Anh nông dân đoạt giải sáng tạo toàn quốc

07/01/2006
Là một nông dân thứ thiệt, sau 7 năm không ngừng sáng tạo, chiếc máy cắt lúa hiệu FUTU 1 (do Công ty Phụ tùng máy 1 - thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên sản xuất),

đã được anh Nguyễn Kim Chính ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn (Phù Cát) cải tiến hoàn hảo đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Từ cải tiến này, anh đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ nhất năm 2004-2005.

Cách đây hơn 7 năm, tình cờ tôi gặp anh Chính (tháng 11-1998), trong một chuyến công tác về xã Cát Thắng (Phù Cát). Hôm ấy, trên đường quay về trung tâm huyện, vừa đến xã Cát Nhơn thì chiếc xe máy cà tàng của tôi bị đứt sên. Giữa vùng quê hẻo lánh, tôi bỗng nghe từ một ngôi nhà bên đường có tiếng nói vọng ra: "Xe sao mà phải dắt dẫy?". Khi biết xe bị đứt sên, anh liền bảo: "Đem dô đây tôi sửa cho, còn xa lắm mới có tiệm sửa xe". Dắt xe vào nhà anh, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy "vị cứu tinh" của mình đang ngồi bên một đống dây sên xe honda cũ với ngổn ngang cò lê, mỏ lết. Anh chọn trong đống ấy một chiếc còn "tươm" nhất thay vào xe tôi.

Cảm kích và tò mò, tôi hỏi: "Anh làm gì với đống dây sên này vậy"? Anh cười: "Tôi đang "trị" chiếc máy cắt lúa của tôi ấy mà!". Tôi quên ngay chuyện đi về và sà xuống nghe anh kể chuyện cải tiến máy cắt lúa.

* Từ chiếc máy rin nhiều hạn chế...

Sau khi lập gia đình, kế sinh nhai của anh Chính là nghề sửa xe đạp với mức thu nhập chỉ đủ để… hút thuốc! Là lao động chính trong một gia đình 7 nhân khẩu, anhkhông cam lòng trước cuộc sống khổ cực của gia đình nên đã nghĩ đến chuyện mua một chiếc máy cày để làm dịch vụ làm đất, phục vụ cho bà con nông dân trong vùng. Từ khi sắm được máy cày, cuộc sống tuy có cải thiện chút đỉnh nhưng vì trong vùng đã có nhiều người khác sắm được máy cày và dịch vụ làm đất đã được các HTX đảm nhận nên "thị phần" của anh chẳng còn bao nhiêu, anh liền chuyển sang đầu tư máy cắt lúa. Cuối năm 1998, anh gom góp vốn liếng mua một chiếc máy cắt lúa hiệu FUTU 1 để phục vụ sản xuất vụ ĐX 98-99 cho gia đình đồng thời làm dịch vụ cắt thuê.

Thế nhưng khi sắm ra máy cắt, khó khăn vẫn tiếp tục đeo đuổi anh vì tính năng hoạt động của máy cắt rất hạn chế, máy chỉ cắt được trong thời tiết nắng ráo và với những diện tích lúa đứng cây. Dưới ruộng lún và lúa nhiều nhau, máy không hoạt động được. Hơn nữa, khi máy vận hành lúa thường hay bị kẹt lại trong máy, để có thể hoạt động tiếp tục cần có người phụ rút lúa kẹt trong máy ra, thành quả công việc còn tệ hơn lúc làm máy cày. Bao nhiêu vốn liếng và mọi hy vọng anh đều dồn cả vào chiếc máy cắt mà khả năng hoạt động như vậy thì quả là khốn đốn. Mặc dù dang dở trong việc học hành nhưng từ ngày còn trẻ anh Chính đã có niềm say mê nghiên cứu máy móc nên anh nảy ra ý nghĩ phải làm thế nào để khắc phục được những nhược điểm kể trên của chiếc máy cắt.

* đến chiếc máy hoạt động trên mọi chân ruộng...

Sau một thời gian "lao tâm khổ tứ", anh đã nghĩ ra cách khắc phục việc cây lúa bị kẹt lại trong máy bằng việc lắp đặt thêm hệ thống sên (anh gọi là hệ thống rút nhau). Và để máy không bị bó lưỡi khi gặp ruộng lúa nhiều nhau, anh bố trí dưới mỗi lưỡi cắt một sợi xích xe honda chạy nối với những bánh sao trên hai nhông. Trên những mắt xích, anh cắt khía để lúc xích chạy theo vòng quay của bánh sao thì những mắt khía đó cuốn nhau lúa đưa theo ra lối lúa. Chính vì thế, đường cắt không bao giờ bị ùn tắc.


Chưa dừng lại ở đó, để máy hoạt động tốt với những đám ruộng chân bùn, anh Chính còn cho lắp thêm một cặp bánh xe honda theo vòng trong của hai bánh lồng để máy có thể hoạt động dễ dàng hơn. Một bánh xe honda khác cũng được bố trí phía tay cầm lái để chiếc máy cắt có thể chạy trên đường giao thông như một chiếc xe máy. Khi xuống ruộng thì chiếc bánh xe thứ ba này có thể xếp gọn vào sườn máy, không hề ảnh hưởng đến việc cắt lúa. Đồng thời, anh cũng nghiên cứu đưa bộ phận máy ngược lên phía trên sườn để máy cắt được di chuyển dễ dàng qua những bờ mương, khe suối và khi cắt lúa nước bùn không văng dính máy, nhờ đó bộ phận máy sẽ được bảo quản tốt hơn để duy trì thêm tuổi thọ. Trên sườn, anh còn gắn thêm một ống sắt rỗng chạy dài ra phía tay cầm để gắn một chiếc yên ngồi lái lúc xê dịch máy. Sự nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến của anh Chính đã cho ra chiếc máy cắt với nhiều chi tiết cải tạo mới hoạt động hiệu quả trên mọi chân ruộng.

