Bạo lực gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên

28/06/2013
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Kết nối yêu thương gia đình Việt" hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013 và Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, sáng 27/6, Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức hội thảo Bạo lực gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên (NNBY).

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chủ trì Hội thảo. Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu đại diện các bộ, ngành, đoàn thể cơ quan TW và Hà Nội; đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán; lãnh đạo, cán bộ các ban, đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam cùng các nạn nhân đang tạm trú tại NNBY.

Hội thảo Bạo lực gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và kêu gọi trách nhiệm của các các cấp, các ngành, gia đình, cá nhân và cộng đồng cùng chung tay xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng, bền vững. Đây là một trong chuỗi các sự kiện với chủ đề "Kết nối yêu thương gia đình Việt" của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 2013 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo về mô hình NNBY dành cho nạn nhân bị bạo lực gia đình và bị buôn bán trở về; báo cáo kết quả phân tích các trường hợp tham vấn qua dữ liệu của Phòng Tham vấn và các trường hợp tạm trú tại hai NNBY trong mối liên hệ với các vấn đề của gia đình và tham luận của đại diện các cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ về những vấn đề liên quan. Theo đó, từ khi thành lập năm 2007 đến nay, NNBY đã hỗ trợ 619 lượt nạn nhân, trong đó có 378 lượt bị bạo lực gia đình và 241 người bị buôn bán trở về. 72% nạn nhân bị buôn bán trở về có trình độ học vấn thấp (cấp 1,2) và hầu hết họ dưới 25 tuổi. Có gần 50% các nạn nhân bị bạo lực làm nghề tự do, 71% nạn nhân bị cả 3 hình thức bạo lực: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục... Những nạn nhân này đã đưa lên tiếng nói của mình, bày tỏ hoàn cảnh cũng như nguyện vọng để những người tham gia Hội thảo, những nhà hoạch định chính sách và các tổ chức xã hội quan tâm chú ý, tạo điều kiện giúp đỡ. Các đại biểu đã cùng trao đổi, phân tích về vai trò của gia đình nhìn nhận từ góc nhìn thực tiễn của 2 Ngôi nhà bình yên, các cơ sở tham vấn, điều trị và các vấn đề chính sách, đồng thời thảo luận về các giải pháp cần thiết đối với gia đình và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Trần Thị Hương cho biết: "Thực tế đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát trên phạm vi cả nước về bạo lực gia đình, tuy nhiên với những số liệu tổng hợp từ các trường hợp nạn nhân của NNBY và các trường hợp tham vấn, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho Hội thảo những phân tích ban đầu trong mối liên quan giữa bạo lực gia đình, mua bán người và gia đình cũng như những vấn đề khác liên quan đến đời sống hôn nhân, gia đình". Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Qua Hội thảo, một lần nữa, vấn đề gia đình được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó để tìm ra các giải pháp tăng cường vai trò của gia đình và hỗ trợ gia đình trong phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới nói riêng và xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững nói chung. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn tới các tổ chức, nhà tài trợ đã đồng hành, giúp đỡ Hội thực hiện Dự án NNBY.

 

Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, Ngôi nhà bình yên đã là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ nữ, trẻ em bị bạo hành gia đình, bị buôn bán sang nước ngoài. Đến nay, Ngôi nhà binh yên đã hỗ trợ cho trên 600 phụ nữ/trẻ em bị buôn bán trở về từ 32 tỉnh/thành phố và hàng trăm nạn nhân khác bị bạo hành gia đình trên cả nước thông qua việc cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí bao gồm: nơi ăn, ở an toàn, hỗ trợ y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, hướng nghiệp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, học văn hóa, nâng cao kỹ năng sống… Sau thời gian tạm trú ở Ngôi nhà bình yên, những người tạm trú tại đây đã được phục hồi về thể chất và tinh thần, được cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, mở rộng tầm hiểu biết và chuẩn bị hành trang để có thể ổn định cuộc sống, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

 

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video