Báo cáo với cử tri kêt qủa kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII

30/06/2009
Chiều ngày 30.6.2009, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoà, đại biểu Quốc hội khoá XII, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã báo cáo với đại dện cử tri cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII.

Sau 26 ngày làm việc (từ ngày 20/5 đến ngày 19/6/2009) kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII đã kết thúc, hoàn thành chương trình đề ra với những nội dung chủ yếu: Xem xét, đánh giá về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Công tác xây dựng pháp luật; và Hoạt động giám sát của Quốc hội.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Năm 2008, tuy bị ảnh hưởng của khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới và sự đối mặt với những thách thức trong nước, nhưng với sự nỗ lực của toàn dân và Chính phủ, ta đã kéo giảm và từng bước kiểm soát được lạm phát; chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tăng ở mức trên 2%/tháng đã giảm dần xuống mức 0,18% tháng 9 và đạt số âm trong 3 tháng cuối năm; duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức cao và cao hơn so với nhiều nước trong khu vực; thu ngân sách cao, vượt 29% so với kế hoạch; cân đối vĩ mô được bảo đảm; công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là xóa đói, giảm nghèo được tập trung giải quyết nên đạt hiệu quả tốt; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và tăng cường. Song, vẫn còn những tồn tại cần có giải pháp tích cực để khắc phục: trong số 25 chỉ tiêu Quốc hội giao, còn 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (GDP tăng 6,2%, kế hoạch là 7%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 41,3%, kế hoạch là 42%; Tạo việc làm 1,615 triệu người, kế hoạch là 1,7 triệu người; Tỷ lệ hộ nghèo là 12,1% -12,5%, kế hoạch là 11-12%; Tuyển mới trung học chuyên nghiệp là 16%,kế hoạch là 16,5%; Mức giảm tỷ lệ sinh 0,1%, kế hoạch là0,3%; Tỷ lệ xử lý chất thải y tế là 70%, kế hoạch là 86%; Cung cấp nước sạch cho đô thị 80%, kế hoạch là 85%; Tỷ lệ che phủ rừng 39%, kế hoạch là 40%). Các vấn đề xã hội và môi trường còn nhiều bức xúc; đời sống người lao động phải đối mặt với nhiều khó khăn…

Để phù hợp với tình hình thực tế, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 như: GDP năm 2009 từ 6,5% xuống 5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%. Chỉ số giá tiêu dùng điều chỉnh từ dưới 15% xuống dưới 10%. Ngoài ra, chỉ tiêu về dự toán ngân sách nhà nước cũng được điều chỉnh, nâng mức bội chi ngân sách không quá 7% GDP; thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm góp phần kích cầu tiêu dùng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh; thông qua việc bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục theo mục tiêu đã được Quốc hội quyết định; đồng thời, bổ sung mục tiêu đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên và các dự án cấp bách, nhất là ở các địa phương nghèo, kinh tế chậm phát triển.

Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 431.057 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 469.606 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 64.567 tỷ đồng, bằng 5,64% GDP; nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm vay trong nước là 51.572 tỷ đồng, vay nước ngoài là 12.995 tỷ đồng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 và giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình cụ thể để có những cơ chế, chính sách thích hợp.

Công tác xây dựng pháp luật

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thông qua 11 Dự án luật (Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quản lý nợ công, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài); xem xét và thông qua một số luật sửa đổi, bổ sung một số điều: Luật Điện ảnh; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở; Luật Di sản văn hóa, Bộ Luật Hình sự. Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào các dự án luật: Luật Cơ yếu; Luật Khám, chữa bệnh; Luật dân quân tự vệ; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Người cao tuổi.

Quốc hội cũng đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 (các luật, pháp lệnh sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 7, thứ 8 năm 2010).

Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách nhà nước; phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009 và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Hoạt động giám sát

Tại kỳ họp thứ năm này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Báo cáo giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”, tập trung vào các nội dung: hệ thống chính sách, pháp luật về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện hành; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan chuyên môn trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tổ chức bộ máy chuyên môn, lực lượng chuyên trách, điều kiện bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ; xã hội hóa trong quản lý và bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; những kiến nghị và các giải pháp về vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội về tình hình giải quyết kiến nghị cử tri từ sau kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 5. Nhìn chung các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã trả lời hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Điều này đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: các quy định hiện hành còn chưa đầy đủ và đồng bộ; chưa quy định rõ về việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan khiến cho việc giải quyết, trả lời cử tri còn chậm; văn bản trả lời còn chung chung; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan; việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chưa thường xuyên và đầy đủ.

Kỳ họp thứ năm có 257 chất vấn của 127 đại biểu Quốc hội ở 51 Đoàn đại biểu Quốc hội và 106 lượt ý kiến trong số 148 đại biểu đăng ký chất vấn, trao đổi trực tiếp tại Hội trường. Quốc hội đã quyết định 6 vị thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường, gồm: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Công thương; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những vấn đề đang bức xúc trong đời sống xã hội như: về giáo dục mầm non; việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; vấn đề thi và tổ chức thi: không tổ chức thi đại học, đề án thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo cụm trường …Thực trạng và giải pháp đối với người mất việc, thiếu việc làm, lao động vị thành niên, quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và lao động nước ngoài tại Việt Nam, việc đào tạo nghề cho người lao động; chế độ bảo hiểm xã hội với cán bộ bán chuyên trách cấp xã; chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến, người nhiễm chất độc da cam….Các biện pháp hỗ trợ nông dân gặp khó khăn trong sản xuất; việc sử dụng gói kích cầu trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn; chế biến nông sản thực phẩm; phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh vật nuôi và cây trồng. Việc phát triển thị trường nội địa; sử dụng hàng sản xuất trong nước; chống buôn lậu; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nông sản thực phẩm, sữa …);công tác xuất khẩu nói chung, trong đó có việc điều hành xuất khẩu gạo; việc tách đầu tư sản xuất điện và truyền tải điện; dự án cung ứng điện cho các buôn, làng đồng bào Tây Nguyên, một số tỉnh Tây Nam Bộ; cấp phép dự án thép ngoài quy hoạch; quy hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Về việc chậm tiến độ sửa đổi Luật đất đai; hướng khắc phục tình trạng khó khăn về những vấn đề liên quan đến đất đai; các giải pháp khắc phục về đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, tình trạng dự án “treo”; cơ chế di dân tái định cư; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; Việc sử dụng gói kích cầu; vấn đề giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ; việc thu hút vốn FDI; việc chậm thông báo kế hoạch vốn cho một số công trình, dự án ở địa phương; những vấn đề đặt ra và giải pháp cấu trúc lại nền kinh tế trong và sau suy giảm kinh tế; quy hoạch sân golf trong cả nước...

Tại kỳ họp, Quốc hội đã nghe và xem xét các báo cáo: Kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Tình hình lao động mất việc làm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế; Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2 năm 2007-2008 và các giải pháp chỉ đạo thực hiện đến năm 2010; Việc triển khai các dự án quặng bauxite; Tình hình quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội trong 2 năm 2007-2008; Kết quả giám sát việc thực hiện di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La; giám sát tình hình thi hành Luật Di sản văn hóa; kết quả giám sát công tác di dân tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi tại miền Trung và Tây Nguyên; giám sát việc quản lý, sử dụng vốn kích cầu có nguồn gốc từ NSNN để góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội..

Trong khi thông báo kết qủa kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoà đã phân tích, nói rõ những nội dung liên quan đến phụ nữ và trong lời kết thúc buổi nói chuyện, đồng chí đề nghị, toàn thể cán bộ, nhân viên cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam đoàn kết, hợp tác, tích cực thực hiện
nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHPNTQ lần thứ X và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của đất nước đã được Quốc hội thông qua.

Trung tâm thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video