* và hoạt động ban đêm...

Vẫn chưa dừng lại, anh Chính tiếp tục nghĩ đến chuyện tạo điều kiện cho máy cắt lúa vào ban đêm. Thế là một chiếc đèn chiếu sáng lại được gắn trước máy, điện được phát từ một bộ lửa xe honda bắt dính trong buri ăn kéo với cốt đèn máy. Điều đáng kể nhất là kinh phí dùng để cải tiến máy hao tốn chẳng bao nhiêu vì tất cả vật liệu cải tiến là tận dụng từ các phụ tùng honda phế thải. Anh Chính nói: "Hệ thống rút nhau và dựng cây lúa đã đóng vai trò quan trọng quyết định hoạt động của máy trên bất kì chân ruộng nào. So với máy chưa cải tiến, thì máy đã cải tiến cho năng suất tăng gấp hai lần, lại cắt được ban đêm, tiêu tốn nhiên liệu ít hơn".

Mặc dù đã được "chỉnh hình" kỹ đến thế nhưng trong hoạt động sau này, chiếc máy cắt vẫn còn bộc lộ nhược điểm là nếu lúa bị ngã xiên 30-400 thì máy chỉ cắt được ba mặt. Vậy là tôi nghĩ đến những cái móc "bát" để móc lúa ngã cho máy cắt. Những chiếc "bát" này được làm bằng thép hình lá ớt, cứ 3 mắc xích thì chen vào một chiếc "bát". Vậy là giờ đây chiếc máy cắt đã "đa năng" hơn rất nhiều. Nó có thể hoạt động trong nước, trong mưa, trong sương, lúa ngã 300 trở lên…

Tháng 8-2004, có một khách hàng từ Phú Thọ (Gia Lai) xuống tìm tôi và nói: "Máy cắt trong lún, trong lầy vẫn tốt nhưng nếu ruộng bị lún sâu khoảng 20 phân thì máy cắt không hiệu quả lắm bởi dính đất nhiều máy đi không được. Có cách nào chống lún không?"

Vậy là tôi phải theo anh ta lên đến tận cánh đồng Phú Thọ để "mục sở thị". Thực tế cho thấy cần phải có cặp bánh lồng để khắc phục tình trạng ấy. Máy được thay bánh lồng cũ bằng bánh lồng mới hoàn toàn. Mâm bánh làm bằng thép liền mặt có gắn 8 lá hình khối tam giác lõm ra mặt ngòai để chống ruộng lún, ruộng lầy và chống dính phía ngoài và có bề ngang hẹp hơn bánh lồng cũ 10 cm. Tôi lại "thiết kế" thêm bánh rulo dưới giàn cắt có đường kính 6cm, chiều dài 20 cm có tác dụng chống đỡ để giảm bớt sức nặng của máy nhằm giảm sức lao động của người vận hành máy. Người cầm máy bây giờ chỉ cần vịn đi theo máy, công việc rất thong dong. Và, nếu trước kia máy sử dụng dây curoa truyền động qua giàn cắt thì bây giờ được thay bằng sợi nhông sên. Do máy thường hoạt động trong nước, trong mưa nên dây curoa dễ bị giãn, bị tuôn, không đảm bảo được quy trình hoạt động.

Sự thay đổi này vừa khắc phục được tình trạng "tuôn" khi gặp chân ruộng lúa mềm cây, vừa chủ động điều chỉnh tốc độ, nhẹ máy và đỡ tốn nhiên liệu. Xuất phát từ yêu cầu cắt cao gốc rạ để nhẹ tay người ôm lúa vào bờ, tôi đã thiết kế thêm cho máy bộ "tăng cao giảm thấp". Muốn cắt cao, người cầm máy có thể vặn bulon tăng giàn cắt lên bao nhiêu tùy ý nhưng đối trọng và độ tay cầm của giàn cắt phía sau không thay đổi.

Anh Nguyễn Tỵ ở thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng - một khách hàng sử dụng máy cắt lúa qua sự cải tiến của anh Chính đã cho biết: "Khi dùng máy của anh Chính, hiệu quả đạt được rất cao: tốc độ nhanh (so với các máy kia, tốc độ máy hơn 80%). Tui đã từng cắt thi với các máy Nhật, máy An Giang chưa cải tiến thì "cái máy anh Chính" tiện lợi hơn nhiều, nhất là hệ thống rút nhau. Cắt buổi sáng, các máy kia còn đùn đẩy các lớp nhau ở phía trước chứ máy này thì không. Cứ tính một lít xăng trong một giờ hoạt động thì thu nhập hiện tại của người chủ máy gặt thực lãi là 60.000 đồng/ngày. Hiệu quả như thế, bảo sao nông dân chúng tôi không dùng…".

Tiếng lành đồn xa, không chỉ nông dân trong tỉnh mà cả ở nhiều tỉnh ngoài (Gia Lai, Bình Thuận, Ninh Thuận) cũng liên hệ mời anh Chính về tận địa phương để cải tiến máy cắt lúa cho họ. Ngoài việc cho một khoản thu nhập khá, từ chiếc máy cắt lúa cải tiến, anh Chính đã được Hội Nông dân tỉnh Bình Định tặng bằng khen: "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2005 của tỉnh". Và mới đây, cũng với chiếc máy ấy anh lại nhận được giải khuyến khích trong cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ nhất năm 2004-2005" .

Anh Chính tâm sự: "Trong thời gian đến, nếu có vốn tôi sẽ cải tiến máy chế tác liên hợp gặt đập để giảm bớt vận động cho nông dân…".

 

Vũ Đình Thung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video