Bạo lực gia đình: Im lặng là chết!

03/12/2010
Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc công bố ngày 25/11 vừa qua cho thấy con số đáng báo động: gần 60% phụ nữ Việt Nam từng bị chồng bạo hành về thể xác, tình dục hoặc tinh thần.

Nghiên cứu được thực hiện từ đầu năm 2010 với sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ độ tuổi từ 18 - 60. Kết quả cho thấy, 58% phụ nữ cho biết đã từng là nạn nhân hoặc là bị bạo hành về thể xác, hoặc tình dục, hoặc tinh thần. Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người (34%) cho biết họ đã từng bị bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu 1 trong 2 hình thức bạo hành này chiếm 9%. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tinh thần rất cao, lên đến 54%. Thậm chí, khoảng 5% phụ nữ có thai bị đánh đập trong thời gian mang thai. Trẻ nhỏ cũng là nạn nhân của trò bạo hành. Cứ 4 trẻ nhỏ dưới 15 tuổi thì có 1 trẻ bị chính cha đẻ bạo hành thể xác. Bạo lực gia đình đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình. Khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng. Những phụ nữ bị bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khoẻ kém hơn 2 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành. Trẻ em phải chứng kiến bạo lực cũng trải qua những chấn thương về tinh thần và sụt giảm kết quả học tập, sức khoẻ.


Những người là nạn nhân của bạo lực gia đình thường chịu áp lực phải “chịu nhịn” và im lặng, chấp nhận hoàn cảnh. Trong số gần 60% phụ nữ được hỏi cho rằng từng bị bạo hành thì có tới 87% phụ nữ chọn giải pháp im lặng, nín nhịn và chưa từng bao giờ nghĩ tới việc trình báo chính quyền để được giúp đỡ, mặc dù đã nghe về Luật phòng chống bạo lực gia đình. Hơn 50% phụ nữ chưa bao giờ nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải gánh chịu.


Kết quả nghiên cứu đã cho thấy tính cấp thiết của việc phá bỏ sự im lặng để chấm dứt bạo lực gia đình, vì “im lặng là chết”.

Triều Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video