Ấn tượng “Bắc Kinh cộng 15” tại Niu Yooc

25/03/2010
Sau hành trình dài hàng chục tiếng đồng hồ, từ trên máy bay đáp xuống sân bay JKF – New York, những đại biểu Hội LHPNV trong Đoàn đại biểu Viêt nam dự Hội nghị “Bắc Kinh cộng 15” của Uỷ ban địa vị phụ nữ Liên hiệp quốc (CSW) không khỏi choáng ngợp trước toàn cảnh Niu Yooc (N.Y) phủ đầy tuyết trắng – dấu vết để lại của một trận bão tuyết lịch sử vừa qua của N.Y khiến nhiều hoạt động, dịch vụ của thành phố tạm ngừng hoạt động, kể cả văn phòng LHQ nơi đây đã phải tạm đóng cửa một ngày.

Rất may, ngay ngày đoàn đến và những ngày tiếp theo diễn ra cuộc họp, thời tiết như chiều lòng người, trời quang, mây tạnh, nhưng nhiệt độ vẫn đủ lạnh để lưu lại những đống tuyết chất lớp dọc theo các con đường và trên các cành cây khẳng khiu. Đoàn đại biểu Việt Nam do thứ trưởng Bộ Lao động và TB- XH – ông Nguyễn Thanh Hòa dẫn đầu gồm 14 thành viên, trong đó có 5 đại biểu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham dự cuộc họp từ 1-7/3/2010 tại Niu Yooc (N.Y).

 

Là đơn vị chủ trì phối hợp với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam (NCFAW) tổ chức đoàn của Chính Phủ Việt nam và các tổ chức Phi chính phủ (NGO) Việt Nam tham gia Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ IV tại Bắc Kinh năm 1995, Hội LHPNVN đã nghiêm túc tổ chức thực hiện và tham gia tiến trình kiểm kiểm việc thực hiện Tuyên bố và Cương Lĩnh hành động Bắc Kinh vì bình đẳng giới, phát triển và hòa bình qua các kỳ họp của CSW cấp khu vực Châu Á-Thái bình dương và cấp toàn cầu có tên gọi Bắc Kinh cộng 5 (2000), Bắc Kinh cộng 10 (2005) và lần này Bắc kinh cộng 15 tại N.Y

 

Trong khuôn viên của Liên hợp quốc rợp sắc cờ của 192 quốc gia thành viên, bầu không khí như nóng lên với sự góp mặt của hơn 2000 đại biểu từ tất cả nước thành viên LHQ đều do các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng làm trưởng đoàn. Cũng ngay tại khuôn viên này, liên tiếp đang diễn ra hàng chục các diễn đàn Chính phủ - các phiên họp toàn thể, các hội thảo chuyên đề và hàng trăm “sự kiện bên lề” – các hội nghị, hội thảo, diễn đàn của các tổ chức quốc tế, NGOs khu vực và quốc gia kéo dài từ ngày 1 đến 12/03/2010.

 

Điểm nhấn trong Kỳ họp 54 của UBĐVPN là các Lễ kỷ niệm của Đại hội đồng LHQ về các mốc lịch sử trong sự nghiệp bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu. Đó là Lễ kỷ niệm 15 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (CLHĐBK) tổ chức vào sáng 2/3 và Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (sáng 3/3). Vinh dự được tham dự hai buổi lễ trọng thể trên, đại diện của Hội LHPNVN đã chuyển tới Ban tổ chức buổi lễ và một số đại biểu Báo cáo thực hiện CLHĐBK và các ấn phẩm giới thiệu về Hội LHPNV. Đoàn cũng đã tham dự 10 phiên họp toàn thể, lắng nghe tham luận của các đoàn đại biểu Chính phủ các nước về thành tựu, khó khăn và các giải pháp thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc kinh (CLHĐBK) và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ. Trưởng đoàn Việt nam thay mặt Chính phủ Việt Nam tham luận tại phiên toàn thể chiều ngày 2/3 chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm của Việt Nam. Đoàn cũng đã tham gia Cuộc họp bàn tròn cấp cao về mối liên quan giữa thực hiện CLHĐBK với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và ba hội thảo chuyên đề với các chủ đề “Mối tương quan giữa thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”, “Đánh giá của các khu vực về thành tựu và những tồn tại, những giải pháp khắc phục những bất cập và thách thức trong thực hiện CLHĐBK và “30 năm ngày Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW)”. Bên cạnh đó đoàn của Hội LHPNV cũng đã tranh thủ tham dự một số hoạt động bên lề do UNIFEM, UNCEF, CSW, Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới (WIDF)… tổ chức.

