Bất hạnh của phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc

15/08/2007
Từ năm 1998 cho đến nay, xu hướng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tăng nhanh mà tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong năm 2006, cả 13 tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 5.800 trường hợp phụ nữ đăng ký kết hôn với người nước ngoài mà chủ yếu là kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc.

Trong xu thế hội nhập, việc kết hôn với người nước ngoài là quyền nhân thân của mỗi người trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ , hạnh phúc; hiện được pháp luật Việt Nam công nhận. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài mà chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc tăng nhanh và ngày càng trở nên phức tạp. Thực tế cho thấy những người phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc này thường có tuổi đời từ 18 đến 25 tuổi, phần lớn là phụ nữ nông thôn hoặc dân nghèo thành thị và đa phần muốn đổi đời nhanh chóng. Không ít cha mẹ gả con hoặc chính chị em quyết định kết hôn trong điều kiện khó khăn, muốn có ngay khoản tiền phụ giúp gia đình.

Một thực tế đau lòng đã gây nhiều bức xúc cho xã hội là gần đây, các cơ quan chức năng đã bắt được hàng loạt các vụ môi giới lấy chồng ngoại. Chị Nguyễn Thị Thúy Nương, trú quán tại phường An Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết: “Em lên Sài Gòn và có xe ô tô chở thẳng tới khách sạn. Trong khách sạn có tất cả 100 cô gái. Đêm hôm đó, có 21 người đàn ông Hàn Quốc qua tìm vợ. Họ bảo chúng em đứng thành hàng. Thi tuyển mỗi lần 10 cô, và em được chọn...”

Theo các cơ quan chức năng, hầu hết các quan hệ hôn nhân giữa phụ nữ ở ĐBSCL với người Đài Loan, Hàn Quốc được xác lập thông qua môi giới của một số cá nhân, tổ chức. Vì vậy, đa số cô dâu không có điều kiện tìm hiểu về người chồng tương lai và chưa được trang bị kiến thức cần thiết để xây dựng cuộc sống hòa hợp, hạnh phúc. Ngoài ra, những hiểu biết của các chị về Luật hôn nhân với người nước ngoài lại càng hạn chế. Từ những nguyên nhân đó dễ dẫn đến tình trạng chỉ sau thời gian ngắn sau khi về làm dâu ở Đài Loan, Hàn Quốc, chị em đã bị chồng hoặc gia đình chồng ngược đãi.

Trở về Việt Nam đã được 18 tháng nhưng chị Thúy Nương vẫn chưa vơi nỗi buồn vì bị chồng ngược đãi. Ngay từ ngày đầu về nhà chồng, người phụ nữ này đã phải lao động cực nhọc và thường xuyên bị chồng đánh đập. Không chịu nổi cảnh ngược đãi, chỉ 20 ngày sau khi về Hàn Quốc, chị Thúy Nương đã bỏ trốn.

Theo thống kê của Viện khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, có từ 3% đến 8% phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc xin ly hôn trở về nước. Và trên thực tế, không ít chị vội vã trở về Việt Nam mà không kịp ly hôn với chồng vì nhiều lý do khác nhau.

Ngày nay, khi Pháp luật Việt Nam không cấm đoán quan hệ hôn nhân với người nước ngoài thì người phụ nữ phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống hôn nhân của mình, dù là kết hôn với người thuộc quốc gia nào. Để có được nền tảng hôn nhân vững chắc, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc thì cả hai vợ chồng phải hiểu nhau và thông cảm cho nhau. Do vậy, chị em cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định kết hôn với những ông chồng Đài Loan, Hàn Quốc.

Một vấn đề cũng đặt ra là làm sao chị em lấy chồng nước ngoài có thể có được những thông tin tương đối đầy đủ về người chồng tương lai của mình ở xứ người? Ai và cơ quan nào lo việc này để bảo vệ quyền lợi cho chị em phụ nữ khi kết hôn với người nước ngoài? Cơ chế nào có tính pháp lý để rằng buộc phía nhà chồng phải đảm bảo lợi ích cho người vợ…cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và quyết định.

 

Mai Lan
Theo Website ĐCSVN.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video