Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bình đẳng giới

01/06/2006
Sáng 31/5/2006 Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trần Thị Minh Chánh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bình đẳng giới của Quốc hội.Trang Web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung toàn văn Báo cáo

    QUỐC HỘI KHOÁ XI
Uỷ ban về các vấn đề xã hội

Số: 2137 BC/UBXH

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2006


BÁO CÁO THẨM TRA

DỰ ÁN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

Kính gửi : Các vị đại biểu Quốc hội,

Theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban về các vấn đề xã hội thẩm tra dự án Luật bình đẳng giới. Để thực hiện nhiệm vụ này, kế thừa những kinh nghiệm và thông tin, kiến thức tích lũy từ hoạt động thực tế, khảo sát, nghiên cứu trong nhiều năm qua về các khía cạnh của bình đẳng giới, Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến, tổ chức toạ đàm về những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, dự án Luật bình đẳng giới với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, chuyên gia về các lĩnh vực… Đồng thời, Ủy ban đã chỉ đạo Vụ chuyên môn tổ chức nghiên cứu các văn bản pháp luật, điều ước quốc tế, các tài liệu nước ngoài về giới, pháp luật bình đẳng giới cung cấp cho các đại biểu.

Tại phiên họp thứ 38, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật bình đẳng giới trên cơ sở Tờ trình số 203/TTr-BCH ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban về các vấn đề xã hội.

Ngày 17 tháng 5 năm 2006, Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã họp toàn thể Uỷ ban để thẩm tra chính thức dự án Luật bình đẳng giới (trên cơ sở Tờ trình số 355/TTr-BCH ngày 08 tháng 5 năm 2006) của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
           
Nhìn chung, dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, nhiều ý tưởng mới, trong quá trình xây dựng dự án, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý nhiều lần, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Uỷ ban về các vấn đề xã hội về dự thảo Luật. Về cơ bản, Uỷ ban nhất trí nhiều quy định trong dự thảo. Sau đây, xin báo cáo với Quốc hội một số ý kiến của Uỷ ban về dự án Luật này.

1. Sự cần thiết ban hành Luật

Mục tiêu bình đẳng nam, nữ (nam, nữ bình quyền) đã được đưa ra từ Chánh cương vắn tắt của Đảng, Bác Hồ năm 1930, được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng, được thể chế hóa trong Hiến pháp, nhiều văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn một số điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước của Liên hơp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW) (và nội luật hóa các điều ước này).

Những thành tựu bình đẳng giới ở Việt Nam trong hơn 60 năm qua là to lớn, được quốc tế công nhận, tuy nhiên, giữa quy định của chính sách, pháp luật với thực tiễn bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, nhiều phong tục lạc hậu, tư tưởng phong kiến ‘’trọng nam, khinh nữ’’ vẫn còn nặng nề, cản trở việc thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới, cản trở sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Mặc dù đã có một số văn bản pháp luật quy định về việc bảo đảm bình đẳng giới nhưng các quy định bình đẳng giới nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau,thiếu tính hệ thống và còn thiếu những quy định cụ thể có giá trị pháp lý cao về các nguyên tắc bình đẳng giới làm cơ sở cho việc xây dựng, thực hiện, đánh giá, giám sát thực hiện bình đẳng giới, thiếu quy định về quản lý nhà nước cũng như biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, các chế tài cần thiết... Ngoài ra, vẫn tồn tại một số văn bản thể hiện rõ sự bất bình đẳng giới nhưng vẫn chưa có văn bản pháp luật đủ mạnh điều chỉnh[1].

Vì những lý do trên, Uỷ ban về các vấn đề xã hội nhất trí cao với Tờ trình của Ban soạn thảo về sự cần thiết ban hành Luật về bình đẳng giới.

2. Tên gọi của Luật

Có 2 loại ý kiến khác nhau về tên gọi của Luật :

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với tên gọi "Luật bình đẳng giới" vì cụm từ"bình đẳng giới" mặc dù mới xuất hiện chưa lâu nhưng đã dần dần đi vào cuộc sống, được sử dụng trong các Nghị quyết gần đây của Đảng, các văn bản của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tên Luật nên là "Luật bình đẳng nam, nữ", để phù hợp với Hiến pháp, mang tính đại chúng, đã quen dùng, dễ hiểu[2], không dễ gây nhầm lẫn[3] và về mặt nội dung, tên gọi này cũng phản ánh được đầy đủ nội dung "bình đẳng giới".

