Bến Tre: Mô hình tài chính vi mô song hành cùng người nghèo

27/10/2011
Khai thác các nguồn vốn trong nước và quốc tế để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống được xem là hướng đi tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bến Tre.

Hội hiện đang quản lý 5 dự án tín dụng - tiết kiệm qui mô nhỏ, với số vốn gần 11 tỷ đồng, thực hiện ở các huyện: Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách, Bình Đại. Đó là các dự án của Tổ chức Terre des hommes Scheweiz Thụy Sĩ, Terre des hommes Scheweiz Đức, Ủy ban Y tế Hà Lan, Tập đoàn Unilever - VN và một số tổ chức khác. Trong đó, nguồn đầu tư của Terre des hommes Scheweiz Thụy Sĩ và Tập đoàn Unilever - VN được chọn thực hiện theo mô hình tài chính vi mô. Theo mô hình này, tuy số tiền của mỗi hộ vay không lớn, nhưng đáp ứng được yêu cầu vốn của từng hộ gia đình, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ từ 34,29% năm 2007 xuống còn 10,13% năm 2010.

Bà Nguyễn Thị Thu Ba - cán bộ quản lý Chương trình tài chính vi mô của Hội LHPN tỉnh cho biết, phương thức giải ngân nguồn vốn này được thực hiện theo nhóm nhỏ, vốn vay từ thấp đến cao và được chia đều vốn, lãi để trả hàng tháng. Thời hạn vay 1 năm hoặc 2 năm và không giới hạn chu kỳ vay của phụ nữ nghèo, với mức vốn vay được nâng lên theo từng chu kỳ.

Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Thị Hòa (xã An Ngãi Tây, Ba Tri) khi khởi nghiệp chỉ với 2,4 triệu đồng, vay từ nguồn vốn ủy thác của Hội Phụ nữ. Với số tiền này, chị mua bồ câu về nuôi. Hơn 1 năm nuôi bồ câu cũng là 2 lần chị vay vốn với số tiền vay từ 2,4 triệu đồng/năm lên 3 triệu đồng/năm. Hàng tháng, tích cóp từ thu nhập của mảnh vườn quanh nhà, chị trả vốn và lãi trong năm đầu là 220 ngàn đồng/tháng, năm thứ hai là 250 ngàn đồng/tháng. Nhờ vậy, với số tiền 3 triệu đồng chị đã sửa sang lại căn nhà khang trang hơn. Chị Nguyễn Thị Nhanh (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm) đã vay được 2 vòng vốn để nuôi heo. Hàng ngày, chị đi bán vé số và tích lũy một ít, vừa để mua thức ăn cho heo, vừa tiết kiệm để mỗi tháng có đủ 250 ngàn đồng trả vốn vay kể cả lãi. Bị cụt cả hai chân, phải đi lại bằng 2 cái ghế nhưng bất kỳ cuộc họp nhóm hay lớp tập huấn nào, chị Nhanh cũng có mặt. Ở xã Lương Hòa (Giồng Trôm) có chị Trần Thị D. làm nghề bán vé số. Trước đây, mọi người rất ngại kết nạp chị vào nhóm vay vốn chỉ vì chị hay mua thiếu hoặc mượn tiền nhưng chậm trả. Thế nhưng, khi được chị Trương Thị Bé - cụm trưởng cụm 3, ấp 1 đứng ra bảo lãnh, chị D. được kết nạp vào nhóm và được vay vốn. Chị D. không chỉ làm ăn có hiệu quả mà còn hết sức giữ chữ tín. Chưa tháng nào chị D. trả vốn và lãi chậm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Ba, cho đến thời điểm này, dù có trên 3.000 chị em vay vốn của chương trình tài chính vi mô và tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng, nhưng nợ xấu hầu như không đáng kể (0,0004%).

Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh đang hoàn tất những khâu cuối cùng để thành lập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển. Tôn chỉ của Quỹ là hướng tới bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính và phi tài chính chất lượng cao và bền vững cho tất cả những hộ nghèo, có thu nhập thấp, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã nghèo của tỉnh. Qua đó, nhằm giúp chị em có đủ năng lực để nắm bắt và tận dụng các cơ hội để phát triển các hoạt động sinh kế, tăng cường năng lực, bảo vệ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trước mắt, Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ có nguồn vốn ban đầu từ nguồn tài trợ của Tổ chức Terre des hommes Scheweiz Thụy Sĩ trên 3 tỷ đồng. Quỹ sẽ tiếp tục nhận vốn tài trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, mới đây, Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) đã đồng ý dành khoản vốn 400.000 USD cho Hội LHPN tỉnh nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội thoát nghèo bền vững.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video