Bài phát biểu của ngài John Hendra điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam tại Lễ ghi tên tham gia Chiến dịch “Nói không bạo lực với Phụ nữ” ngày 31 tháng 10/ 2008

13/11/2008
Bạo lực đối với phụ nữ là một tệ nạn trên khắp thế giới. Trong thực tế, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực trong cuộc đời của mình.

Trước hết, cho phép tôi được chúc mừng bà Nguyễn Thị Thanh Hòa và Hội LHPN Việt Nam đã trở thành đối tác của UNIFEM trong chiến dịch rất quan trọng này. Hội LHPN Việt Nam có một khả năng to lớn trong việc tập hợp đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ trong mọi lĩnh vực xã hội và tại mọi địa bàn. Điều này rất quan trọng để giải quyết một vấn đề không có biên giới như tệ nạn bạo lực đối với phụ nữ. Như Tổng thư ký LHQ ngài Ban Ki Moon đã nói nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2007: “Bạo lực đối với Phụ nữ và em gái vẫn không hề giảm sút ở mỗi châu lục, mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa. Nó đã làm tổn hại đến đời sống của mỗi người phụ nữ, đến gia đình họ nói riêng và cả xã hội nói chung. Đa số cộng đồng xã hội ngăn cấm vấn nạn này nhưng thực tế nó vẫn thường được che đậy hoặc ngầm ngầm bỏ qua”.

 

Việc lên án nạn bạo lực đối với phụ nữ là rất quan trọng ở các cấp cao nhất. Chủ yếu là nam giới phải lên tiếng trong vấn đề này và chúng ta hãy có trách nhiệm không chỉ đối với hành động của mình mà ngay cả khi chúng ta nhìn thấy những người đàn ông khác đang có hành vi bạo lực. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ là cam kết mà còn không được dung túng cho bất kỳ hành động bạo lực nào. Giữ im lặng trước bạo lực đối với người khác là ngầm dung túng cho bạo lực. LHQ chủ trương tuyệt đối không dung thứ cho vấn nạn này.

UNIFEM đã phát động chiến dịch đặc biệt này vì thấy rõ ý chí chính trị và các nguồn lực trong các giải pháp và chiến lược phòng chống là những những vấn đề then chốt để ngăn chặn bạo lực. Khi đã có những cam kết và nguồn lực thì có nhiều cơ hội để thay đổi – Các chính sách có thể thay đổi, các dịch vụ được hình thành, các luật sư và cảnh sát được đào tạo. Bất kỳ chữ ký nào, đặc biệt là chữ ký của các nhân vật và tổ chức nổi tiếng như Hội LHPN Việt nam cũng đều gửi đi một thông điệp rất rõ ràng về vấn nạn này.

Những năm gần đây, LHQ rất quan tâm đến các biện pháp công khai hoá để đảm bảo lồng ghép hiệu quả sự tham gia và triển vọng của Phụ nữ vào mọi giai đoạn xảy ra xung đột và các hoạt động sau xung đột. Ví dụ, năm 2007 Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn Nghị quyết 1820 về phụ nữ, hòa bình và an ninh, kêu gọi chấm dứt ngay nạn hãm hiếp và mọi hình thức bạo lực tình dục đối với dân thường và khẳng định những hành động như vậy “có thể coi là tội phạm chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại hay bị coi là hành vi cấu thành tội diệt chủng” Chiến dịch “Nói không bạo lực đối với phụ nữ” tập trungvào những các địa phương thường xuyên thiếu các ứng phó về pháp lý và biện pháp ngăn chặn tạo nên một môi truờng cho nạn bạo hành sinh sôi nảy nở.

Cho đến nay, trên phạm vi toàn cầu, chiến dịch này đã thu thập được gần 300.000 chữ ký. Hơn 200 Nghị sĩ và cán bộ Nghị viện từ hơn 70 quốc gia đã ký tên tham gia chiến dịch trong đó có Pháp, Thụy sĩ, Đan mạch, Chi lê và Pakistan. Ở Việt nam, Đại sứ các nước Canada, Lào, Philipin, Tây Ban Nha và Ai-len vừa ký kết trong tuần này.

Thật đáng khích lệ khi biết rằng trước đây 4 năm chỉ có 45 quốc gia có luật pháp về bạo lực gia đình, ngày nay đã có 89 quốc gia có các điều luật liên quan đến vấn đề này. Tất nhiên trong đó có cả Luật phòng và chống bạo lực gia đình vừa được Quốc Hội nước CHXHCN Việt nam thông qua tháng 11 năm 2007. Luật này định nghĩa rõ ràng và ngăn cấm bạo lực gia đình và đưa ra một khuôn khổ tốt hơn cho việc bảo vệ các nạn nhân của bạo lực cũng như bảo đảm cho việc xem lại hàng loạt các thủ tục, các dịch vụ và các tổ chức, buộc họ phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với các nhu cầu của các nạn nhân trong đó có cả trẻ em.

Gần đây nhất, trong tuần qua, để kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt nam, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (MOLISA) Việt nam và Ban thư ký ASEAN phối hợp với UNIFEM và được Tổ chức Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) tài trợ đã tổ chức Hội thảo về lập pháp chống nạn bạo lực gia đình vào các ngày 20 và 21/10/2008 tại Hà nội. Hơn 60 đại biểu đến từ 10 nước thành viên ASEAN, Nhật bản và Đông Timor đã tham dự. Các đại biểu đã nhất trí coi bạo lực trong gia đình không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình hay của một quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm chung toàn cầu. Nó làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khỏe và tâm lý của các nạn nhân. Do đó việc phòng và chống bạo lực gia đình đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế cũng như của khu vực này.

Thế mạnh của Chiến dịch này là xây dựng các quan hệ đối tác. “Nói không với bạo lực” khuyến khích sự đoàn kết nhất trí của cả thế giới, của các khu vực và trong mỗi quốc gia. Tôi hoan nghênh Hội LHPN Việt nam tham gia vào Chiến dịch này và duy trì quan hệ đối tác thành công với UNIFEM.

 

Tôi chúc Hội và UNIFEM thành công trong việc thu thập chữ ký và truyền đi khắp cả nước Việt Nam thông điệp bạo lực, dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể chấp nhận!

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video