 

Nhìn chung các phát biểu tham luận tại các hoạt động trên đã phác hoạ một bức tranh về tình trạng phụ nữ toàn cầu hiện nay với nhiều mảng mầu sáng tối. Nói như bà Phó Tổng thư ký LHQ “Sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu trong 15 năm qua là rõ ràng nhưng còn đầy rẫy khó khăn, đã có lúc, có nơi tiến ba bước rồi lại lùi ba bước…”. Tuy nhiên “15 năm qua, ngày càng có nhiều quốc gia ban hành luật pháp, chính sách hỗ trợ bình đẳng giới và chăm lo sức khoẻ sinh sản. Đa số các em gái ngày nay đã được học hành nhất là ở cấp học cơ sở. Ngày càng nhiều phụ nữ làm kinh tế, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào các Chính phủ. Phong trào phụ nữ quốc tế đã thực sự trở thành một phong trào rộng khắp toàn cầu” như Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã phát biểu. Trong mảng mầu tươi sáng đó, tham luận của Trưởng đoàn đại biểu Việt nam - Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thanh Hòa tại phiên toàn thể và những chia sẻ của đại biểu Hội LHPNVN Việt Nam tại các hoạt động bên lề về những thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam, những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam và vai trò của Hội LHPNVN trong 15 năm qua là những minh họa sinh động. Hội tự hào chia sẻ những kinh nghiệm và thành công nổi bật của Hội trong lĩnh vực vận động luật pháp chính sách về bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ XĐGN, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chăm sóc sức khỏe sinh sản…trong các hoạt động bên lề. Đặc biệt đại diện của Hội đã phát biểu tham luận trong hội thảo “Khủng hoảng kinh tế và tác động đối với nữ lao động” do Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế (WIDF) tổ chức đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của WID phát đi thông điệp phụ nữ Việt Nam đoàn kết với phụ nữ Cuba và Palestine đấu tranh cho hòa bình, công lý, độc lập và bình đẳng.

 

Hội nghị bàn tròn cấp cao trong Kỳ họp 54 của CSW cũng không ngần ngại đề cập đến những tồn tại, thách thức – những mảng tối của bức tranh toàn cảnh về tình hình phụ nữ thế giới cho đến hiện nay vẫn là “nghèo đói, thất học và thiếu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản”.TTK LHQ cho rằng ‘tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với phụ nữ vẫn còn đó ở khắp mọi nơi. Hình thức tồi tệ nhất thể hiện là bạo lực. Có gần 70 % phụ nữ đã từng bị bạo lực trong cuộc đời họ...”đó là chưa kể nạn tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân, cái gọi là “giết chết trong danh dự”, lạm dụng tình dục và buôn bán phụ nữ đang tồn tại ở nhiều quốc gia”. Đặc biệt, nạn bạo lực tình dục ở các khu vực có xung đột vũ trang. Ứng phó với vấn nạn này, Tổng TTK LHQ đã phát động và kêu gọi nam giới và toàn dân tham gia Chiến dịch “Đoàn kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” và thành lập “Mạng lưới các nhà lãnh đạo nam giới”. Hội LHPNVN năm 2009 đã tổ chức thu thập được gần một triệu chữ ký từ các tỉnh thành Hội hưởng ứng sáng kiến trên.

