Bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình

15/06/2010
4 nhóm nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình gồm: Do say rượu, Do mâu thuẫn trong làm ăn, trong sinh hoạt đời sống, Do khó khăn về kinh tế, Do nghi ngờ vợ hoặc chồng có quan hệ ngoại tình

Bạo lực gia đình, đã có từ rất lâu trong đời sống gia đình, nhưng hiện nay đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối khiến dư luận phải đặc biệt quan tâm. Bạo lực gia đình làm xói mòn các gía trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, đồng thời tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương, thậm chí ở một quốc gia. Để ngăn chặn, phòng chống bạo lực gia đình, nhiều nhà khoa học và quản lý đã có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình thông qua việc điều tra, khảo sát về tình hình gia đình trong toàn quốc năm 2006. (tỉnh Bắc Giang điều tra năm 2008) Tổng hợp lại có 4 nhóm nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình gồm: Do say rượu, Do mâu thuẫn trong làm ăn, trong sinh hoạt đời sống, Do khó khăn về kinh tế, Do nghi ngờ vợ hoặc chồng có quan hệ ngoại tình.
Tuy nhiên, các báo cáo nghiên cứu đều khẳng định nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là: nhận thức về vấn đề bình đẳng giới rất hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình. Quan niệm về bất bình đẳng giới đã có từ rất lâu trong xã hội, chủ yếu là sự phân biệt của nam giới đối với phụ nữ, đẩy chị em vào vị trí yếu thế, phụ thuộc vào nam giới trong tất cả các hoạt động: kinh tế, văn hoá, giáo dục, chính trị và cả trong gia đình. Vì vậy nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là phụ nữ, trẻ em (chiếm khoảng trên 75%). Năm 2008 điều tra về tình hình bạo lực gia đình trong toàn tỉnh Bắc Giang có 1.478 vụ (thể hiện trên 9 dạng bạo lực) đã có 1.219 vụ chiếm 82% số vụ do người chồng gây ra đối với vợ con. Trong đó có những vụ gây bất bình dư luận xã hội về việc thể hiện bạo lực như: vụ chồng nhốt vợ vào cũi nuôi chó ở Song Khê - Yên Dũng, đuổi vợ ra khỏi nhà vào đêm giáp Tết Nguyên đán ở Hương Vĩ-Yên Thế, nhốt vợ dùng điếu cày đập vào đầu dẫn đến tử vong ở Mi Điền-Việt Yên, bắt vợ phải quan hệ tình dục theo sở thích điên dại ở Quý Sơn-Lục Ngạn… và nhiều vụ việc khác liên quan đến bất bình đẳng khong cho vợ tham gia các hoạt động xã hội, chính trị tại địa phương. Từ những vụ việc trên có thể khái quát về một số định kiến giớithường gặp hiện nay như sau:

- Phụ nữ phải phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, nam giới là độc lập, mạnh mẽ có năng lực và là người ra quyết định.

- Chồng có quyền dạy vợ, vợ phải nghe theo chồng.

- Nam là trụ cột trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn quan trọng trong gia đình, nữ có trách nhiệm nuôi dạy con cái, nội trợ trong nhà.

- Nam giỏi việc xã hội, nữ phải giỏi việc nhà.
Định kiến như trên, đã gây nhiều tác động tiêu cực đến cơ hội, khả năng phát triển của chị em phụ nữ trong công việc xã hội và nhất là trong đời sống gia đình. Ở những gia đình có sự phân biệt, coi trong nam giới hơn nữ giới thì gia đình đó dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc về mọi mặt cho các trẻ em trai, nhiều hơn cho trẻ em gái. Do đó khi trưởng thành, các em trai thường có điều kiện tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội tốt hơn các em gái, mặc dù năng lực của các em gái không thua kém các em trai. Những suy nghĩ, cách hành xử, sự dạydỗ có liên quan đến phân biệt, định kiến giới của ông, bà, cha, mẹ, anh, chị chính là những yếu tố ảnh hưởng lớn tới việc hình thành quan niệm về giới của mỗi thành viên trong gia đình. Do đó, nếu trong gia đình có những định kiến giới thì những định kiến này sẽ được lặp lại ở các thế hệ tiếp theo. Chính vì vậy, để đảm bảo sự bình đẳng giới trong xã hội, rất cần thực hiện tốt việc bình đẳng giới ngay trong mỗi gia đình. Và muốn xoá bỏ,hạn chế bạo lực gia đình thì phải loại trừ những nguyên nhân gốc rễ gây ra nó - đó chính là quan niệm về bất bình đẳng giới trong gia đình và trong xã hội hiện nay.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Năm 2006, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI đã chính thức thông qua Luật Bình đẳng giới, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, tiếp đến ngày 21/11/2007, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Đây là hai bộ Luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ ta, cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người, đề cao vai trò của gia đình đối với xã hội, khẳng định gia đình là nềntảng của xã hội phát triển bền vững…

Ở Bắc Giang, thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp phối hợp với các cấp, các ngành bước đầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai 02 bộ Luật trên vào cuộc sống. Đến nay trong tất cả 10 huyện, thành phố đã thành lập được các Câu lạc bộ Gia đình từ cơ sở, thường xuyên học tập, tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tạo nên tiếng nói chung mạnh mẽ trong dư luận nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu:xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc./.

Theo vanhoabacgiang.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video