Bà Rịa – Vũng Tàu: Tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của phụ nữ

26/10/2011
“Những kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu về việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia lãnh đạo… đã thể hiện rõ nét sự tham gia, bình đẳng của người phụ nữ vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội – chính trị tại địa phương”

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đã cho biết như vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong thời gian qua.

* Phóng viên: Đề nghị bà cho biết tình hình thực hiện chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh BR-VT?

- Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng: Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh (VSTBPN) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và các tầng lớn nhân dân về vấn đề bình đẳng giới cũng như thực hiện hiệu quả Luật bình đẳng giới; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tạo việc làm, hỗ trợ vốn nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho phụ nữ… Cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, công tác VSTBPN và bình đẳng giới luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành và sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của phụ nữ trong tỉnh. Trên cơ sở 5 mục tiêu và 26 chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch hành động VSTBPN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp cho chị em ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội; đồng thời bản thân được tham gia thực hiện quyền bình đẳng trên mọi lĩnh vực như lao động việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

* Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội để tăng số phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp là 1 trong 5 mục tiêu quan trọng của chương trình VSTBPN. Mục tiêu này được triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các chỉ thị, nghị quyết và chương trình hành động về công tác cán bộ nữ. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ có đủ năng lực tham gia quản lý Nhà nước được xác định là một trong những mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch hành động VSTBPN tỉnh. Cùng với những chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ trong việc thực hiện các nhiệm vụ ở đơn vị, địa phương, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ ngày càng được quan tâm hơn. Trong tổng số 11.884 nữ cán bộ công chức, viên chức thì số lượng đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước của tỉnh đến năm 2010 đạt 12,62%. Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ lãnh đạo HĐND, UBND các cấp. Tuy nhiên, công tác quy hoạch tạo nguồn và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ cũng còn nhiều khó khăn; một số chị em còn tư tưởng an phận, chưa chủ động phấn đấu vươn lên để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, tổng số đội ngũ nữ cán bộ công chức, viên chức nhà nước có 11.884 người (chiếm 58,27% tổng số cán bộ công chức viên chức nhà nước của tỉnh). Tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội các cấp là 130/905 (14,47%). Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ lãnh đạo HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2010-2015 còn thấp, ở cấp tỉnh đạt 7,27% (chỉ tiêu của Trung ương là 15%), cấp huyện đạt từ 12,7% đến 15%; cấp xã đạt tỷ lệ 21,23%). Tỷ lệ nữ đảng viên mới kết nạp chiếm 41% trong tổng số đảng viên mới kết nạp.

* Thưa bà, để thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đạt hiệu quả, giải pháp trong thời gian tới là gì?

- Theo tôi, yếu tố quan trọng, quyết định trước hết là phải có sự quan tâm và nhận thức đúng đắn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện bình đẳng giới. Cụ thể, trong lĩnh vực lao động việc làm, tỉnh cần tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phụ nữ nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn tín dụng. Ở lĩnh vực giáo dục, ngoài việc huy động tối đa học sinh nữ đi học đúng độ tuổi, cần quan tâm tạo điều kiện để chị em được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Giáo dục được coi là một phương tiện hữu hiệu nhằm tăng quyền lợi và tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với các loại hình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Ngoài ra, phụ nữ cần được chia sẻ và tạo mọi điều kiện để phát huy và khẳng định vai trò của mình ngoài xã hội cũng như trong gia đình, nhất là từ phía nam giới.

Theo baobaria

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video