Bạo lực gia đình - vấn nạn còn nhức nhối

09/12/2010
Những năm gần đây, dù đã có sự quan tâm, vào cuộc của cơ quan chức năng, các địa phương, song bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn biến phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. BLGĐ không chỉ xảy ra công khai mà còn tồn tại âm thầm trong nhiều gia đình gây tổn hại nặng nề về tinh thần, thể chất, thậm chí gây nên những cái chết thương tâm, oan nghiệt.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em

Chị họ tôi ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, lấy chồng là người cùng phố làm nghề kinh doanh. Bẵng đi hơn chục năm xa quê, chỉ biết thông tin qua họ hàng hay những lần về quê dự cưới hỏi, tôi mừng thầm vì kinh tế gia đình chị khá vững, 2 con gái ngoan, hiếu học. Một ngày đầu năm 2010, tôi tất tả tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh thấy chị thiêm thiếp trên giường bệnh, cơ thể nhiều vết bầm tím, giập xương gò má, gãy xương quai xanh. Không tin vào mắt mình, người chị yêu quý với gương mặt khả ái ngày nào giờ tiều tuỵ xanh xao. Sau này gặng mãi, chị mới thú nhận trong nước mắt: Những năm trước, chồng chị  hết lòng yêu thương, chăm lo cho vợ con, song từ khi chị sinh lần thứ hai lại là cháu gái, anh bê trễ mọi việc, bắt chị đẻ tiếp bằng được con trai. Ý nguyện không thành, anh sinh thói xấu chửi bới, lăng mạ chị. Rồi những trận đòn roi vô căn nguyên liên tục trút xuống tấm thân gầy, có những lần anh đánh chị ngất xỉu ngay tại chỗ. Vốn cam chịu, lo cha mẹ già đau lòng, con trẻ phải chia lìa, thiên hạ cười chê… chị cắn răng chịu đựng hết năm này qua tháng khác. Vết thương chồng lên vết thương cả thể xác lẫn tinh thần chỉ một mình chị biết, một mình chịu đựng.

Bác sĩ Hoàng Chí Thành, Phó trưởng Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, thời gian qua, Khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp chấn thương do bạo lực gia đình. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đa số họ giấu giếm, không dám nói sự thật nên bệnh án thường chỉ ghi chung chung: tự ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Bác sĩ Thành còn nhớ trường hợp bệnh nhân C.T. H, ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn nhập viện cuối tháng 11- 2009 trong tình trạng hết sức nguy kịch. Chỉ vì một yêu cầu nhỏ không được đáp ứng, chồng chị đã dùng dao nhọn đâm thẳng vào ngực khi chị đang mang thai lần thứ 5. Vết dao đâm sát tim làm đứt sụn sườn và các động mạch liên sườn gây chảy rất nhiều máu. Dù được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời, cứu được mạng sống song hậu quả để lại về sức khoẻ, tinh thần với chị hết sức nặng nề. Qua lời kể của người thân thì đây không phải lần đầu chị H bị chồng bạo hành. Gia đình chị H nghèo, đông con, chị phải đi làm mướn kiếm tiền nuôi cả nhà. Chồng chị không đỡ đần lại thường xuyên rượu chè say xỉn. Cứ lúc say, vợ con có thất ý, vớ được cái gì, bất kể dao, búa, đòn gánh… là anh ta dùng đánh vợ, con. Chị H đã nhiều lần bị chồng đánh ngất đi, tỉnh lại.

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch được biết mỗi năm, địa bàn tỉnh xảy ra hàng nghìn vụ BLGĐ, trong đó khoảng 80% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Ví như năm 2008, trong số 1.478 vụ BLGĐ thì 1.219 vụ  do người chồng gây ra với vợ, con. Nhiều báo cáo nghiên cứu về vấn đề này của cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa của BLGĐ mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em là do quan niệm trọng nam, khinh nữ tồn tại đã lâu trong xã hội, ăn sâu vào tiềm thức nhiều gia đình. Vấn đề bình đẳng giới còn nhiều rào cản nên kết quả thực hiện hạn chế đã đẩy chị em vào vị thế yếu, thụ động, phụ thuộc vào nam giới về cả kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giáo dục và cả vị trí trong gia đình. Ngoài ra, qua thông tin từ những diễn đàn, các cuộc hội thảo về phòng, chống BLGĐ những năm gần đây thì con số công bố về BLGĐ chỉ là bề nổi, trên thực tế, tình trạng BLGĐ  diễn ra âm thầm ở hàng nghìn gia đình khác, trong đó không chỉ tập trung ở vùng nông thôn, miền núi điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí hạn chế mà xảy ra ở các vùng miền, các đối tượng, không ít trường hợp  nạn nhân là cán bộ, giáo viên, đảng viên… mà vì nhiều lý do khiến họ đã và đang cam chịu, chấp nhận "sống chung" với bạo hành.

Vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Có thể nói, BLGĐ gây ra những hậu quả nặng nề, trước hết là vi phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại sức khoẻ, thậm chí tính mạng con người, nhất là phụ nữ và trẻ em. BLGĐ đang hàng ngày gây nên những nỗi đau không chỉ cho bản thân người bị bạo hành mà còn để lại hậu quả nặng nề cho gia đình như chồng mất vợ, cha mất con, con cái bơ vơ không nơi nương tựa vì mẹ mất, cha lâm vào vòng lao lý… Nhẹ hơn thì nạn nhân có thể bị tàn phế, mất sức lao động, lâm vào cảnh nghèo túng… là nguy cơ tan vỡ, giảm sự bền vững trong mỗi gia đình. Cũng từ nạn bạo hành mà xã hội phải chi nhiều tiền của cho công tác phòng, chống; hứng chịu nhiều tệ nạn xã hội phát sinh. BLGĐ có thể gây cho trẻ em những vết thương khó lành như trầm cảm, thiếu tự tin, học hành giảm sút. Đây cũng là tác nhân gây nên tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng.

Trước vấn nạn ngày càng báo động, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực từ 1-7- 2008. Ở tỉnh ta, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật, tình trạng BLGĐ đã có chiều hướng giảm. Nếu năm 2008, toàn tỉnh xảy ra 1.478 vụ BLGĐ thì năm 2009, con số này giảm còn 1.062 vụ. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Trọng Vịnh, qua công tác kiểm tra, giám sát, BLGĐ dù có giảm về số vụ nhưng diễn biến vẫn hết sức phức tạp. Trong đó có nhiều vụ bạo hành để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với hành vi dã man như chồng giết cả vợ, con ở huyện Tân Yên; chồng thiêu chết vợ, chồng dùng dao nhọn đâm chết vợ cùng ở Lục Nam; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà chồng lột quần áo vợ nhốt vào cũi chó ở Yên Dũng; dùng điếu cày đánh vợ đến chết ở Việt Yên; cạo trọc đầu, bắt vợ uống nước tiểu ở Lục Ngạn. Gần đây nhất xảy ra vụ bố đẻ đánh con nhỏ dã man ở Yên Dũng, hay người bố mất nhân tính ở huyện Yên Thế đánh con trai dẫn đến cái chết thảm, gây phẫn nộ trong nhân dân…

Để ngăn chặn hiệu quả nạn BLGĐ cần có sự quan tâm vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt công tác này phải được quán triệt đến từng gia đình. Theo đó, các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục kiện toàn các ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ, gắn với ban chỉ đạo cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền Luật phòng, chống BLGĐ và các văn bản khác có liên quan như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… Đối với những vụ BLGĐ, cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chính quyền, đoàn thể địa phương cần có những biện pháp giúp đỡ kịp thời nạn nhân, tránh quan niệm đó là việc riêng của gia đình họ. Quan tâm nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong các gia đình, hạn chế phát sinh BLGĐ. Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh nên thành lập Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ nhằm mục đích tuyên truyền, giải đáp, giải quyết mâu thuẫn gia đình; phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng vun đắp gia đình tiến bộ hạnh phúc và là địa chỉ cho nạn nhân bị bạo hành tạm trú, tạm lánh. Tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng, chống BLGĐ ở cơ sở. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ nên xúc tiến tổ chức nhiều hoạt động tư vấn phòng, chống BLGĐ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Các cấp, ngành liên quan thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra thanh tra, kịp thời biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt Luật phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới; đồng thời phê phán, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Luật ở các địa phương, đơn vị. Qua đó hạn chế, đẩy lùi BLGĐ, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, văn minh.

Thanh Hằng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video