hoạt động phòng chống BLĐVPN và hỗ trợ nạn nhân. “Khung an toàn” cho gia đình được Văn phòng phụ nữ phối hợp với các cơ quan quan trọng của chính quyền bang xây dựng. Thực tế cho thấy, thiếu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan là một yếu tố quan trọng làm giảm hiệu quả ngăn chặn các vụ giết người hoặc tự tử trong gia đình do bạo lực. Khung an toàn được xây dựng với mục đích cải thiện tình trạng này, hướng dẫn từng địa bàn, tổ chức về các chiến lược tăng cường sự an toàn của phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên thông qua cung cấp các dịch vụ tích hợp cho các gia đình có bạo lực gia đình (BLGĐ), những người có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cẩm nang về Khung an toàn gia đình cũng đã được Văn phòng phụ nữ xây dựng nhằm cung cấp cho cán bộ của các cơ quan tham gia các thông tin đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của họ đối với mỗi hợp phần chính của Khung an toàn.

Vai trò tích cực của cảnh sát

Tại Nam Úc, cảnh sát đóng vai trò rất quan trọng và tích cực, chủ động và phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Theo luật định, cùng với tòa án, cảnh sát được phép ban hành lệnh can thiệp khi có có thông tin về hành vi bạo lực hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực hoặc có thể bị bạo lực. Hành vi không chấp hành lệnh can thiệp bị coi là tội phạm hình sự.

Năm 2005, lực lượng cảnh sát Nam Úc (SAPOL), đã xây dựng Chiến lược phòng, chống bạo lực gia đình của ngành cảnh sát (PDVS) nhằm giải quyết hiệu quả bạo lực gia đình thông qua việc xây dựng quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và với cộng đồng. Xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận mới đặt ra trong PDVS, năm 2006, SAPOL phát triển mô hình giám sát BLGĐ.

Ngày 16/10/2014, ông Jay Weatherill – Thủ tướng tiểu bang Nam Úc đã khởi xướng chính sách “Thể hiện quan điểm: Ứng phó với BLGĐ”. Chính sách này tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: Can thiệp và phòng ngừa sớm; phân tích thông tin tình báo; điều tra và can thiệp; xây dựng lực lượng và nghiên cứu, đánh giá. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của can thiệp để đảm bảo sự an toàn của nạn nhân và những phản ứng hiệu quả nhằm ngăn chặn những nguy cơ về sau. Cách tiếp cận chiến lược tổng thể trong hoạt động của cảnh sát là tạo sự cân bằng giữa giáo dục, chế tài và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, cảnh sát Nam Úc đã thành lập và đào tạo, bồi dưỡng lực lượng chuyên trách về phòng chống BLGĐ. Bên cạnh đó, việc xây dựng danh sách hồ sơ BLGĐ là một thay đổi bước ngoặt trong việc giám sát BLGĐ được xây dựng dựa trên chính sách và những phát triển hoạt động từ năm 2005.

Hỗ trợ nạn nhân

Một trong những tổ chức cung cấp các dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực ở Nam Úc là tổ chức Dịch vụ Hỗ trợ Nạn nhân (VSS). Là một tổ chức phi chính phủ, VSS hỗ trợ miễn phí và đảm bảo bí mật cho nạn nhân và cho nhân chứng, gia đình và người thân của nạn nhân – những người cũng chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình. VSS phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức khác trong việc hỗ trợ nạn nhân. Các nạn nhân có thể liên hệ với VSS bất cứ lúc nào để được hỗ trợ mà không cần phải qua các thủ tục khai báo, ngay cả khi vụ việc đã xảy ra trong quá khứ và họ muốn được hỗ trợ.

Với nguồn ngân sách từ Chính phủ, chính quyền bang và hoạt động tự gây quỹ, các chương trình và dịch vụ mà VSS cung cấp rất đa dạng, đảm bảo hỗ trợ 24/24 giờ cho cả nạn nhân lẫn người thân và những người xung quanh bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt khi nạn nhân bị thiệt mạng. VSS có văn phòng tại thành phố và 7 vùng thuộc Nam Úc nên người dân có thể dễ dàng liên hệ và tiếp cận các dịch vụ của tổ chức.

Tổng hợp từ tài liệu của Ban Quốc tế, TW Hội LHPNVN

Theo Như Thụy – Báo PNVN (TN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video