Bàn về một số vấn đề trong đổi mới nội dung phương thức hoạt động

18/06/2010
Vừa qua, TW Hội LHPN Việt Nam tiến hành tổ chức khảo sát “Đánh giá thực trạng và đề xuất đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X” (2007 - 2012) tại 9 tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước, trong đó có 3 tỉnh: Long An, An Giang và Đắc Lắc.

Nhìn chung, tại cả 3 tỉnh, các phong trào thi đua, 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội do Nghị quyết Đại hội PN toàn quốc lần thứ X đề ra và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu hội viên, phụ nữ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từng nội dung hoạt động đều được xây dựng kế hoạch với những chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nội dung hoạt động của Hội còn chưa theo kịp tình hình, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ và các hội viên. Nội dung triển khai thực hiện ở cơ sở còn nhiều, dàn trải, chưa có trọng tâm trong từng thời kỳ. Công tác sơ, tổng kết, đánh giá chưa được chú trọng do đó chưa đúc rút được kinh nghiệm, phát huy tính hiệu quả của các hoạt động. Các nội dung hoạt động thiên về chức năng bảo vệ quyền lợi hơn là phát huy đặc thù của giới. Nội dung về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình chưa đáp ứng nhu cầu vốn vay cho phụ nữ, việc dạy nghề còn mang tính chất thời vụ, chưa giúp cho phụ nữ có một nghề ổn định, lâu dài. Trong công tác tuyên truyền giáo dục chưa coi trọng giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức, lối sống cho phụ nữ, hình thức tuyên truyền còn nghèo nàn, thiếu phương tiện tuyên truyền; Công tác giáo dục gia đình nặng về chăm sóc sức khỏe, nuôi con mà thiếu phần kỹ năng giáo dục con, chưa trang bị đầy đủ kiến thức về các mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử, bình đẳng giới, bạo lực gia đình trong gia đình và xã hội. Công tác giám sát thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến phụ nữ còn hạn chế...

Công tác tập hợp hội viên, phụ nữ đã đa dạng hóa hình thức hoạt động, phù hợp với từng nhóm đối tượng nên đã thu hút được chị em tham gia sinh hoạt như: Long An với CLB dưỡng sinh tập hợp phụ nữ cao tuổi; CLB nữ nhà trọ tập hợp nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp; An Giang cóCLB nữ doanh nghiệp tập hợp các nữ doanh nhân; CLB nữ tiểu thương tập hợp phụ nữ buôn bán ở các chợ. Đắc Lắc có nhóm liên kết phụ nữ Kinh giúp phụ nữ dân tộc. Tuy nhiên, ở các vùng sâu, xa, biên giới, dân tộc thì hình thức sinh hoạt rất nghèo nàn, chủ yếu họp tổ, nhóm (3 tháng/1 lần) để cho vay vốn.

Hội LHPN các cấp đã chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền những nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội một cách thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả, do đó các vấn đề khi Hội phụ nữ tham mưu, đề xuất đều được cấp ủy Đảng đồng tình, chấp thuận, tạo điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, vai trò tham mưu chưa rõ nét, phần lớn qua Ban Dân vận để tham mưu, cách tham mưu chưa bài bản, chưa có tầm chiến lược. Hội đã phối hợp tốt với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho Hội cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của Hội và của địa phương. Sự phối hợp được thể hiện thông qua ký‎ kết chương trình liên tịch, cụ thể, trong 3 năm qua, ở Long An có 21 chương trình ký kết liên tịch, An Giang và Đắc Lắc có trên 10 chương trình ký kết liên tịch đã thực hiện có hiệu quả, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm có phân công trách nhiệm cụ thể của từng bên, có sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực vận động thông qua các chương trình phối hợp với các ngành từ các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để huy động nguồn lực xã hội, từ đó có thêm kinh phí để tập trung cho các hoạt động như về nguồn, xây dựng, sửa chữa nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi các gia đình chính sách...(An Giang: tổng nguồn vốn khai thác từ các dự án là 1.344.000.000đ, giúp cho 1.780 hộ phụ nữ; Long An: tổng số tiền vận động hơn 3 năm qua gần 3 tỷ đồng). Tuy nhiên việc xã hội hóa hoạt động của Hội chưa đều khắp các huyện, thị, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có doanh nghiệp, không có đối tượng vận động gặp khó khăn trong huy động nguồn lực.

Phương thức hoạt động của Hội LHPN các cấp đã có những cải tiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào phụ nữ, tuynhiên, vẫn chậm đổi mới, nặng phong cách hành chính, quan liêu, việc đánh giá, nắm tình hình chủ yếu qua văn bản (Đắc Lắc); báo cáo nặng về con số trong khi những thông tin cần cung cấp như nhận thức của phụ nữ, cách làm lại chưa thể hiện được (Long An).

Hội đã tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở với nhiều giải pháp hỗ trợ cho cơ sở như: củng cố bộ máy tổ chức các cấp Hội, nâng cao chất lượng hội viên thông qua việc đầu tư nguồn lực cho những nơi có tỷ lệ hội viên giảm, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về hỗ trợ cho cơ sở. Đối với từng nhiệm vụ, các cấp Hội đều chọn điểm chỉ đạo, xây dựng các mô hình phù hợp, đặc thù với địa phương, hỗ trợ tác động bằng nhiều nguồn lực và có tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình (Ví dụ: ở Đắc Lắc có mô hình “Liên kết phụ nữ người kinh giúp đỡ phụ nữ người dân tộc”; ở An Giang có mô hình “Tổ xoay vòng vốn”; ở Long An có mô hình “xóa hộ trắng hội viên”).

Công tác thi đua, khen thưởng của Hội được quan tâm đổi mới ngày càng phù hợp hơn theo phương châm khen: “đúng người, đúng việc, đúng lúc” và khen gắn với thưởng nên có tác dụng động viên phong trào. Tuy nhiên, việc phát triển, học tập và nhân rộng các điển hình tiên tiến; công tác sơ, tổng kết phong trào thi đua còn hạn chế và chưa kịp thời nên chưa tạo sự lan tỏa đến các tầng lớp phụ nữ. Một số điển hình tiên tiến còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Trong đánh giá, xếp loại thi đua, các tỉnh chưa chú ý đến đặc điểm của từng địa phương, từng vùng, đưa ra tiêu chí đồng đều nên chưa động viên được những vùng miền khó khăn. Kinh phí dành cho công tác thi đua khen thưởng tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn rất hạn hẹp, thưởng chưa tương xứng với khen... gây ảnh hưởng đến chất lượng phong trào.

Thách thức đặt ra đối với công tác Hội hiện nay là cùng với sự phát triển của xã hội hình thành các tầng lớp phụ nữ mới với những yêu cầu, nguyện vọng cao hơn trong khi năng lực hoạt động của tổ chức Hội cũng như trình độ, kỹ năng cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu, một số cơ sở, cán bộ Hội ngại xuống địa bàn, chưa thường xuyên hỗ trợ cho các chi, tổ, chưa sâu sát đối tượng, thiếu sáng tạo trong tổ chức thực hiện, chạy theo thành tích.

Qua việc khảo sát những vấn đề đặt ra trong đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hội LHPN các tỉnh Long An, An Giang và Đắc Lắc, TW Hội sẽ có những cơ sở quan trọng để nghiên cứu, đề ra giải pháp hữu hiệu phát huy các điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu kém nhằm thúc đẩy hoạt động Hội có hiệu quả.

Thanh Hương - Ban Gia đình Xã hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video