Bạo lực gia đình: Những con số đau lòng

11/06/2022
Đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, hiểm họa ẩn chứa nhiều nhất lại ở nơi họ đáng lẽ được an toàn nhất - ngay trong nhà mình.

Trên thế giới

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở cấp độ toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người phải đối mặt với bạo lực về thân thể hoặc tình dục, mà trong số thủ phạm có cả chồng hoặc bạn trai của họ. Hầu hết các vụ bạo lực đối với phụ nữ do bạn trai hoặc người chồng hiện tại/chồng cũ gây ra. Hơn 640 triệu phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đã phải chịu sự bạo hành do bạn tình gây ra (tương đương 26% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên).

Theo một báo cáo khác của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, trên toàn cầu, 81.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết vào năm 2020. Khoảng 47.000 người trong số họ (58%) bị chết dưới tay của người bạn đời hoặc một thành viên trong gia đình, tương đương với cứ 11 phút lại có 1 phụ nữ hoặc trẻ em gái bị giết tại nhà của họ.

Bạo lực gia đình gây thiệt hại khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu.

"Đại dịch trong bóng tối" là cách mà Liên hợp quốc gọi bạo lực đối với phụ nữ trong một báo cáo tháng 11/2021. Trong đó, hơn 2/3 phụ nữ được khảo sát từ 13 quốc gia cho biết bạo lực gia đình tăng trong thời gian đại dịch ở nơi họ sống. Theo số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%.

"Đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, hiểm họa ẩn chứa nhiều nhất lại ở nơi họ đáng lẽ được an toàn nhất - ngay trong nhà mình. Tôi kêu gọi các chính phủ ngăn chặn và điều chỉnh để vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trở thành một phần then chốt trong những kế hoạch ứng phó quốc gia đối với Covid-19" -  Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói trong một tuyên bố hồi tháng 4/2020

* Tại Việt Nam

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra). Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục.

Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Những vụ bạo lực gia đình gây chấn động

* Thomas Nutt (45 tuổi) sống tại Shirley Grove, Lightcliffe (Anh) đã thừa nhận là hung thủ giết vợ, bà Dawn Walker (52 tuổi), khi xuất hiện tại phiên tòa sáng 4/11/2021. Bà Walker bị giết vào ngày 27/10/2021, ngày họ kết hôn và thi thể bà được tìm thấy trong một chiếc va li gần nhà ở Halifax, West Yorkshire, ngày 31/10/2021. Vụ sát hại chỉ sau 4 ngày kết hôn khiến những người xung quanh không khỏi bàng hoàng. Theo bạn thân của Dawn, bà là người phụ nữ tốt bụng, chu đáo, thân thiện. Nhiều người thân và bạn bè khác cũng bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi đột ngột của bà. Những người hàng xóm của nạn nhân ở Nunlea Royd sốc trước thông tin Dawn bị sát hại: "Tôi đã sống ở đây 40 năm và những gì đã xảy ra thật khủng khiếp". Một phiên tòa kéo dài 7 ngày được ấn định sẽ diễn ra vào ngày 25/7/2022 và Nutt sẽ được đại diện bởi luật sư Stephen Wood.

* Tại Ấn Độ, cô Neetu Mahour sống tại Agra, bang Uttar Pradesh, bị cha ruột tạt axít vào mặt khi cô 3 tuổi. Hành động tàn nhẫn của người cha trong cơn say và mất kiểm soát đã để lại dấu vết vĩnh viễn trên gương mặt con gái mình và nỗi đau không thể xóa nhòa. Không riêng Neetu, mẹ và em gái của cô cũng là nạn nhân của cha cô. Em gái Krishna đã qua đời 2 tuần sau khi bị cha tạt axít vào mặt. Mẹ của Neetu mang khuôn mặt với nhiều vết sẹo và thị lực kém vì loại hóa chất cực độc. Neetu cũng bị mù 2 mắt. Theo nạn nhân, chỉ vì muốn giành quyền kiểm soát mảnh đất mang tên vợ, cha của Neetu sẵn sàng "ra tay" với những người thân. Thay vì tìm một nơi để có thể tránh xa người chồng, người cha tàn nhẫn, họ vẫn phải chấp nhận sống cùng khi ông ta ra tù vì không thể tự kiếm sống.

* Năm 2021, cô gái trẻ Saman Abbas, người Pakistan, vừa tròn 18 tuổi thì bị cha mẹ và người thân ép cưới anh họ mình. Không chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, Saman phản đối đến cùng. Không ngờ điều này khiến cô nhận kết cục thê thảm. Án mạng xảy ra tại Italy. Cảnh sát cho biết, Hasnain, chú của Saman là kẻ chủ mưu vụ "giết người vì danh dự". Hasnain đã cùng cha mẹ và anh họ của Saman khống chế, siết cổ cô đến chết rồi chôn tại một địa điểm không xác định ở thành phố Novellara.

Xong xuôi, họ bỏ trốn đến một quốc gia khác để tránh sự truy đuổi của cảnh sát. Hasnain bị cảnh sát Pháp bắt giữ. Người cha - Shabbar Abbas và người mẹ - Nazia Shaheen cùng 2 anh em họ của Saman là Ijaz Ikram và Nomanulhaq Nomanulhaq cũng bị tống giam. Tại tòa, họ thừa nhận tội ác và giải thích rằng họ quyết định sát hại Saman vì hành động của cô chà đạp lên lợi ích và làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình, dòng tộc. Hiện thi thể cô gái vẫn chưa được tìm thấy.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video