Bác Hồ với phong trào phụ nữ “ba đảm đang”

27/01/2010
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.


Từ thân phận người nô lệ, phụ nữ đã vùng lên làm cách mạng, tham gia vào cuộc đấu tranh chung, trở thành người chủ thực sự, có quyền lợi, có trình độ văn hóa và địa vị xã hội. Hòa trong công cuộc cách mạng lớn của dân tộc, phong trào thi đua của phụ nữ việt Nam đã phát triển sâu rộng chưa từng thấy trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ.

Đặc biệt khi đế quốc Mỹ dùng mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, mở rộng chiến tranh, dùng máy bay đánh phá miền Bắc. Người người đều căm giận tội ác tày trời của đế quốc Mỹ đối với nhân dân việt Nam. Phong trào chống Mỹ sục sôi trong cả nước.

Tháng 3 năm 1965 (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Ngày toàn quốc chống Mỹ: 3/1950 -3/1965) Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kêu gọi phụ nữ toàn quốc khắc sâu lòng căm thù đế quốc Mỹ, biến căm thù thành quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, Trung ương Hội đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ toàn miền Bắc với nội dung:

1.  Phụ nữ đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu.

2. Phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội.

3. Phụ nữ đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.

Quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, Bác Hồ rất chú ý phong trào của chị em phụ nữ, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” đúng với bản chất của người phụ nữ trong gian khó. Lần đầu tiên phong trào “Ba đảm đang” được Bác viết trong văn bản “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1965”, khuyến khích chị em thực hiện thật tốt phong trào này, để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng Chống Mỹ cứu nước”.

Phong trào Ba đảm đang” từ ngày ấy được phát triển, thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng, đi đến mọi nhà lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Những giá trị tinh thần, những đóng góp to lớn của phụ nữ trong phong trào Ba đảm đang” của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được thể hiện trong chiến đấu, trong lao động và cuộc sống hàng ngày. Một cuộc chiến hết sức gay go quyết liệt với tên đế quốc có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới. Trong lịch sử Việt Nam chưa có thời kỳ nào lực lượng phụ nữ lại có cả bà già, phụ nữ có con nhỏ tham gia phong trào chiến đấu, phục vụ chiến đấu đông đảo như cuộc kháng chiến này. Ý thức được nghĩa vụ chống Mỹ cứu nước, ở hậu phương, chị em đều đảm đang việc gia đình, thay thế chồng con sản xuất và trực tiếp chiến đấu. Ban ngày các chị tay cày, tay súng, tối về lo việc nhà, dạy dỗ con thơ. Nhiều tấm gương của chị em đã được cả nước biết đến như các trung đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ ở huyện Hậu Lộc, huyện Tĩnh Gia, huyện Hoằng Hóa, huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa; huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình...và đã được Bác Hồ gửi thư khen.

Đó là gương chị La Thị Tám – người con gái sông La, tỉnh Hà Tĩnh tham gia bảo vệ an toàn cho những con đường huyết mạch trong tỉnh, trực tiếp quan sát, dũng cảm cắm tiêu hàng trăm quả bom nổ chậm. Chị Nguyễn Thị Thứ, nữ dân quân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa cùng chị em bắn rơi ba máy bay Mỹ… Biết bao tấm gương không thể kể hết của các chị từng một mình nuôi mẹ già, chăm sóc con nhỏ để chồng đi chiến đấu xa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các chị xứng đáng là những Anh hùng trong thời đại anh hùng, thể hiện nét đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đoàn kết, yêu nước, thương nhà.

Trong kháng chiến chống pháp, ngày 8-3-1952 tại chiến khu Việt bắc, Bác Hồ đã kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc. Tỏ lòng biết ơn các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ, Người nói: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”. Trong kháng chiến chống Mỹ, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Người đánh giá :“phong trào "Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân… Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng”.

Tin tưởng vào khả năng và lòng hy sinh dũng cảm của phụ nữ Việt Nam, Bác luôn động viên chị em phát huy truyền thống yêu nước của Hai Bà Trưng, Bà Triệu để tự hào, noi gương, phấn đấu. Bác gửi thư khen, tặng huy hiệu, tổ chức gặp gỡ các mẹ, các chị, các nữ dân quân, du kích bắn rơi máy bay Mỹ. Có khi Bác trực tiếp, tự tay trao huy hiệu của Người cho phụ nữ có nhiều thành tích trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô (2-12-1965). Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam danh hiệu vinh dự “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác kính yêu, phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng với các phong trào thi đua Mỗi người làm việc bằng hai” trong công nhân, nông dân; phong trào “Ba sẵn sang” trong thanh niên, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ… một thời đã góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

45 năm đã trôi qua, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử dân tộc. Ngày nay phát huy phong trào của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước, chị em luôn ghi nhớ lời dạy và sự quan tâm của Bác, chú ý nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.

Nguyễn Thị Nhi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video