Bé mới đến trường…

02/12/2010
Ngày đầu các bé đến trường, các bé không thể tránh khỏi những lo lắng, nhiều bé đã khóc và tỏ ra sợ hãi và có bé thì hơi tò mò một chút. Ở trường các bé sẽ có những thay đổi nhất định trong sinh hoạt nó khác hoàn toàn so với ở nhà, điều này cũng gây những lo lắng, vất vả không nhỏ với các bậc phụ huynh.

Khởi đầu khó khăn

Không ít các bé những ngày đầu đến trường có thể bị ho, sốt…nhất là sụt cân.Có những bậc cha mẹ lại chọn phương pháp dọa nạt, hoặc là hù họa …và có thể biện pháp “an toàn hơn”là cho bé nghỉ học.

Các bậc cha mẹ luôn nhớ rằng; có trẻ thích ứng với môi trường mới rất nhanh, nhưng có trẻ thì cả tháng hoặc cả một học kỳ mới quen được. Nếu chuẩn bị không kỹ tâm lý, trẻ sẽ bị sốc, dị ứng với việc đi học.

Thông thường, trẻ sẽ tăng cân chậm hơn những năm trước do trẻ ăn được thức ăn cứng của người lớn. Tuy nhiên, trẻ lại ăn rất ít, hoạt động nhiều hơn thế nên năng lượng tích lũy cũng vì thế mà ít đi. Bên cạnh những rối loạn về dinh dưỡng, trẻ mới đi học cũng có những biểu hiện rối loạn tâm sinh lý. Con bạn có thể kêu đau bụng, chán ăn, sút cân, dễ nhiễm bệnh, khóc nhiều, không chịu vào lớp hoặc trở nên nhút nhát lạ thường. Sợ xa mẹ cũng thể hiện qua những triệu chứng như rối loạn giấc ngủ: ngủ mơ, nói sảng, thậm chí rối loạn tiểu tiện (như đái dầm, nín tiểu)...

Làm sao để vượt qua

Phần lớn trẻ ở lứa tuổi mầm non đều có sự miễn cưỡng khi phải xa người thân để đến một môi trường mới lạ. Lần đầu tiên bé đi học không phải là chuyện đơn giản đi từ nhà đến trường. Nếu phụ huynh không có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, trẻ rất dễ bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này.

Mỗi buổi sáng đưa trẻ đi học, nên dành ít thời gian trao đổi với cô giáo vê tình hình ăn học của bé, nhưng tránh trò chuyện quá lâu, sẽ không hay. Trẻ con cần hiểu trường học là nơi không hề có bóng dáng của cha mẹ. Thời gian đầu đi nhà trẻ, bạn không nên đón trẻ muộn hơn các trẻ khác vì sẽ tạo cho trẻ tâm lý bị cha mẹ bỏ rơi, hắt hủi.

Một điều cần lưu ý là phụ huynh nên dành thời gian để đưa đón con đi học trong những ngày đầu, đừng để người thiếu hiểu biết hoặc người mà bé không tin cậy đưa đi. Thời gian ở lại trường cứ tăng dần chứ không đột ngột để bé ở lại trường từ sáng đến chiều ngay trong ngày đi học đầu tiên.

Trước khi cho bé đi học vài tháng, phụ huynh cần nói chuyện nhiều lần với bé, “vẽ” ra một bức tranh thú vị về ngôi trường mà bé sẽ đến học.

Trong quá trình nói chuyện hãy giải thích cho bé hiểu khi con đi học thì cha mẹ, ông bà làm gì; rằng con chỉ ở trường ban ngày thôi, buổi chiều bố mẹ lại đón về nhà. Ngoài ra, người chăm sóc bé (có thể là ông bà, bố mẹ...) nên cho trẻ đến thăm và ở lại chơi trong khuôn viên trường để bé làm quen với không khí của trường mầm non.

Khi chuẩn bị quần áo, vật dụng cho bé đi học, phụ huynh hãy thực hiện trước mặt bé, thông báo cho bé biết: “Mẹ chuẩn bị cho con đi học đấy”. Những lúc đưa bé đến trường, phụ huynh hãy trò chuyện vui vẻ, thân mật với cô giáo trước mắt bé. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng: về mặt tâm lý khi trẻ thấy ông bà hoặc bố mẹ mình (những người yêu thương, gần gũi với bé) tỏ ra thân thiết với giáo viên thì trẻ sẽ có cảm giác cô giáo cũng yêu thương, gần gũi với mình.

Phải xa cha mẹ là điều khiến bé lo lắng nhất. Vậy bạn hãy cùng con làm quen với trường học, bạn bè, tạo cho bé sự thích thú về môi trường mới như cùng con đến tham quan trường, kể cho con nghe những điều hấp dẫn như: con sẽ có bạn để chơi trò bác sĩ, có cô giáo dạy con múa hát…

Một mẹo nhỏ nữa là bạn cùng con đếm ngược thời gian để tạo hứng thú cho ngày đầu đến trường. Trong 1-2 tuần lễ đầu, hãy cùng vào lớp với con khoảng 30 phút. Nếu con bạn quá nhút nhát, nên gửi bé nửa buổi trong thời gian đầu để bé quen dần với việc không có người thân bên cạnh.

Nên dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ: Những thói quen trao đổi, kể lại chuyện trường lớp sẽ góp phần giúp trẻ hình thành và phát triển cả phương diện tích cách lẫn ngôn ngữ sau này.

Thường xuyên trao đổi với cô giáo để biết thêm về tình hình của con mình nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để bé yêu thích đến trường.

Minh Thu (tổng hợp)
giadinh.net, lamchame.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video