Ngoài ra, một số ít ý kiến đề nghị Luật nên có tên gọi khác như"Luật bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng nam, nữ", "Luật chống phân biệt đối xử nam, nữ","Luật về quyền lợi của phụ nữ"...

Đa số ý kiến Uỷ ban nhất trí với loại ý kiến thứ nhất vì ngoài các lý do đã nêu trên đây, về mặt khoa học, tên gọi "Luật bình đẳng giới" phản ánh đúng nội dung điều chỉnh của Luật. ("Giới" là thuật ngữ để chỉ những yếu tố về mặt xã hội, có thể thay đổi bởi pháp luật, trong khi thuật ngữ"nam, nữ" biểu đạt cả các yếu tố giới và giới tính mà giới tính là đặc điểm tự nhiên về sinh học của con người, không bị biến đổi do tác động của luật pháp).

Uỷ ban chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại các định nghĩa về "giới", "bình đẳng giới" để nhân dân dễ hiểu hơn.

3. Phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự án Luật

a) Phạm vi điều chỉnh

Đa số ý kiến Uỷ ban cho rằng, vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể đã có hoặc sẽ có các luật chuyên ngành điều chỉnh. Vì vậy, Luật bình đẳng giới chỉ nên quy định các nguyên tắc bình đẳng giới, còn các quy định cụ thể nên để các luật chuyên ngành điều chỉnh.

Luật này cần có các quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới mà các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện, có như vậy mới đem lại hiệu quả thực thi.

Do đó, Uỷ ban đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật là "các nguyên tắc bình đẳng giới" "các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới".

b) Về bố cục của dự án Luật

Với phạm vi điều chỉnh như lý giải ở trên, Uỷ ban cho rằng bố cục dự án Luật cần thiết kế lại như sau : chương III của dự án không chia thành các mục nhỏ và tách thành 2 chương : Chương III quy định về "Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới" (trên cơ sở chỉnh lý các điều từ Điều 7 đến Điều 24 và có bổ sung thêm) và Chương IV về "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện bình đẳng giới".

Ngoài ra, liều lượng, trật tự logic của các điều khoản trong từng chương cũng như tên gọi các điều là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc, xem xét thêm[4].

4. Bình đẳng giới trong các lĩnh vực và trong gia đình

Dự thảo đã quy định 6 lĩnh vực và vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, bổ sung thêm bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, Uỷ ban chúng tôi cho rằng nên nghiên cứu bổ sung một số vấn đề khác như bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới trong lĩnh vực tư pháp, trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái...

Trong từng lĩnh vực cụ thể, cũng cần nghiên cứu thêm để tránh trùng lắp với quy định tại các luật khác, đồng thời có thể bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn có "khoảng cách giới" hiện nay và luật hóa các quy định dưới luật để có hiệu lực pháp lý mạnh hơn.

Uỷ ban nhất trí cao nhiều quy định trong dự thảo Luật như quy định về độ tuổi đào tạo, tuyển dụng, đề bạt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng áp dụng Luật bình đẳng giới rất rộng (theo quy định tại Điều 2) nhưng các quy định về bình đẳng giới mới tập trung điều chỉnh cho khối cán bộ, công chức, người có quan hệ lao động mà ít chú ý đến các đối tượng đông đảo khác (như nông dân) và các đối tượng đặc biệt (người cao tuổi, người tàn tật...), nhất là bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái, tạo điều kiện cho trẻ em có đầy đủ tố chất bảo đảm bình đẳng thực sự sau này.Vấn đề này, Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm để có các quy định bổ sung thích hợp.

Ngoài ra, việc quy định nội dung bình đẳng từng lĩnh vực cụ thể, vấn đề nguồn lực, Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo cần kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực này để đảm bảo Luật điều chỉnh những vấn đề và nội dung mang tính nguyên tắc về bình đẳng giới trong các lĩnh vực, mang tính khả thi cao và việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật.

5. Về các biện pháp (đặc biệt) tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Việc quy định các biện pháp tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại khoản 6 Điều 3, khoản 3 Điều 4 và khoản 1 Điều 18 của dự thảo là kế thừa các quy định thể hiện chính sách ưu tiên đối với phụ nữ và bổ sung một số nội dung xuất phát từ tình hình thực tế có khoảng cách giới. Uỷ ban cho rằng, trong thời kỳ quá độ tiến tới bình đẳng giới thật sự, việc đưa ra những biện pháp (đặc biệt) tạm thời để thúc đẩy nhanh bình đẳng giới là cần thiết[5] và phù hợp với quy định về "các biện pháp đặc biệt tạm thời" được quy định tại Điều 4 của Công ước CEDAW[6] mà Việt Nam là thành viên.

