Bạc Liêu: Thu thu tiền tỷ từ... bèo ở HTX Quyết Tâm

19/07/2020
HTX Quyết tâm đã đưa lục bình đã trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương, giúp người dân Hồng Dân nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả.
Lục bình sau khi phơi khô thành nguyên liệu để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Lục bình hay còn gọi là bèo sen, bèo tây từng là nỗi ám ảnh của người dân vùng sông nước huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) bởi chúng sinh sản nhanh, gây tắc nghẽn nguồn nước. Nhưng nhờ có HTX, lục bình đã trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương và giúp người dân nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả.

Đó là mô hình sản xuất của HTX đan lát Quyết Tâm (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) khi đã biến những cây lục bình tưởng như “khó ưa” trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu.

Sản phẩm xuất khẩu được ưa thích

Bà Nguyễn Thị Cục, Giám đốc HTX, cho biết nghề thủ công mỹ nghệ nhìn bên ngoài thì có vẻ nhàn nhã nhưng thực chất rất vất vả. Ngay từ việc khai thác lục bình, nhất là vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm. Các công đoạn đều đòi hỏi phải tỷ mỷ, cẩn thận mới cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để sử dụng lục bình là nguyên liệu bảo đảm chất lượng, HTX thu hoạch cây từ khi 3 tháng tuổi nhưng phải đạt độ cao từ 60-90cm. Khi khai thác phải cắt sát gốc, vạt lá, rửa sạch rồi đem phơi nắng 5-6 ngày.

Ngoài việc chủ động phát triển lục bình, HTX cũng đứng ra thu mua lục bình do người dân thu hoạch với giá 15-17 nghìn đồng/kg khô. Nguyên liệu được nhúng keo sau đó đưa vào đan thành sản phẩm.

Trung bình một người thành thạo có thể đan 5-6 sản phẩm nhỏ/ngày. Đối với sản phẩm lớn, cầu kỳ thì mỗi người làm được 1 sản phẩm/ngày.

Điều thuận lợi là HTX đã liên kết được với doanh nghiệp nên được hỗ trợ về kỹ thuật. Việc đào tạo nghề cũng được tổ chức hằng năm giúp thành viên và người dân nâng cao tay nghề, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Với đặc tính vượt trội như màu sắc bắt mắt, chất liệu bền bỉ, thân thiện với môi trường, sản phẩm của HTX nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

HTX tập trung vào các loại bình hoa, hộp, đèn, giỏ xách, ghế, thảm... Một số sản phẩm có khung sắt bên trong. Theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng tháng, HTX nhận mẫu mã và về phổ biến cho thành viên và người dân làm. Cuối tháng, HTX thu sản phẩm, kiểm tra, phân loại rồi xuất cho doanh nghiệp.

Để mở rộng đầu ra và khẳng định chất lượng, HTX đã và đang cùng địa phương tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ ở trong và ngoài nước đồng thời đẩy mạnh công tác thiết kế, tư vấn sản phẩm nhằm nâng cao giá giá trị và chủ động trong quá trình sản xuất.

Thúc đẩy giảm nghèo

Với nguồn đầu ra thuận lợi, sản phẩm lục bình đã giúp HTX thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài 14 thành viên, HTX còn tạo việc làm và thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng cho 300 lao động ở các xã trên địa bàn huyện Hồng Dân.

Bà Nguyễn Thị Hướng, người dân xã Vĩnh Lộc, cho biết 4 năm nay bà đã trở thành lao động của HTX Quyết Tâm. Lúc mới làm do chưa quen nên các công đoạn đều chậm. Nhưng nay, mỗi ngày bà làm trung bình được 5 sản phẩm, giúp mang về thu nhập hơn 4 triệu/tháng. Đây là điều kiện giúp gia đình bà cải thiện đời sống và giảm nghèo.

Theo Ban giám đốc HTX, nghề đan lục bình không quá khó, tùy từng người mà thời gian học nghề có thể từ 5 ngày đến 2 tuần là có thể nắm được các kỹ thuật cơ bản. Người làm nghề chỉ cần chịu khó, cần cù và chút khéo tay là được. Do không tốn nhiều công sức nên ai cũng có thể làm được.

HTX đã tạo việc làm và giúp nhiều hộ thoát nghèo từ nghề đan lục bình

Đơn giản là vậy nhưng nghề này vẫn có những yêu cầu nhất định. Các lao động làm việc phải tuân thủ theo quy trình, có kỹ thuật cao thì mẫu mã mới đậm nét thẩm mỹ, bảo đảm vệ sinh, từ đó mới nâng cao được thu nhập.

“Trước đây, tôi làm lúa thì vất vả mà thu nhập chẳng là bao. Muốn đi làm thuê cũng khó vì làm lúa có máy móc hết cả rồi, giờ làm nghề đan lục bình vừa có thu nhập gần 5 triệu đồng lại được ngồi chỗ mát”, chị Nguyễn Thị Lý (xã Ninh Quới) cho biết.

Không chỉ được hưởng tiền từ việc làm ra sản phẩm, người dân còn được đào tạo nghề miễn phí do HTX kết hợp với kỹ thuật viên của doanh nghiệp huấn luyện. Ai có nhu cầu đóng bảo hiểm, HTX cũng đứng ra hỗ trợ để mọi người có thể gắn bó lâu dài.

Hiện, mô hình sản xuất của HTX Quyết Tâm được đánh giá cao vì góp phần giải quyết vấn nạn lục bình đồng thời góp phần thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả ở huyện Hồng Dân. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, HTX đã giúp giải quyết số lượng lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiêu chí xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Theo kết quả điều tra, năm 2016 huyện còn 959 hộ nghèo thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 192 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1,5%.

Định hướng của HTX trong thời gian tới là tiếp tục đào tạo nghề cho người dân và sáng tạo ra những mẫu mã mới kết hợp mở rộng sang làm thêm các sản phẩm từ dây nhựa, cói, bẹ chuối để đa dạng sản phẩm.

HTX cũng mong được các cấp ngành tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất, trang bị thêm máy móc, thiết bị để sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn. Mong rằng mô hình sản xuất của HTX Quyết Tâm sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp ngành, qua đó thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video