Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ

28/09/2018
Hướng tới Tháng hành động năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em”, sáng ngày 24/9/2018, tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNPFA) tổ chức buổi Tọa đàm về “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ”.

Tham dự buổi toạ đàm có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; bà Astrid Bant - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng hơn 70 đại biểu đại diện cho các sở, ban ngành, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tại TP.HCM.  

Theo báo cáo, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực như hoàn thiện thể chế chính sách, phê duyệt các chương trình, đề án như phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, một số mô hình như Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp bình đẳng giới, trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái đã được triển khai thực hiện, góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: “ước tính khoảng trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. Tình trạng bạo lực gây nên những trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội.     

Trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các hoạt động và mô hình như Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái..., góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp, huy động sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam để xây dựng và nhân rộng các mô hình, đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận cho cả người bị bạo lực và người gây bạo lực.

 

 Đại biểu chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, so với các dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đang còn gặp nhiều thách thức. Phụ nữ còn gặp khó khăn hơn khi tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý và can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong dư luận và xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Buổi Tọa đàm này sẽ là cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi, nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, chia sẻ về những khoảng trống trong chính sách và dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực tình dục hiện nay tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm liên quan đến phòng ngừa và ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cả góc độ trong nước và quốc tế. Tôi mong các chuyên gia quốc tế, các nhà báo tham dự Tọa đàm, có nhiều thông tin để trao đổi, cán bộ của các địa phương sẽ chia sẻ về các mô hình thành công, hiệu quả để có thể áp dụng, nhân rộng với các địa phương khác một cách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề phòng, chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, giảm khoảng trống về pháp luật và dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực này".

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị, theo đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và việc thực thi trong thực tiễn để kiểm soát được tình trạng bạo lực tình dục; có dịch vụ để hỗ trợ hiệu quả về mặt sức khỏe, tâm lý, tinh thần, bảo đảm an toàn cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi tâm lý cũng như thái độ của con người nói chung về mặt bạo lực và quấy rối tình dục, nhất là đối với nam giới bởi vì phần lớn đàn ông là những người có quyết định ở trong xã hội và trong gia đình và cũng là tác nhân gây thay đổi, ngăn ngừa bạo lực trong xã hội. Ngoài ra, cần có hệ thống số liệu cụ thể làm bằng chứng để đề ra những hành động và quyết định cụ thể và xác thực hơn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã được lắng nghe, thảo luận về các quy định và các dịch vụ tại Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực tình dục cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tình dục.

LĐXH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video