Về tên gọi, đa số ý kiến Uỷ ban nhất trí dùng thuật ngữ "biện pháp đặc biệt tạm thời" bởi vì biện pháp này chỉ tồn tại mang tính tạm thời trong giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, việc quy định biện pháp (đặc biệt) tạm thời cần thận trọng, tránh lạm dụng. Luật cần quy định cơ chế ban hành và tiêu chí để một biện pháp được gọi "biện pháp (đặc biệt) tạm thời", thời gian chấm dứt biện pháp (đặc biệt) tạm thời để tránh tình trạng có người cho rằng đó là biện pháp (đặc biệt) tạm thời song người khác lại cho đó là bất bình đẳng.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cần xem xét lại các quy định của khoản 1 Điều 18 là tạo điều kiện cho nữ giới hoặc nam giới hay chỉ riêng cho nữ giới để từ đó có điều chỉnh phù hợp.

6. Về quy định các biện pháp (đặc biệt) nhằm bảo vệ người mẹ

Đoạn 2 khoản 3 Điều 4 và khoản 2 Điều 18 của dự thảo Luật quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người mẹ. Đây là các biện pháp được quy định trên nguyên tắc thừa nhận có sự khác biệt giới tính và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ[7].

Nhiều ý kiến thành viên Uỷ ban đề nghị khái niệm về các biện pháp này cần được quy định cụ thể để có cách hiểu thống nhất và Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định tại khoản 2 Điều 18 để điều chỉnh đúng các quy định về biện pháp bảo vệ người mẹ[8].

7. Về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ

Về việc Luật bình đẳng giới có quy định vấn đề tuổi nghỉ hưu hay không, có hai loại ý kiến khác nhau :

- Loại ý kiến thứ nhất : đề nghị Luật này không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động mà nên để cho pháp luật bảo hiểm xã hội điều chỉnh ;

- Loại ý kiến thứ hai : Luật bình đẳng giới cần quy định về tuổi nghỉ hưu trên nguyên tắc bình đẳng giới, nghĩa là nam nữ có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi ngang nhau, tuy nhiên nếu phụ nữ có nhu cầu nghỉ hưu sớm thì được quyền nghỉ trước 5 năm.

Quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (bao gồm cả cán bộ, công chức) ít hơn nam cùng ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn 5 tuổi là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta để phụ nữ có điều kiện chăm lo gia đình, bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, phù hợp với bối cảnh lịch sử khi chính sách ra đời vào những năm 60, có thể được coi như là một "biện pháp đặc biệt tạm thời" nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng thực tế giữa nam và nữ. Song đến nay, có lẽ một nhóm dân số đã đạt điều kiện để chúng ta chấm dứt biện pháp tạm thời đó, vì vậy tuổi nghỉ hưu cũng phải điều chỉnh cho nhóm dân số này cho phù hợp, còn nhóm dân số nào chưa đạt điều kiện để chấm dứt biện pháp tạm thời thì tuổi nghỉ hưu nên giữ như quy định hiện hành.

Uỷ ban chúng tôi nhất trí với loại ý kiến thứ 2, bởi vì vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nếu quy định trong Luật này thì cũng chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn quy định cụ thể nên dành cho pháp luật bảo hiểm xã hội và các pháp luật có liên quan quy định. Nếu quy định theo loại ý kiến thứ 2 sẽ phù hợp với nguyện vọng nghỉ hưu của tất cả chị em phụ nữ, chị em nào muốn nghỉ hưu ở độ tuổi theo quy định hiện hành cũng được thoả mãn, chị em nào có sức khoẻ, trí tuệ, kinh nghiệm sẽ có điều kiện để cống hiến và thụ hưởngnhư nam giới.

8. Về trách nhiệmquản lý nhà nước về bình đẳng giới

Uỷ ban chúng tôi đánh giá cao về sáng kiến này, bởi vì từ trước đến nay chúng ta chưa phân công cụ thể cho một bộ, ngành nào đảm nhiệm chức năng này. Tuy nhiên vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quản lý nhà nước về bình đẳng giới liên quan đến nhiều lĩnh vực do nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý và phải bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, nên không cần quy định riêng một bộ, cơ quan ngang bộ quản lý.

