Bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm của người Cơ Tu

11/10/2020
Tổ liên kết Dệt thổ cẩm người Cơ Tu đã làm nên những sản phẩm văn hóa đặc sắc, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm của người Cơ Tu
Phụ nữ Cơ Tu bên sản phẩm thổ cẩm truyền thống

Với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển kinh tế du lịch, chị Bùi Thị Ga (Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã cùng lãnh đạo xã Hòa Bắc phát triển Tổ liên kết Dệt thổ cẩm người Cơ Tu, cùng các thành viên làm nên những sản phẩm văn hóa đặc sắc, mang lại giá trị kinh tế cao.

Bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch

Từ lâu, nghề dệt thổ cẩm không đơn thuần chỉ là một nghề mưu sinh, mà còn là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa lâu đời của người đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Do sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại, người đồng bào dân tộc thiểu số dần thay những sản phẩm thổ cẩm bằng quần jeans, áo sơ mi. Chính vì thế, những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong đời sống hàng ngày, hiện nay số lượng các nghệ nhân biết dệt thổ cẩm của người Cơ tu còn rất ít. Đây chính là nỗi niềm trăn trở của chị Bùi Thị Ga và của nhiều người đang làm công tác bảo tồn, phát triển nghề.

Chị em tổ liên kết Dệt thổ cẩm người Cơ Tu đang dệt thổ cẩm

Mô hình sản xuất phát triển ổn định và bền vững, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ trên địa bàn xã

Theo chị Ga, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Cơ Tu cần được duy trì nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống song song với lễ hội không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Cơ tu mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Năm 2017, Tổ Liên kết dệt Thổ cẩm của người Cơ Tu do Ủy ban nhân dân và Hội LHPN xã Hòa Bắc thành lập. Tổ liên kết ra đời với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ nhằm xây dựng có hiệu quả mô hình sản xuất phát triển ổn định và bền vững, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ trên địa bàn xã.

Tổ liên kết còn tập trung theo hướng sản xuất các loại vải dùng để may áo dài, áo cho người Cơ Tu, vải may khăn trải bàn, may túi xách thời trang, đồng phục.

Sản xuất các loại vải dùng để may áo dài, áo cho người Cơ Tu

Tổ Liên kết dệt Thổ cẩm của người Cơ Tu hiện nay có 20 thành viên hoàn toàn là người đồng bào Cơ Tu. Với vai trò là chủ tịch Hội LHPN xã, người quản lý Tổ Liên kết, chị Ga cho biết dù có nhiều thuận lợi nhưng tổ liên kết dệt cũng gặp không ít khó khăn từ khi bắt đầu thành lập. Thuận lợi là các sản phẩm dệt có thể tiêu thụ tai chỗ thông qua khách hàng là người dân tộc và du khách đến Hòa Bắc; được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, tổ chức phi chính phủ thực hiện việc khôi phục và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, khó khăn là phần lớn thế hệ trẻ người dân tộc bây giờ đi học, đi làm hiếm khi sử dụng trang phục truyền thống mà chủ yếu dùng quần jean, áo sơmi, vải công nghiệp,… Hơn nữa, phụ nữ Cơ Tu ít dùng thổ cẩm như xưa mà thay vào đó là dùng các loại vải khác có giá thành rẻ hơn như hiện nay. Vì vậy, các sản phẩm thổ cẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người Cơ Tu cũng dần dần bị thay thế.

Ngoài ra, còn một số khó khăn nữa mà Tổ Liên kết phải vượt qua, đó là thị trường tiêu thụ hạn chế và phụ thuộc vào ngành du lịch; khả năng bị cạnh tranh bởi các loại sản phẩm thổ cẩm khác; là hàng thủ công nên giá thành cao so với các loại vải thông thường; sản phẩm mẫu mã, màu sắc còn đơn điệu, chưa tạo được giá trị gia tăng như các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của các địa phương khác.

Cùng nỗ lực vượt khó

Làm sao để Tổ Liên kết đưa sản phẩm của đồng bào lên một vị thế nhất định trong nền kinh tế du lịch địa phương trong những khó khăn thách thức trên? Đó là câu hỏi mà chị Ga trăn trở không ngừng. Thời gian đầu, chị tiến hành củng cố nhân sự, cho chị em hội viên học nghề, thiết kế mẫu mã và làm thử các sản phẩm dệt.

Vấn đề lớn mà Tổ Liên kết vấp phải đó chính là sản phẩm làm thủ công nên giá thành của sản phẩm khá cao nên chỉ có thể phục vụ khách du lịch, doanh thu chỉ đủ trang trải một phần chi phí cho các thành viên của tổ.

Chính vì vậy, ngoài mặt hàng thổ cẩm du lịch, tổ liên kết còn tập trung theo hướng sản xuất các loại vải dùng để may áo dài, áo cho người Cơ Tu, vải may khăn trải bàn, may túi xách thời trang, đồng phục... với nhiều hoa văn đa dạng, đậm nét văn hóa của người Cơ Tu.

"Thổ cẩm của người Cơ Tu thể hiện đậm sắc thái văn hóa của dân tộc, bởi nó phản ánh văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Cơ Tu. Tổ Liên kết đã sản xuất vải thổ cầm mang những đường nét hoa văn tinh tế, độc đáo với ba màu đen, đỏ, vàng rực rỡ, bay bổng như ước mơ và khát vọng của người Cơ Tu từ bao đời nay. Màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và khát vọng. Màu vàng là ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa của con người với trời đất... Sản phẩm được làm thủ công, thể hiện đậm đà nét văn hóa, dân tộc; được người Cơ tu thường mặc vào những dịp lễ, tết hay những dịp trọng đại như cưới hỏi...", chị Ga cho biết.

Chị Bùi Thị Ga (Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Trước hướng đi hiệu quả của Tổ Liên kết, Uỷ ban nhân dân huyện Hòa Vang cũng có chủ trương, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề thổ cẩm. Có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và hội phụ nữ cấp trên đã hỗ trợ vốn chính sách, khung dệt, chỉ dệt,…  Tổ Liên kết dần ổn định và phát triển.

Cho đến nay, sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của Tổ Liên kết đã có đa dạng các sản phẩm như vải may đồng phục, ba lô cho học sinh con em người đồng bào ở địa phương, may trang phục truyền thống, khăng quàng cổ cho người đồng bào để mặc trong các dịp lễ, ngày hội và khách du lịch đến với Hòa Bắc… Tất cả đều trên tiêu chí thủ công, tốt, bền, đẹp thể hiện nét đẹp và màu sắc văn hóa, dân tộc của người Cơ Tu.

Chị Ga cũng mong muốn các cấp chính quyền, Hội LHPN cấp trên tiếp tục quan tâm hỗ trợ về nâng cao kỹ năng nghề dệt cho các thành viên, hỗ trợ máy móc để giảm nhân công, giảm giá thành và quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững hơn.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video