Bắc Giang: Những phụ nữ mạnh dạn tìm hướng đi mới, sản xuất kinh tế giỏi

31/03/2020
Trong công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng nông thôn mới, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no ở Bắc Giang đã phát triển sâu rộng và có sức lan tỏa. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ mạnh dạn tìm hướng đi mới sản xuất kinh tế giỏi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chị Đặng Thị Thúy Hằng - hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố Long Trì 1, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng

Trước đây gia đình chị Đặng Thị Thúy Hằng (sinh năm 1986) - hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố Long Trì 1, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng rất khó khăn, không có nhà ở, phải ở nhờ nhà anh trai, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào 5 sào ruộng. Hai đứa con lần lượt ra đời, con trai lớn bị bệnh phổi, thường xuyên phải nằm viện, làm cho cuộc sống càng thêm khốn khó.

Năm 2018, gia đình chị Hằng được Hội LHPN thị trấn Tân Dân tạo điều kiện giúp vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH, được Hội LHPN huyện Yên Dũng hỗ trợ 05 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ nghèo”. Với số vốn đó, chị Hằng đã đã góp vốn chung với anh trai mua máy cày, máy tuốt lúa; đầu tư mua máy xới đất để phục vụ sản xuất của gia đình và làm thuê cho các hộ xung quanh.

Bên cạnh đó, chị Hằng tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi từ những người có kinh nghiệm, trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội LHPN thị trấn phối hợp tổ chức.

Khi có công cụ lao động, máy móc, đồng vốn và nắm được kỹ thuật, gia đình chị Hằng mạnh dạn đầu tư vào mở rộng sản xuất nông nghiệp, áp dụng KHKT, đưa các giống cây trồng có giá trị vào sản xuất với quy mô lớn. Gia đình chị mượn đất của các hộ dân trong tổ dân phố không sử dụng để trồng 3-4 mẫu khoai tây vụ đông; 3 sào dưa hấu, 3 vụ/năm; 3 sào hoa các loại. Cùng với trồng trọt, gia đình chị còn đầu tư chăn nuôi 03 lứa gà thịt mỗi năm, mỗi lứa 200 con.

Nhờ cần cù, chịu khó, gia đình đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, không còn là hộ cận nghèo của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Bay (sinh năm 1971) - hội viên chi hội phụ nữ thôn Sằng Nội, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn là một người cần cù, chịu thương, chịu khó. Chị tìm tòi tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi để tìm hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình.

Năm 1998, thông qua Hội LHPN xã, chị bàn với chồng vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng để đầu tư trồng vải thiều và chăn nuôi lợn. Thời gian đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên năm thì mất mùa, năm được mùa thì giá thành lại thấp, năm thì chăn nuôi lợn gặp dịch bệnh…

Chị Bay chăm sóc vườn bưởi của gia đình

Không nản lòng, chị cùng chồng đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm làm vườn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT nuôi trồng do Hội LHPN xã và địa phương tổ chức. Có kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất nên cây trồng của gia đình chị có năng suất ngày càng ổn định, chất lượng cao hơn. Kinh tế gia đình chị từng bước đi lên. Sau nhiều năm, gia đình chị đã mở rộng quy trồng cây ăn quả lên 3ha cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Bay còn là hội viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của Hội, nhiệt tình, năng nổ trong công tác giữ gìn vệ sinh thôn xóm, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương, giúp đỡ những hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Chị Bay chia sẻ: “Có được thành quả này là do sự phấn đấu lao động miệt mài của cả 2 vợ chồng, đồng sức, đồng lòng cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái, xây dựng gia đình bền vững, ấm no, hạnh phúc. Mặt khác, biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm chịu khó tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh vườn của mình”.

Hiện nay, con cái chị đã trưởng thành, có việc làm ổn định; cuộc sống gia đình chị hòa thuận hạnh phúc và hàng năm đều đạt Gia đình văn hóa tiêu biểu.

Nguyễn Thị Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video