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng để đạt được mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất và có hiệu quả, cần xác định rõ bình đẳng giới là một lĩnh vực quản lý nhà nước và có cơ quan quản lý nhà nước làm đầu mối chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất thực hiện nhiệm vụ này.

Đa số ý kiến Uỷ ban nhất trí với loại ý kiến thứ hai là cần có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bình đẳng giới, còn các cơ quan khác trong Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi ngành, lĩnh vực, theo sự phân công của Chính phủ.

Uỷ ban chúng tôi cho rằng nếu đã thống nhất có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới thì việc phân công cho một bộ ngành cụ thể là thuộc phạm vi quyền hạn của Chính phủ.

Tuy nhiên, Uỷ ban chúng tôi rất hoan nghênh nếu Chính phủ nghiên cứu kinh nghiệm các nước để đề xuất việc thành lập Bộ bình đẳng giới.

9. Bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Uỷ ban chúng tôi đánh giá cao việc dự thảo quy định biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cho rằng đây là một biện pháp rất quan trọng để đạt mục tiêu bình đẳng giới thật sự.

Tiếp thụ ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Dự thảo trình Quốc hội đã quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã cụ thể hơn nhằm thay thế các quy định về "lồng ghép giới" củadự thảo ban đầu.

a) Về tên thuật ngữ

Trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến khác nhau : có ý kiến đề nghị lấy lại tên "lồng ghép giới" vì cho rằng thuật ngữ này đã được dùng trong văn bản dưới luật và đang được một số cơ quan thực hiện trong việc xây dựng kế hoạch, chính sách. Có ý kiến cho rằng để"bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật" không chỉ là hoạt động của cơ quan soạn thảo, mà còn hoạt động của các cơ quan có liên quan khác như cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, do đó cụm từ "bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật" là chưa phù hợp, nên dùng "đưa vấn đề bình đẳng giới vào nội dung của văn bản quy phạm pháp luật", "phân tích bình đẳng giới" hoặc "chú trọng bình đẳng giới"....

Về vấn đề này, Uỷ ban chúng tôi cho rằng dùng cụm từ "đưa vấn đề bình đẳng giới vào nội dung của văn bản quy phạm pháp luật" là phù hợp.

b) Về đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Việc quy định đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một sáng kiến hay. Đa số ý kiến Uỷ ban nhất trí với nội dung bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nội dung của đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa được quy định rõ.

Về cơ quan đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đa số ý kiến Uỷ ban cho rằng, đó là trách nhiệm của cơ quan (chuyên trách) quản lý nhà nước về bình đẳng giới (nếu quy định cơ quan quản lý nhà nước). Hệ thống cơ quan này sẽ đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả cấp trung ương và địa phương.

Trong trường hợp không quy định về cơ quan quản lý nhà nước riêng về bình đẳng giới thì việc giao cho Bộ tư pháp là phù hợp, song cũng cần làm rõ việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một nội dung bổ sung của hoạt động thẩm định mà Bộ tư pháp đang làm hay là phải làm riêng một báo cáo đánh giá bảo đảm bình đẳng giới ?

Việc giao cho Uỷ ban về các vấn đề xã hội đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới đối với những văn bản quy phạm pháp luật không do Bộ tư pháp thẩm định là vấn đề cần nghiên cứu, cân nhắc thêm. Thực tế là, có những văn bản quy phạm pháp luật không do Bộ tư pháp thẩm định mà cũng không thuộc trách nhiệm ban hành của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì việc giao cho một Uỷ ban của Quốc hội đánh giá bảo đảm bình đẳng giới liệu có phù hợp ?

Đa số ý kiến Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng, trong trường hợp văn bản do Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành mà Bộ tư pháp không có chức năng thẩm định thì nên quy định trách nhiệm đánh giá của "cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới" và Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vai trò của các cơ quan Quốc hội trong việc thẩm tra bình đẳng giới.

Ngoài ra, việc cơ quan nào sẽ đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, Uỷ ban đề nghị cần làm rõ trong dự thảo Luật này.

10. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan

Dự thảo đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức, hoạt động của cơ quan. Tuy nhiên, dự thảo cần thể hiện rõ hơn nội dung bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức, hoạt động của cơ quan để nhất quán với các quy định về nội dung bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, nếu như có đánh giá về bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì cũng cần có hoạt động đánh giá về bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan và phải được coi là một tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng.

