Bắc Kạn:Những người phụ nữ xây “biệt phủ” từ gừng gió

09/05/2018
Không còn cuộc sống du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, giờ đây cuộc sống của đồng bào người Dao thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn thay da đổi thịt từng ngày cùng hương vị của gừng cay như những dòng “mật ngọt”…

Nơi đỉnh đèo gió hú

Bên ánh lửa bập bùng, cụ Bàn Thị Mản năm nay đã gần 90 tuổi bồi hồi nhớ lại: Người Dao ở thôn Nặm Dất chủ yếu là từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư về. Họ chọn hai bên đèo Áng Tòng thuộc quốc lộ 3B đường Bắc Kạn-Na Rỳ làm nơi sinh sống. Những năm 1950, 1951 chỉ có hơn 30 nóc nhà chênh vênh trên đỉnh đèo cùng với những cơn gió hú lạnh người. Cuộc sống chủ yếu của bà con vẫn là đốt nương làm rẫy, cái đói, cái nghèo bệnh tật đeo bám.

Và khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, không có điều kiện để đến bệnh viện thì cây gừng gió (gừng đá) được coi như một thứ thần dược, để chống chọi với những trận sốt rét. Đặc biệt, gừng một thứ biệt dược cho chị em trong sinh nở, giúp cơ thể nhanh lấy lại sức khỏe sau những ngày vượt cạn.

Những triền núi đá tưởng chừng như như bỏ hoang do thiếu nước lại là nơi màu mỡ cho những khóm gừng gió phát triển. Gừng nhiều, dùng cho sinh hoạt gia đình không hết, chị em phụ nữ trong thôn gùi ra chợ để đổi lấy lương thực. Dần dần, gừng gió Nặm Dất trở thành hàng hóa và là “cứu cánh” cho người dân nơi đây thoát nghèo.

Những người phụ nữ xây “biệt phủ” từ gừng gió

Nhận thấy tính hiệu quả kinh tế của gừng gió, từ những năm 1994, 1995, các chị Triệu Thị Thanh, Phùng Thị Niên, Trần Thị Lệ, Bàn Thị Tâm là những hội viên phụ nữ mạnh dạn, tiên phong trong việc mở rộng diện tích trồng gừng. Chỉ sau vài năm, với sự cần cù chăm chỉ vốn có của người phụ nữ nông thôn, gừng đã góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống củagia đình các chị. Từ đó, các chị tuyên truyền, vận động chị em và bà con địa phương cùng cải tạo đất để trồng gừng. Hiện, 100% hộ gia đình trong thôn đều trồng gừng với diện tích lên đến hàng nghìn ha.

Gia đình chị Bàn Thị Liệu, một phụ nữ trong thôn cho biết, mỗi vụ, gia đình chị thu được khoảng 3 tấn tấn gừng, với giá bán bình quân 13.000đ/kg, mang lại thu nhập khoảng 40 – 60 triệu đồng. Nhờ cây gừng mà sau vài năm gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà 4 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con học đại học. Chị Phượng Thị Viện, sau 6 vụ trồng gừng đã xây được nhà 3 tầng khang trang trị giá hàng tỷ đồng và nuôi 3 con học đại học. Chị Triệu Thị Gín, chị Trần Thị Ngoan trước đây thuộc diện hộ nghèo, được chị em trong chi hội phụ nữ hướng dẫn, hỗ trợ giống gừng, phân bón, ngày công lao động, sau 3 năm gia đình các chị đã thoát nghèo và vươn lên khá giả với thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.

Nói về gừng, chị Liệu vui vẻ chia sẻ: “Gừng là cây chịu hạn tốt, không mất nhiều công chăm sóc, trồng theo hốc với mật độ thích hợp, năm đầu tập trung chăm sóc bón phân, làm cỏ, cây trồng này phù hợp với chất đất nâu tơi xốp nên phát triển tốt, củ to. Gừng được trồng bắt đầu từ cuối tháng 2 âm lịch, đến khoảng tháng 10 là cho thu hoạch gừng non và bán thường xuyên đến hết năm, thậm chí sang đầu năm sau vẫn còn gừng già để bán. Cứ 1kg gừng giống khi trồng nếu chăm sóc tốt, điều kiện thời tiết thuận lợi thì người dân thu được từ 6kg đến 10kg gừng củ. Có năm điều kiện thời tiết thuận lợi gừng được mùa, được giá, tư thương thu mua 60.000đ/kg, cứ 1 tấn gừng người dân thu về 60 triệu đồng, nhà nào cũng có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Hiện nay lượng gừng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường”.

Mô hình trồng gừng tại Nặm Dất đã và đang trở thành một trong những mô hình kinh tế hiệu quả, là hướng đi thoát nghèo bền vững cho bà con vùng cao. Câu chuyện về những người phụ nữ xây “biệt phủ” từ cây gừng gió ở thôn Nặm Dất giờ đã được nhiều người biết đến.                                                                             

Hà Thu Hưởng - Hội LHPN huyện Chợ Mới

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video