Bến Tre: Tổ phụ nữ nghề mộc giúp nhau thoát nghèo

09/04/2013
Vẫn là những người phụ nữ, người bà, người mẹ, người chị, người vợ với những mái tóc dài được búi gọn theo kiểu truyền thống. Nhưng mỗi khi tiếng máy xình xịch được vang lên là họ xắn tay áo thoăn thoắt thực hiện những động tác xẻ cây, bào, đục, đánh bóng… một cách chuyên nghiệp không thua gì cánh đàn ông.

Có dịp đến ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành) hỏi về tổ làm nghề mộc trong xưởng chị Vân hầu như ai cũng biết. Khi chúng tôi đến nơi đã vào lúc giữa trưa nhưng không khí lao động ở đây vẫn rất sôi động. Hiện tại tổ có 5 người đều là nữ, một điều đặc biệt là cùng sát cánh với họ còn có những ông chồng thợ mộc rất chí thú làm ăn.

Tổ phụ nữ nghề mộc chỉ mới bắt đầu thành lập cách đây khoảng 6, 7 tháng - duy nhất trên địa bàn huyện Châu Thành. Theo lời chị Đặng Hồng Nga - Tổ phó, trước đây các chị tự làm nhỏ lẻ, manh mún, đời sống gia đình khá chật vật nên Hội Phụ nữ xã đã đến vận động các chị thành lập Tổ hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình với sự hỗ trợ của Dự án IFAD”.Công việc chính của Tổ là nhận gia công đóng bàn, ghế, tủ, giường… cho các hộ dân trong, ngoài xã và các cửa hàng bán đồ trang trí nội thất. Tất cả các chị em đều làm được hết các công việc như tính toán kích thước từng món sản phẩm, cưa cây, bào, đục, đánh vẹc-ni, lắp ráp sản phẩm... Việc đi tìm mua, vận chuyển cây, thì Tổ giao cho các anh chồng của các chị phụ giúp. Chị em thay phiên nhau thực hiện các công đoạn căng dây, đo kích cỡ, cưa xẻ, bào, đục…

Nói đến những vất vả trong nghề, chị Bùi Thị Tuyết Lan (sinh năm 1975) một thành viên của Tổ chia sẻ: “Công việc này làm cũng quen rồi nên tụi tui thấy cũng không nặng nhọc gì cho lắm, chỉ cần chịu khó một chút là làm được. Hiện tại, chỉ còn công đoạn cưa là chưa có máy còn tất cả các công đoạn khác, chị em đều làm bằng máy”. Theo lời chị Đặng Hồng Nga thì các chị em phụ nữ trong Tổ đều xuất thân từ nghề truyền thống của gia đình. Mặc dù trước đây khi mỗi gia đình tự làm riêng lẻ, thu nhập không cao nhưng ai nấy đều quyết tâm bám trụ với nghề, thậm chí có gia đình theo nghề đến ba, bốn đời nên từ người già đến trẻ nhỏ, phụ nữ, đàn ông đều biết cầm cưa, cầm đục một cách thành thạo. Gia đình chị Tạ Thị Thu Vân (sinh năm 1963) làm nghề mộc từ đời ông nội, đời cha chị. Riêng chị làm nghề mộc từ thời con gái cho đến bây giờ. Chồng chị là anh Lê Văn Phương cũng là thợ mộc rồi bây giờ đến lượt con trai chị là anh Lê Văn Bé Hiền và con dâu Trần Thị Ngọc Hạnh cũng theo nghề này. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Hiệp (sinh năm 1975) thì: “Lúc trước, tôi chỉ ở nhà lo cơm nước cho gia đình, nhưng rồi thấy chồng cầm đục, cầm cưa nên tôi cũng muốn thử, riết rồi học lóm theo nghề luôn”.

Nhắc đến khoảng thời gian trước kia chưa thành lập Tổ hợp tác, chị Đặng Hồng Nga bồi hồi kể lại, hồi đó làm ăn một mình vất vả lắm, vừa phải lo đồng vốn xoay sở vừa phải cạnh tranh tìm đầu ra, với lại làm ăn nhỏ lẻ thường dễ bị lỗ và sản phẩm thường bị thương lái ép giá. Từ ngày mấy chị em hợp tác với nhau thành lập Tổ thì đời sống mỗi người khấm khá hơn. Trung bình mỗi ngày các chị đóng và lắp ráp được từ 4 đến 5 cái giường, sau khi trừ hết tất cả các chi phí, lợi nhuận mỗi ngày thu về cho mỗi chị khoảng 1 trăm ngàn đồng. Đối với những hôm có đơn đặt hàng lớn, hàng làm với giá cao thì lợi nhuận sẽ được chia đều thêm cho mỗi người. Nhờ vậy mà trước đây có một vài chị thuộc hộ nghèo đến nay đã vươn lên cơ bản thoát nghèo, điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng Hiệp, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Thủy nhận xét: Tiên Tây Vàm nổi tiếng từ trước đến giờ sống bằng nghề thợ mộc nhưng hiện tại chỉ còn một vài hộ theo nghề. Vì thế Hội PN xã đã đề nghị đến Dự án IFAD của huyện hỗ trợ cho mỗi hộ vay và vận động thành lập Tổ hợp tác sản xuất. Đến nay Tổ hoạt động rất tốt, đời sống chị em phụ nữ ở đây đã được nâng lên. Sắp tới, Hội sẽ đề xuất với Dự án hỗ trợ thêm cho các chị mua máy cưa để giúp các chị có điều kiện sản xuất tốt hơn.

Theo Baodongkhoi.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video