Bảo vệ trẻ tránh bị xâm hại tình dục

02/07/2012
Chiếm 58,8% tổng số vụ xâm hại trẻ em, tăng 6,4% so với giai đoạn 2001-2005 là thực trạng đáng báo động về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em những năm gần đây.

Thực trạng đáng báo động

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tập huấn Tổ chức an toàn với trẻ em từ ngày 20-22/6/2012 vừa qua tại Hà Nội cho thấy tình trạng trẻ bị lạm dụng, xâm hại tình dục đang là vấn đề nổi cộm. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2006 – 2010 chiếm 58,8% tổng số vụ xâm hại trẻ em, tăng 6,4% so với giai đoạn 2001-2005. Điều đáng lưu tâm là tính chất của các vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức như: hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em…

Nguy hại hơn nữa, có tới 70% nạn nhân bị xâm hại bởi người quen, thậm chí chính là người thân, máu mủ, ruột rà. Thậm chí nhiều em bị xâm hại nhiều lần dẫn đến có thai. Bên cạnh đó, phần lớn trẻ bị lạm dụng tình dục không dám nói với cha, mẹ vì bị dọa nạt, bị bắt im lặng bằng vũ lực hay những lời đe dọa.

Trẻ em bị xâm hại tình dục bị tổn thương nặng nề về cả tinh thần và thể chất, đôi khi những di chứng này không biểu hiện rõ rệt ngay mà kéo dài âm ỉ nhiều năm sau đó. Việc bị lạm dụng tình dục có thể khiến trẻ trở nên không tin cậy ai, khó kết thân, tách biệt, sợ hãi, tự ti, cô lập bản thân với thế giới xung quanh, trầm cảm, nhiều người không thể có hạnh phúc bởi bị ám ảnh vì những sự việc bị xâm hại tình dục lúc nhỏ, nhiều người trở thành gái mại dâm...

Đau lòng trước những thân phận non nớt bị xâm hại, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà gần đây đã chia sẻ với báo chí: "Tôi cực lực lên án những kẻ mất nhân tính xâm hại phụ nữ, nhất là đối với những trường hợp như trẻ bị thiểu năng, người tàn tật... Tôi cho rằng pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ thủ ác này". Bà kêu gọi tất cả mọi người cần lên án những kẻ "táng tận lương tâm" và phải có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em.

Nguy hiểm luôn rình rập

Xâm hại tình dục có nhiều mức độ khác nhau, những hành vi như động chạm, sờ mó, chụp hình, quay phim cơ thể, kích thích trẻ… cũng được coi là xâm hại tình dục trẻ em. Trẻ gái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn trẻ trai nhưng không có nghĩa các bé trai sẽ không bị xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, kẻ xâm hại tình dục trẻ em luôn ở xung quanh trẻ, không phân biệt người lạ - quen, nam - nữ, già - trẻ, có bằng cấp hay thất học.... Những yêu râu xanh này không mang gương mặt độc ác, lạnh lùng, gian tà mà có bề ngoài hiền lành, thân thiện, gần gũi, dễ mến.

Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra đã minh chứng rằng, trẻ có thể bị xâm hại bởi bất kì ai, bất kì thời gian và địa điểm nào. Nhiều học sinh Trường Tiểu học Đình Tổ 2 (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Trường Tiểu học B Núi Sam (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) bị chính thầy giáo của mình xâm hại tình dục tại ngay chính ngôi trường mà hàng ngày các em theo học. Hay trường hợp của em N.K.L, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, em đã bị chính cha đẻ của mình xâm hại và bắt làm nô lệ tình dục trong suốt thời gian dài. Hay trường hợp của em N.T.T ở Tây Hồ, Hà Nội, trên đường đi học về, em đã bị một thanh niên tự xưng là sinh viên hỏi đường, đi nhờ xe, và em đã bị gã trai đồi bại đưa vào bãi tha ma bên đường làm hại.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động của cuộc sống đô thị hóa, người dân di dời từ vùng nông thôn ra đô thị mưu sinh, qua biên giới để kiếm sống, sao nhãng trách nhiệm đối với gia đình; sân chơi của trẻ em bị thu hẹp, trẻ em lang thang, trẻ em bỏ học gia tăng là nguy cơ bị xâm hại tình dục lớn nhất. Hơn nữa, cuộc sống đô thị hóa đã làm cho nhiều người trẻ sống buông thả, thích ăn chơi, đua đòi của một số phần tử thoái hóa, biến chất, suy thoái nhân cách dẫn đến phạm tội. Bên cạnh đó, phim, ảnh khiêu dâm tràn lan, đặc biệt trên Internet, những website khiêu dâm, game o­nline kích dục… khiến người ta dễ bị kích thích, mất kiểm soát hành vi. Các thông tin cá nhân bị phơi bày trên mạng, cha mẹ không có kiến thức hoặc không có thời gian để kiểm soát con cái đã tạo điều kiện cho những ”yêu râu xanh” lợi dụng “kết bạn”, “chia sẻ” và có cơ hội “hẹn hò”, xâm hại trẻ.

Gia đình - hành lang bảo vệ trẻ

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã nhấn mạnh rằng: "để tránh những sự việc đau lòng như vừa qua thì cũng cần có sự quản lý chặt chẽ từ gia đình, cha mẹ, đặc biệt là bà mẹ. Trong gia đình, người mẹ vừa là người mẹ vừa là người bạn với con, phải quan tâm, gần gũi, quản lý chặt chẽ con cái, tạo ra hàng rào bảo vệ con cái từ xa".

Đúng vậy, gia đình, đặc biệt là người mẹ, người bà – những người gần gũi nhất với trẻ có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phòng, tránh khỏi bị xâm hại tình dục. Để làm được điều đó, cha mẹ phải luôn cảnh giác, có hiểu biết để xác định các nguy cơ rủi ro mà trẻ có thể bị xâm hại, đặc biệt là những hành vi khó phát hiện vì không để lại dấu vết trên cơ thể trẻ.

Để tránh tai họa cho con, các bậc cha mẹ cần dạy cho trẻ (cả bé trai và bé gái) cách nhận diện những kẻ xâm hại và thoát khỏi chúng, phải nhớ những số điện thoại của bố mẹ và những người thân khác trong gia đình cùng các số điện thoại khẩn cấp như 113, 115… Cha mẹ cần nói với trẻ ai có thể là “yêu râu xanh”, chỉ ra cho trẻ những điểm kín đáo trên cơ thể trẻ mà không ai được phép đụng chạm vào đồng thời khuyến khích trẻ kể lại những hành vi hơi khác thường mà người lớn làm với chúng để kịp thời nhận ra các dấu hiệu nguy cơ cho con. Muốn vậy, cha mẹ cần phải thực sự gần gũi trẻ, lắng nghe, hỏi chuyện về cuộc sống của con hằng ngày, biết được trẻ hay chơi, tiếp xúc với người nào, tránh để trẻ ở nhà một mình, chơi một mình, kiểm soát được những website mà trẻ hay truy cập…

Để nhận biết trẻ bị xâm hại, cha mẹ, người thân cần lưu tâm đến sự thay đổi hành vi đột ngột ở trẻ như: sợ hãi, không cho người khác đến gần, kêu đau, bị đau, chảy máu ở thân thể đặc biệt là bộ phận sinh dục, cảnh giác khi đề cập đến vấn đề giới tính, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, chậm kinh, mang bầu… Cha mẹ cũng nên nhớ rằng, những kẻ xâm hại trẻ em cần phải bị tố cáo, được trừng trị đúng pháp luật, đừng vì điều gì e ngại mà giấu diếm sự việc, cuối cùng người thiệt thòi nhiều nhất, chịu tổn thương nhất vẫn là trẻ em.

Vì tương lai tươi sáng của trẻ em Việt Nam, gia đình và cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ có trẻ nhỏ, hãy chủ động giúp trẻ phòng, tránh bị xâm hại tình dục ngay từ hôm nay.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video