11. Việc quy định tỷ lệ tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham gia lãnh đạo

Điểm a khoản 1 Điều 18 của dự thảo đưa ra 2 phương án về vấn đề này. Đa số ý kiến Uỷ ban cho rằng, việc quy định tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước có thể thực hiện được vì ngoài những tiêu chuẩn cá nhân, việc đề bạt, bổ nhiệm phụ thuộc chủ yếu vào các cơ quan nhà nước và thủ trưởng cơ quan.

Tuy nhiên, việc quy định tỷ lệ nữ đại biểu có hai loại ý kiến khác nhau :

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân vì nếu quy định trong Luật mà không đạt thì biện pháp chế tài, giá trị của cuộc bầu cử đó như thế nào, do đó chỉ nên quy định tỷ lệ ứng cử viên là nữ.

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định tỷ lệ đại biểu nữ như phương án 2 của dự thảo để tiến tới bình đẳng giới thực sự, đây cũng là một trong các biện pháp (đặc biệt) tạm thời. Nếu chúng ta đã chấp nhận biện pháp (đặc biệt) tạm thời thì nên quy định rõ tỷ lệ phần trăm, đến khi đạt (và khá ổn định) thì sẽ không duy trì quy định tỷ lệ này. Hơn nữa, quy định tỷ lệ như vậy cũng chỉ là luật hoá nội dung quy định trong Quyết định 19/2002 ngày 21/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010. Để thực hiện quy định này, các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan sẽ có các biện pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện và chịu trách nhiệm trong trường hợp không đạt được mục tiêu. Thực tiễn thực hiện Quyết định 19/2002 ngày 21/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm, quyết tâm thực hiện và có cách làm phù hợp thì ở đó đạt được tỷ lệ đại biểu nữ theo quy định. Kinh nghiệm một số nước đã quy định và có biện pháp cụ thể trong việc tổ chức các khu vực bầu cử dành riêng cho ứng cử viên nữ để đạt được tỷ lệ theo luật định.

Đa số ý kiến Uỷ ban chúng tôi nghiêng về loại ý kiến thứ 2 và đề nghị việc quy định tỷ lệ cụ thể nên giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định trước mỗi cuộc bầu cử,phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở tỷ lệ nữ đại biểu dân cử ít nhất là 30%, khoá sau cao hơn khoá trước. Quy định như vậy sẽ khả thi hơn.

12. Ngoài các vấn đề trên đây, còn một số nội dung cụ thể khác, của từng điều, khoản và đặc biệt là kỹ thuật văn bản, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan khác có liên quan để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện và báo cáo Quốc hội.

*

**

Trên đây là báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về các vấn đề xã hội về dự án Luật bình đẳng giới, xin trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

 

Nơi nhận :

- Như trên,

- Chính phủ,

- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam,

- Lưu VT, Vụ các vấn đề xã hội.

T/M UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Chủ nhiệm

(đã ký)

Nguyễn Thị Hoài Thu



[1]dụ quy định tuổi nữđược cử đi đào tạo thấp hơn nam 5 tuổi.

[2]Vì không phải ai cũng đã tiếp cận từ ‘’giới’’.

[3] Giới đôi khi được hiểu như giới nghề nghiệp, xã hội : giới báo chí, giới doanh nghiệp, giới lao động...

[4] Ví dụ: Về trật tự bình đẳng giới trong các lĩnh vực nên đặt những nội dung mang tính phổ cập, đối tượng áp dụng nhiều hơn ở trên.

[5] Cũng giống như trong nhiều lĩnh vực khác, chúng ta phải có biện pháp tạm thời, ví dụ : cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc miền núi cũng là một trong các biện pháp tạm thời để miền núi tiến kịp miền xuôi.

[6] Điều 4 công ước CEDAW quy định, việc "các nước tham gia Công ước thông qua những biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng trên thực tế giữa nam giới và phụ nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử".

[7] Theo Công ước CEDAW,việc thông qua những biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ người mẹ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử.

[8]Ví dụ, quy định tại điểm đ "Bổ sung thông tin về giá trị lao động gia đình trong những số liệu thống kê về sản phẩm quốc dân"là không phù hợp với nội dung khoản này, hoặc điểm d "các dịch vụ hỗ trợ nhằm giảm nhẹ gánh nặng lao động gia đình" được đưa vào khoản này có thể bị cho là mang "định kiến giới".

 

Văn phòng Quốc hội.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video