Áo dài phụ nữ Việt Nam trên quê hương đất võ

13/05/2020
Với người Bình Định, võ cổ truyền đã trở thành nét đẹp riêng, làm nên tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Cùng với nét đẹp truyền thống của quê hương đất võ, những người phụ nữ nơi đây cũng luôn nêu cao ý thức gìn giữ tình yêu, khát vọng, mong muốn thổi bùng niềm đam mê với tà áo dài - trang phục truyền thống, một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nhà thiết kế Ánh Hồng với bộ sưu tập áo dài

“Ai về Bình Định mà coi.

Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”.

Áo dài Việt Nam gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của phụ nữ Việt Nam, trở thành biểu tượng gắn với vẻ đẹp thanh lịch của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài luôn là nét đẹp tâm hồn, gắn bó thủy chung với con người, trong khói lửa chiến tranh, trong lao động sản xuất, trong cuộc sống thường ngày, trở thành nguồn cảm hứng bất tận, là biết bao hình ảnh đẹp, nên thơ, duyên dáng, cốt cách dịu dàng khi khoác lên mình bộ áo dài Việt Nam của người phụ nữ Việt Nam đã đi vào thơ ca, âm nhạc, mỹ thuật của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ...  Dù cho chưa có một văn bản nào xác nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam, nhưng nó đã được mặc định là “áo dài dân tộc”.

Hưởng ứng hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”

Nhằm tiếp tục tôn vinh tà áo dài Việt Nam, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về khẳng định chủ quyền áo dài Việt Nam, hướng tới đề xuất công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp phát động sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” được các tầng lớp phụ nữ Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng tích cực hưởng ứng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Ở Bình Định, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào cán bộ Hội LHPN chuyên trách từ cấp tỉnh đến cơ sở mặc Áo dài từ ngày 02 - 08/3/2020 và thứ hai hàng tuần; Đối với nữ cán bộ công chức, viên chức và người lao động mặc Áo dài từ ngày 06 - 08/3; Khuyến khích cán bộ hội viên, phụ nữ mặc đồng loạt vào ngày 06/3. Hội LHPN một số huyện/thành phố tổ chức tặng Áo dài, hỗ trợ kinh phí may áo dài cho cán bộ cơ sở, hội viên, phụ nữ để khuyến khích chị em sử dụng thường xuyên (Quy Nhơn, Tây Sơn).

Trong thời gian diễn ra Tuần lễ hưởng ứng “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cấp Hội vẫn sáng tạo nhiều hình thức tôn vinh áo dài sinh động và phong phú thông qua các kết nối qua các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại (Zalo, Facebook; Messenger…).

Bên cạnh đó, Tuần lễ Hưởng ứng “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” cũng đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho một số chị em có ý định khởi nghiệp thông qua hình thức bán áo dài, vải áo dài qua mạng xã hội..., tạo nên khí thế kết nối, chia sẻ sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp, sinh động của chiếc áo dài trong đời sống sinh hoạt, nơi công sở và cộng đồng...

Nguyễn Kim Anh (giáo viên về hưu, hội viên phụ nữ khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt, thành phố Quy Nhơn) chia sẻ: “Chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam rất “đặc biệt”, người có thân hình tròn trịa, mũm mĩm mặc lên sẽ gọn gàng, người gầy khi mặc lên lại thấy tròn trịa, vừa tôn lên những nét đẹp hình thể của người phụ nữ, mà lại vẫn rất kín đáo, sang trọng và duyên dáng. Tôi là giáo viên, thường xuyên mặc áo dài, mỗi lần đứng trên bục giảng tôi thấy mình tự tin, bài giảng cũng sinh động hơn...”.

Chị Thu Hường (Nguyên Giám đốc Ngân hàng Sacombank Bình Định) khẳng định: “Tôi chưa bao giờ hết yêu thích áo dài. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tà áo dài luôn giữ được giá trị truyền thống và còn được các nghệ nhân không ngừng sáng tạo ra các tà áo dài đẹp hơn, hiện đại hơn. Tôi thấy mình đẹp nhất khi mặc áo dài, vì thế, trong cuộc sống, công việc cũng như các chuyến công tác, trang phục của tôi không thể thiếu áo dài ...”.

Chị Lê Thị Tuyết Trinh (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định) cũng hồ hởi: “Hưởng ứng “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, tôi và cán bộ tại đơn vị rất hào hứng, vì trước giờ cũng đã mặc áo dài nhiều rồi, nhưng lần này, vui vì sẽ được mặc nhiều hơn nữa, nên chúng tôi đã phát động nữ của cơ quan, trong tuần kế tiếp mặc áo dài suốt cả tuần làm việc”...

Từ “duyên nợ” đến khát vọng với tà áo dài Việt Nam của những người con gái trên quê hương Bình Định.

Đam mê áo dài từ nhỏ, nhà thiết kế Lê Thị Ánh Hồng, chủ tiệm may áo dài Ánh Hồng (18D, Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), trải lòng: “Áo dài là đam mê của mình từ lúc còn là học sinh cấp III, nhưng đến năm 2016, Hồng mới học thiết kế và kinh doanh áo dài. Trong một lần cô mình từ Hà Nội vào Quy Nhơn ăn cưới, cô diện bộ áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Hồng say sưa ngắm chiếc áo dài đó và đó chính là bước ngoặt trong công việc và đời sống của Hồng. Hồng tìm hiểu thông tin và đăng ký ngay khóa học của thầy Đỗ Trịnh Hoài Nam”.

Chị Ánh Hồng có đam mê về thời trang và luôn  mơ ước được đi học và trở thành thợ may tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng do nhiều trở ngại, chị đành gác lại niềm đam mê của mình. Hơn 23 năm sau, người học trò của nthiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, chị Ánh Hồng đã quay lại với ước vọng ngày xưa. Giờ đây, chị đã trở thành nhà thiết kế áo dài nổi tiếng tại Bình Ðịnh, cùng những mẫu kết cườm, đính đá, hoa văn thêu trên áo dài, do chính tay chồng chị (anh Nguyễn Đăng Khoa) gửi gắm vào từng thiết kế áo dài của vợ. Rất nhiều khách hàng đã gửi trọn niềm tin tưởng vào thiết kế của chị, tìm đến chị để có được chiếc áo dài vừa ý, trưng diện vào các dịp lễ cưới, hỏi, du xuân, các sự kiện quan trọng...

Tại Bình Định, cùng với Nhà Thiết kế Ánh Hồng, để góp sức lan tỏa nét đẹp của chiếc áo dài, còn có rất nhiều tiệm may áo dài có uy tín, được nhiều khách hàng công nhận. Trong đó phải kể chị Nguyễn Duyên Ngàn (chủ tiệm may Sơn Ca, hội viên phụ nữ khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt, thành phố Quy Nhơn). “Sản phẩm áo dài của Sơn Ca đẹp về phom dáng, giá cả lại phải chăng, cô chủ Sơn Ca tính tình lại rất nhiệt tình, vui vẻ...” - Đó là lời nhận xét của nhiều khách hành dành cho tiệm may Sơn Ca...

Trong thời gian tới, để tiếp tục hưởng ứng “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” và Cuộc vận động thiết kế áo dài Việt của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Bình Định sẽ tích cực triển khai thực hiện thông qua những hình thức phù hợp với tình hình thực tế, qua đó phát huy tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Bình Định cùng với phụ nữ, các nhà thiết kế áo dài trong cả nước không ngừng góp sức phát huy, gìn giữ, ngày càng sáng tạo thêm vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Áo dài chín thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Btg Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video