Bắc Ninh: Lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn nhiều thiệt thòi

20/03/2006
Lao động nữ là đối tượng rất cần được quan tâm, song ở hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Bắc Ninh hiện nay, tình trạng “bỏ rơi” quyền lợi của nữ công nhân đang diễn ra khá phổ biến.

Theo thống kê, Bắc Ninh hiện nay có 75 tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tổng số đoàn viên lên tới 8.480 người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 73% (6.238 người). Đặc biệt, ở một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, giày da… tỷ lệ này chiếm tới 90%. Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ, quyền lợi cho lao động nữ ở khối doanh nghiệp này vẫn còn nhiều hạn chế.

Trên thực tế, nhiều đơn vị đã “bỏ rơi” quyền lợi của người lao động (kể cả khi thành lập tổ chức công đoàn) mà điển hình là không thực hiện đúng chế độ chính sách về hợp đồng lao động, tiền lương, chế độ thai sản… Nhiều doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian nữ công nhân có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng; sử dụng lao động nữ làm các việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với các chất độc hại… Một số nơi sử dụng tới 60% lao động nữ nhưng không có nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc không có hỗ trợ kinh phí cho những người nuôi con nhỏ, vi phạm về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khoẻ định kỳ… trong thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình cho tình trạng này là các công ty TNHH Tân Thành Đồng, Công ty đường Malt… Phần lớn công nhân trong các doanh nghiệp này không được đóng bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động dù họ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm và có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp cao.

 

Tại các khu công nghiệp Tiên Sơn, Quế Võ và Đại Đồng – Hoài Sơn, hơn 50% doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn, quyền lợi của người lao động trong nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được đảmbảo, chưa được thực thi đúng và đầy đủ, nhiều nữ công nhân phải làm việc cật lực, vượt quá số giờ làm theo quy định.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do Bắc Ninh đã khá dễ dãi trong việc mời gọi đầu tư nên khi các dự án hoàn thành và đi vào sản xuất, tỉnh rất khó ràng buộc họ tuân thủ đúng theo Luật Lao động. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận nên đều tìm cách né tránh, lách luật.

Một nguyên nhân quan trọng nữa nằm ngay trong đội ngũ cán bộ nữ công và lao động nữ. Đa số cán bộ nữ công làm công đoàn ở DNNQD là kiêm nhiệm, ít có thời gian đầu tư chuyên sâu cho công việc, ít có điều kiện tập huấn nâng cao nên khả năng hiểu biết về nghiệp vụ công đoàn, chế độ chính sách pháp luật về lao động còn hạn chế. Về phía lao động nữ, hầu hết đều có trình độ rất thấp nên khi xảy ra những vấn đề khó khăn đã không biết tự đứng lên bảo vệ mình./.

Trung tâm Thông tin Tư liệu (Theo PNVN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video