Bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của phụ nữ

26/10/2016
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện một môi trường thể chế bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng đến các nguồn lực và dịch vụ công cộng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, giới nữ vẫn còn gặp những rào cản, như trong vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đời sống gia đình… đang đòi hỏi cần những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn giúp phụ nữ thật sự được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội của xã hội. Khó khăn trong tiếp cận việc làm.

Có thể nói, các quy định pháp luật, chính sách bảo đảm bình đẳng giới và sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực thi nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và trưởng thành của phụ nữ ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013, ngoài quy định mang tính hiến định về nguyên tắc “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” kế thừa từ Hiến pháp năm 1992, đã bổ sung “cơ hội bình đẳng giới” vào khoản 1 Điều 26 có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Nhà nước ta. Nguyên tắc hiến định này được thể chế hóa thành luật và các văn bản dưới luật.

Phụ nữ nước ta hiện chiếm 50,5% dân số, trên 47% lực lượng lao động xã hội. Vai trò của người phụ nữ đang ngày được nâng cao, và giới nữ đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm sức thiết thực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cuộc sống đang diễn ra, do tư tưởng định kiến giới vẫn còn tồn tại nên trong gia đình và xã hội Việt Nam vẫn còn khoảng cách chênh lệch giới. Theo Báo cáo đánh giá tình hình giới ở Việt Nam của Tổ chức UN Women, phụ nữ làm công ăn lương những năm gần đây chiếm dưới 30% tổng số lao động nữ, so với 40% ở nam giới. Việc làm của lao động nữ cũng bấp bênh hơn, tỷ lệ lao động nữ không có hợp đồng lao động (49%) cao hơn so với nam giới (36%). Phụ nữ có xu hướng tham gia nhiều hơn nam giới trong những công việc dễ bị tổn thương. Có nhiều phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức hơn nam giới, họ có thu nhập trung bình thấp hơn 50% và phải đối mặt với nhiều bấp bênh hơn cũng như có ít khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ trẻ cũng cao hơn ở nam giới trẻ, vì vậy phụ nữ trẻ có xu hướng di cư ra thành phố nhiều hơn.

Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế - xã hội, xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Phụ nữ thường ít được tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội vẫn gán cho người phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà lên vai người phụ nữ. Một kết quả điều tra xã hội học cho thấy, vẫn còn tới 42% chủ sử dụng lao động không muốn tuyển lao động nữ vì họ phải sinh con và chăm sóc gia đình.

Cần đổi mới phương thức tiếp cận

Bình đẳng giới đã và đang từng bước được thực hiện có hiệu quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiến trình đi tới mục tiêu mang tính nhân văn này vẫn còn rào cản mà trong những cản trở lớn nhất đó là định kiến giới. Một trong những định kiến giới biểu hiện khá rõ nét là gắn phụ nữ với vai trò gia đình, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là của phụ nữ. Theo các chuyên gia của Học viện Phụ nữ Việt Nam, những khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế nhiều năm qua chưa được nhìn nhận đúng mức và có giải pháp hợp lý nên đa phần phụ nữ phải gồng mình san sẻ thể lực để giải quyết tốt những vấn đề của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì thế để hành động vì mục tiêu bình đẳng giới thực chất, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt một số giải pháp, trước hết cần phân tích kỹ và nhiều chiều các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới.

Cần hướng đến việc hỗ trợ phụ nữ khai thác, phát huy điểm mạnh một cách hợp lý, thông qua đó hạn chế bất lợi có thể nảy sinh trong thực tế và cần có các chính sách hỗ trợ để giảm thiểu khoảng cách về lương, thu nhập, thời gian... của nữ so với nam. Ngoài ra, do vai trò của phụ nữ phải đảm đương gánh nặng công việc gia đình hơn nam giới, nên bảo đảm bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ cần tính thêm khía cạnh có sự gián đoạn thời gian làm việc so với nam giới khi gia đình có người thân đau ốm, và người phụ nữ phải thực hiện thiên chức làm mẹ. Đây là khoảng thời gian gián đoạn cần thiết, là chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ, không bị coi là phân biệt đối xử về giới theo khoản 3 Điều 6 Luật Bình đẳng giới.

Nên tăng cường các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm cụ thể, như với nữ cán bộ, công chức, viên chức là chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, quy hoạch, bổ nhiệm, các vấn đề an sinh xã hội hỗ trợ hài hòa công việc xã hội, gia đình và tuổi lao động. Với phụ nữ nông thôn là chính sách, quy định pháp luật bảo đảm cơ hội và tạo điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu; bảo hiểm xã hội (thai sản, tuổi già); an toàn và vệ sinh lao động... Với lao động nữ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước là các chính sách, quy định pháp luật về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, việc làm ổn định, tiền lương và thu nhập... Với phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể là chính sách, quy định pháp luật bảo đảm cơ hội và tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, xuất khẩu hàng hóa và có giảm thuế trong thời gian nghỉ sinh con. Tạo ra cơ hội cho phụ nữ thông qua việc tiếp cận và thực thi các sáng kiến xã hội vì cộng đồng, để người phụ nữ có thể nhận được sự cảm thông và bình đẳng hơn từ cộng đồng, giúp họ vượt qua giới hạn của chính mình; đồng thời, các sáng kiến xã hội đó sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực có tính giáo dục cao cho cộng đồng. Cung cấp các dịch vụ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dành cho phụ nữ, như: hệ thống trường lớp, cơ sở y tế, chương trình cho vay vốn… Cùng đó là, ban hành và thực thi các biện pháp mạnh để xóa bỏ định kiến giới; coi trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ…

Về phía cá nhân người phụ nữ, để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình, trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình, nỗ lực nâng cao tri thức, văn hóa, có ý thức cầu tiến, làm chủ cuộc sống của mình, có kỹ năng sống, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân…để có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới.

Người phụ nữ trong thời kỳ mới nếu được sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực tự thân sẽ tự tin, tự chủ tạo vị thế cho bản thân và có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng xã hội.

Theo: Phan Thị Thùy Trâm, http://www.nhandan.com.vn/(MH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video