Bệnh lao ở trẻ em

21/03/2007
Mặc dù có nhiều loại thuốc điều trị rất công hiệu, nhưng bệnh lao hiện vẫn đang là vấn nạn lớn và ngày càng nguy hiểm hơn khi nó có thêm bạn đồng hành HIV/AIDS. Ở trẻ em, bệnh lao chiếm tỷ lệ 10-15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hàng năm.

Quá trình từ lúc vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể cho đến khi phát triển thành bệnh lao phải trải qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn nhiễm lao: Đây là giai đoạn vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể nhưng vẫn tiềm ẩn, chưa phát triển thành bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm, thậm chí có nhiều trường hợp bị nhiễm lao nhưng không hề phát triển thành bệnh lao.

- Giai đoạn mắc bệnh lao: Trong giai đoạn này, vi khuẩn lao có thể gây nhiều thể bệnh khác nhau tuỳ theo vị trí phát triển như lao phổi, lao kê, lao màng não, lao hạch, lao cột sống… Trong đó, lao màng não, lao kê và lao cột sống rất hay gặp ở trẻ em. Những thể bệnh này thường rất nặng nên để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

 

Hướng điều trị

 

Để đảm bảo điều trị khỏi cho bệnh nhân lao và tránh tạo nên các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, cần tuân thủ chặt chẽ một số nguyên tắc sau: điều trị phối hợp nhiều loại thuốc chống lao trong phác đồ điều trị; thuốc phải dùng đúng liều, đều đặn; điều trị đủ thời gian theo hai giai đoạn (tấn công và duy trì) nhằm tiêu diệt hết vi khuẩn lao trong cơ thể; uống thuốc dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế. Đây cũng là nội dung của chiến lược DOTS trong điều trị bệnh lao của Chương trình chống lao quốc gia đang được thực hiện.

 

Cách phòng bệnh ra sao?

 

Bệnh lao là bệnh gây ra do lây nhiễm. Ở trẻ em, phần lớn là bị lây nhiễm từ những người thân trong gia đình. Khi người bị bệnh lao ho, vi khuẩn lao có trong đờm sẽ đi trực tiếp vào đường hô hấp của người đối diện và làm lây bệnh. Ngoài ra, nếu người mắc bệnh khạc nhổ bừa bãi, các vi khuẩn có trong đờm sẽ theo gió phát tán vào không khí làm lây cho người xung quanh.

 

Vì vậy, để đề phòng cho trẻ, nếu trong nhà có người bị bệnh lao cần phải cách ly trẻ với người bệnh. Người bị bệnh lao nên có ý thức để hạn chế sự lây lan của bệnh: không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Ngoài ra, nên cho trẻ sơ sinh tiêm vaccin phòng lao BCG theo lịch tiêm chủng quốc gia. Thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra sức khoẻ, nhất là khi thấy trẻ ho kéo dài trên hai tuần, sốt âm ỉ, sụt cân… để có thể pháthiện và điều trị bệnh sớm./.

Bác sĩ Nguyễn Chiến Thắng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video