Bất bình đẳng giới - căn nguyên của tình trạng xâm hại tình dục và lây nhiễm HIV

26/05/2010
Bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết cộng với những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường văn hóa giáo dục là những tác nhân dẫn tới nguy cơ của xâm hại tình dục và lây nhiễm HIV

Trước hết, có thể thấy một căn nguyên được xem như xuất phát điểm của tình trạng XHTD (xâm hại tình dục) đối với VTN (vị thành niên), đó là trình độ hiểu biết của các thầy cô và học sinh tại các địa bàn khảo sát về vấn đề này còn nhiều điểm hạn chế. Rất nhiều những hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục không được nhận diện, hoặc do lầm tưởng với những cử chỉ biểu hiện tâm sinh lí thông thường của VTN. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ XHTD và ngược lại hầu như thầy cô và các em không hình dung được một cách rõ ràng. Điều này dẫn đến các em HS chủ quan, không biết cách phòng vệ, thầy cô cũng vô tình bỏ qua những mối quan tâm cần thiết. Các em cần sự hỗ trợ nhưng thầy cô lại không tìm được cách khai thác những bí mật trong các câu chuyện bị các em giấu kín.

 

Ngoài ra một số kết quả nghiên cứu còn cho thấy những áp lực được phát sinh từ những tư tưởng định kiến giới và việc đối xử không công bằng giữa nam và nữ đã khiến hầu hết các câu chuyện về XHTD bị giấu kín. Điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng XHTD không những không được can thiệp để chấm dứt mà còn có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết của học sinh về giới tính, sức khỏe sinh sản – tình dục và quyền trẻ em cũng là nguyên cớ tạo cơ hội thuận lợi cho những đối tượng xấu lợi dụng để xâm hại tình dục các em. Và một yếu tố căn bản không thể bỏ qua, đó là những tác động của môi trường gia đình, nhà trường, xã hội.

 

Tìm hiểu từ một số địa bàn nghiên cứu, ở mỗi nơi, môi trường sống, sinh hoạt và học tập của các em đều có những khó khăn riêng. Song sự thiếu an toàn được bộc lộ rõ trên các phương diện như: tính chất phức tạp của địa bàn cư trú, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, địa hình đi lại khó khăn (xa xôi, hẻo lánh)… Ngoài ra, lối sống của bộ phận thanh thiếu niên thất học, những ấn phẩm văn hóa đồi trụy được phát tán bừa bãi, các tụ điểm vui chơi giải trí thiếu lành mạnh thu hút các em như các quán giải khát kiêm dịch vụ internet, karaoke, chiếu phim… cũng là những nơi, những con đường dẫn dụ các em tới các nguy cơ hoặc trở thành nạn nhân, hoặc trở thành thủ phạm của XHTD.

 

Đồng hành với những yếu tố trên đây, môi trường gia đình và nhà trường tưởng chừng là những nơi an toàn nhất, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường đối với vấn đề XHTD và lây nhiễm HIV ở tuổi VTN. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lối sống thiếu lành mạnh của cha mẹ, sự quan tâm chăm sóc, giáo dục chưa đầy đủ của người thân và thầy cô, những rào cản tâm lí từ nhiều phía… khiến những câu chuyện đau lòng xảy ra với các em chưa được hỗ trợ chấm dứt.

 

Xâm hại tình dục trẻ vị thành niên gây ra những hậu quả nặng nề

 

Hành vi XHTD đối với VTN trước hết được xác định gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần cho người bị hại. Về mặt thể chất, tình trạng đa chấn thương cơ thể do thủ phạm dùng sức lực để khống chế, cưỡng bức khiến các em không chỉ đau đớn thực thể mà trầm trọng hơn cả là hậu quả tổn thương cơ quan sinh dục, kéo theo nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường tình dục, HIV/AIDS, mang thai ngoài ý muốn… Thậm chí có những trường hợp gây nguy hiểm tính mạng.

 

Về tinh thần, các em bị XHTD một vài lần có thể chỉ cảm thấy khó chịu, sợ hãi hoặc xấu hổ, mặc cảm trước bạn bè, thầy cô. Nhưng nếu mức độ bị quấy rối, lạm dụng tình dục tăng lên, tái diễn nhiều lần, các em sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần theo nhiều thể dạng khác nhau, nhất là những em bị cưỡng ép tình dục hoặc hiếp dâm. Thực tế còn cho thấy một số em sau khi bị ép quan sát những tranh ảnh khiêu dâm, những thước phim đồi trụy hoặc thực hiện những đụng chạm thân xác theo kiểu mới lạ… Những ám ảnh vê tình dục không được giải tỏa dẫn đến một số rối nhiễu tâm sinh lí, và không ít em trong số này đã đành chấp nhận những hành vi cân bằng sinh lí như thủ dâm, quan hệ tình dục đồng giới hoặc dùng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá… Một số khác sa vào tệ nạn xã hội và cũng không loại trừ khả năng một số học sinh Phổ thông trung học (PTTH) bị hại (thường là học sinh nam), sau đó chính em lại trở thành thủ phạm XHTD. Cơ hội phát triển cuộc sống của các ẹm bị hạn chế một cách rõ rệt.

 

Ngoài những hậu quả trực tiếp gây ra cho người bị hại, XHTD còn có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực khác đối với đời sống văn hóa xã hội như gây dư luận xấu cho môi trường giáo dục, gây tâm lí hoang mang bất ổn trong nhân dân, làm mất lòng tin của các bậc phụ huynh, đặt các thầy cô trong tình trạng mất tâm thế giảng dạy vì phải lo lắng, bức xúc về sự mất an toàn của học sinh… Đặc biệt đối với thủ phạm, nếu không bị phát giác hoặc phát giác nhưng không có chế tài xử phạt nghiêm khắc, những đối tượng này sẽ ngày càng gia tăng mức độ phạm tội. Về cơ chế những hành vi XHTD cũng được hình thành và lây lan theo qui luật của tâm lí và bệnh lí, cho nên sẽ tốt hơn nhiều nếu toàn thể cộng đồng hướng tới tìm những biện pháp đề phòng, ngăn chặn hữu hiệu thay cho việc giải quyết, khắc phục hiệu quả hiện nay.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy một thực trạng khá phổ biến về nạn XHTD và nguy cơ lây nhiễm HIV đối với học sinh PTTH ở Việt Nam. Liên quan tới thực trạng này là sự thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc triển khai trong việc thực thi luật pháp. Hệ thống văn bản pháp luật chưa có những hướng dẫn cụ thể gây những khó khăn, vướng mắc cho việc xử lí hành vi vi phạm… Ngoài ra trình độ nhận thức của cán bộ và người dân địa phương nói chung, vốn hiểu biết của các em học sinh, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo… còn ít nhiều hạn chế cũng là lí do căn bản khiến việc phòng chống XHTD, HIV chưa được đẩy mạnh.

Thông tin về Bạo lực giới của CSAGA

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video