 

Mặt khác, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tử vong sản phụ, thiếu tiếp cận dịch vụ kế hoạch hoá gia đình vẫn ở mức cao không thể chấp nhận ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Một niềm tin được thắp sáng bởi các quyết tâm chính trị của các nước và đặc biệt của LHQ. Đó là chủ trương thành lập một cơ quan mới trong hệ thống LHQ chuyên trách về bình đẳng giới và quyền năng của phụ nữ nhằm có các chương trình và tiếng nói mạnh mẽ hơn cho phụ nữ trên toàn thế giới. Hội nghị thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào tháng 9 năm nay sẽ đưa bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ vào tất cả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bởi “việc trao quyền cho phụ nữ là vấn đề cấp thiết và chỉ đến khi phụ nữ được giải phóng khỏi nghèo đói và bất bình đẳng thì những mục tiêu khác của LHQ về hòa bình, an ninh, phát triển bền vững mới thực hiện được” như TTK LHQ đã phát biểu.

 

Một phần không thể thiếu trong chương trình hoạt động của đoàn đại biểu Hội LHPNVN tại N.Y đó là các cuộc tiếp xúc song phương với những người bạn Mỹ và bà con kiều bào ta tại Mỹ qua sự hỗ trợ thu xếp của vợ chồng chị Merle Ratner và anh Ngô Thanh Nhàn sống tại N.Y - người bạn lâu năm của Hội LHPNVN và đã được Hội LHPNVN trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương vì sự phát triển của phụ nữ. Đoàn đã gặp gỡ với 2 giáo sư Trung tâm đào tạo lãnh đạo nữ toàn cầu (Center for Women’s Global Leadership) thuộc Trường đại học Hunter với triển vọng hợp tác đào tạo trao đổi học viên với Học viện Phụ nữ của Hội LHPNVN, gặp một số các nhà hoạt động cánh tả đã đến thăm Việt Nam hoặc đang có ý định đến thăm Việt Nam, gặp một số thành viên người Mỹ và Việt kiều tham gia cuộc vận động cứu trợ và trách nhiệm xã hội ở Mỹ đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mà chị Merle là Điều phối viên… Bữa cơm tối ấm cúng “góp gạo thổi cơm chung”, tiếng cười nói, những câu chuyện, những lời thăm hỏi và những dự định hợp tác vì bình đẳng giới và phát triển của những người bạn dù cũ hay mới đã cho thấy sức mạnh vô cùng của ý chí và tình đoàn kết giữa nhân dân với nhân dân, giữa những người bạn dù khác mầu da và thể chế chính trị. Cũng qua đó, đoàn hiểu được một điều mong mỏi của bà con Việt Kiều tại Mỹ là có được cơ hội thực sự đóng góp trí tuệ và công sức cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam.

 

Một kỷ niệm nữa đắp đầy chuyến công tác của đoàn đó là Lễ trao Kỷ niệm chương của Bộ Lao động cho Đại sứ Lê Lương Minh và Đại sứ Bùi Thế Giang và trao Bằng khen của Hội LHPNVN cho tập thể Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và Kỷ niệm chương của Hội cho Đại sứ Lê Lương Minh và đồng chí Hoàng Thị Thanh Nga Bí thư thứ 2 (Hội đã trao tặng Kỷ niệm chương cho Đại sứ Bùi Thế Giang trước đây) nhân dịp Phái đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an, trong đó có 2 lần làm Chủ tịch Hội đồng bảo an, soạn thảo và thông qua Nghị quyết 1889 về phụ nữ và hòa bình, an ninh và tăng cường vai trò phụ nữ trong hệ thống LHQ.

 

Ngày đoàn lên đường về nước, chị Merle đến từ sáng sớm cùng các anh em trong Phái đoàn đưa tiễn đoàn ra tận sân bay. Tình bạn bè, đồng chí cùng những tia nắng đẹp buổi sớm mai khiến lòng chúng tôi tràn ngập một cảm giác thật ấm áp, tinh khôi và lưu luyến lạ thường khi chia tay. Tạm biệt các bạn, tạm biệt N.Y và những mảng tuyết trắng dọc theo con đường ra sân bay.

Phạm Hoài Giang
Trưởng Ban Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video