Bệnh tiểu đường - cơn sóng thần của thế giới

25/11/2005
Bệnh tiểu đường có tính hủy diệt cao hơn dịch cúm gà và HIV/AIDS cộng lại ở châu Á. Nó đang âm ỉ hình thành một "cơn sóng thần"đe dọa toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới nhận định

Khi mà các quốc gia trên thế giới đang mải tập trung đối phó với dịch cúm gà và căn bệnh HIV/AIDS, bệnh tiểu đường "ung dung" phá hủy ngầm. "Nó thực sự đã lọt qua khỏi tầm kiểm soát", giáo sư Paul Zimmet, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh tiểu đường của WHO cho biết, "Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở châu Á hiện nay đã vượt xa châu Âu, nơi vốn được xem là ổ bệnh. Trong khi có khoảng 5% số người trưởng thành ở châu Âu mắc bệnh thì ở châu Á là 10-12% và ở những quốc gia đảo thuộc Thái Bình Dương là 30-40% ".

 

Zimmet vừa báo cáo tình trạng mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Bangkok, Thái Lan tuần này, trong đó nhấn mạnh số nạn nhân của bệnh tiểu đường nhiều gấp đôi so với những căn bệnh truyền nhiễm khác.

 

"Đây chính là cơn sóng thần toàn cầu, một tai họa sớm gây khủng hoảng y tế thế giới trong thế kỷ 21 và sẽ làm giảm tuổi thọ của người dân trong vòng 200 năm trở lại đây", Zimmet phát biểu.

 

Châu Á được đánh giá là tâm chấn của cuộc khủng hoảng vì quá trình "Cocacola hóa" diễn ra trong nền văn hóa, ở đó chế độ dinh dưỡng truyền thống từ lúa gạo đang dần bị thay thế bởi các món ăn Phương tây giàu chất béo và đường. Một trong những trào lưu đáng lo ngại nhất là sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở thanh thiếu niên. "Châu Á đang gia tăng bệnh tiểu đường type 2 - dạng tiểu đường của người trưởng thành - ở trẻ nhỏ. Nhiều em nhỏ đang bị béo phì do kém luyện tập trong nhà trường. Các em ngồi máy tính suốt ngày. Áp lực học hành đã đẩy các hoạt động thể chất ra khỏi chương trình học", Zimmet lý giải.

 

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường liên quan đến sự cố insulin - hoóc môn kích thích tế bào của cơ thể hấp thu nguồn năng lượng glucose trong máu. Bệnh có thể dẫn tới mù lòa, tổn thương thần kinh, bệnh tim và thận. Tiểu đường type 1 thường phát triển ở trẻ nhỏ, trong khi type 2 xảy ra người trưởng thành và được gọi là "căn bệnh lối sống" vì liên quan đến bệnh béo phì.

 

Zimmet cho biết chính phủ ở các quốc gia châu Á không xem bệnh tiểu đường là mối đe dọa nghiêm trọng, Ông cho rằng thái độ thờ ơ này một phần do WHO gây ra, vì bản thân WHO dành phần lớn nguồn lực cho các bệnh truyền nhiễm. "Người ta nghĩ 'nếu WHO không xem trọng nó thì tại sao ta lại phải quan tâm'. Thật sai lầm trong khi hàng trăm nghìn người đang chết dần bị bệnh tiểu đường, cụt chân vì tiểu đường, mù lòa vì tiểu đường, đau tim vì tiểu đường và đây là những cái giá đắt nhất đối với bất kỳ hệ thống y tế nào".

Mỹ Linh - theo AFP

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video