Bí ẩn duyên trời “cõi tiên” ở Mường Lựm

06/10/2011
Với hàng chục người già từng sống trên trăm tuổi và hiện đang còn hơn chục người nữa ở cái tuổi "bách niên giai lão", thung lũng Mường Lựm đã được coi như một cõi tiên trong đời sống thực ở huyện Yên Châu, Sơn La.

Tìm về cõi thực

Vượt hàng chục km đèo dốc cao ngất ngưởng, xuyên qua những đám sương mù dày đặc quẩn quanh sườn núi, chúng tôi tìm về thung lũng Mường Lựm-nơi được mệnh danh là cõi tiên của huyện Yên Châu với hàng chục người sống ở tuổi trên cả thượng thọ.

Theo anh Hà Văn Thật - Trạm trưởng Trạm Y tế xã thì thung lũng Mường Lựm khi xưa vốn chỉ là một bản lớn với hàng trăm hộ dân tộc Thái, sống quần cư theo kiểu đại gia đình. Khi ấy có những nhà ở tới mấy chục con người, 4-5 thế hệ cùng chung sống.

Bằng chứng là cho đến hôm nay nhiều ngôi nhà sàn cổ vẫn hiện diện với chiều dài 5-7 gian, rộng thênh thang, cột kèo lên rêu mốc vì ẩm ướt. Trong những ngôi nhà chật ních người ấy, cái đói, cái nghèo đeo đẳng bao đời.

"Ở đây là vùng lạnh nên việc sản xuất lương thực cũng rất khó khăn. Năng suất cây trồng thấp, lại phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên bữa đói, bữa no là chuyện thường tình. Bữa cơm hàng ngày trông chờ vào con cá, con cua dưới suối, cái rau, cái măng trên rừng. Ấy vậy mà lại có nhiều người sống tới trên 100 tuổi. Đặc biệt có cụ bà Hoàng Thị Oai thọ tới hơn 110 tuổi…" - anh Thật bảo.

Mường Lựm hôm nay không còn quần tụ thành một bản lớn thuần người Thái như xưa mà đã được nhân lên thành 12 bản từ phong trào san hộ - dãn bản những năm 80-90 vừa qua với gần 2.800 nhân khẩu và có cả đồng bào Mông, Kinh cùng sinh sống.

Ông Hà Đức Minh, hơn 70 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã cho biết: Nếu các nhà báo đến sớm hơn thì sẽ gặp nhiều cụ thọ đến lạ kỳ. Mường Lựm từng nổi tiếng với nhiều người sống rất thọ mà rất khoẻ mạnh nhưng hiện giờ chỉ còn gần chục cụ xấp xỉ ở tuổi 100 mà vẫn làm được nương, vườn, đan lát, khâu áo quần giúp con, cháu. Nếu tính các cụ trong diện hưởng chính sách người cao tuổi của Nhà nước (80 tuổi trở lên) thì cả xã hiện còn 56 cụ. Ai cũng mạnh khỏe, trí tuệ vẫn rất tốt.

Thọ thế mới là… thọ

Chúng tôi tìm tới nhà cụ bà Hà Thị Nhưa, 96 tuổi ở bản Mường Lựm. Cụ Nhưa đang mải mê với từng đường kim mũi chỉ trên tấm khăn piêu thêu dở. Những đường kim chắc, gọn xuyên qua lớp vải thổ cẩm dày với độ chính xác cao nhờ tay nghề và cặp mắt tinh tường không cần kính của cụ Nhưa, từng hoa văn với sắc màu rực rỡ được hình thành.

Cụ Nhưa bảo: "Những lúc rảnh rỗi bà vẫn thích được thêu thùa giúp con, cháu; nếu không làm thì thấy cái tay buồn, cái chân nhớ núi, nhớ ruộng lắm. Là phụ nữ Thái ở Mường Lựm này ai cũng biết thêu áo, thêu khăn, làm chăn, làm đệm từ khi còn bé. Đến khi đi lấy chồng, cô gái nào chăm chỉ, giỏi giang là có đến mấy chục cái khăn piêu, chăn, đệm… gánh về nhà chồng làm của hồi môn và quà cho các chị em bên chồng".

Cụ Nhưa cứ thủng thẳng thêu thùa và kể chuyện mà chẳng có mũi kim nào nhầm lẫn. Hỏi về chuyện sống thọ, cụ Nhưa cười: “Úi! Bà sống thế này chưa phải là thọ đâu. Ở đây còn nhiều người sống thọ, sống khoẻ hơn bà nhiều. Các cháu cứ sang bản Nà Láy, Ôn Ốc, Nà Hát là sẽ gặp thôi. Bà Hoàng Thị Hóm ở ngay gần đây năm nay cũng đủ 100 tuổi rồi đấy. Bà Hôm ở bản Nà Hát 95-96 tuổi vẫn đi vườn, đi nương được”.

Trong căn nhà ngói to, rộng thênh thang ở bản Nà Hát, cụ ông Hà Văn Sán đang chăm chút chuốt từng sợi nan tre, chuẩn bị nguyên liệu cho việc đan ếp (cái giỏ của người Thái). Thấy khách, cụ dừng tay, phân trần: "Tôi đã gần trăm tuổi rồi, chẳng còn khoẻ như vài chục năm trước nên cứ ở nhà, có ai đặt hàng làm cái gì thì nhận thôi. Đan cái ếp này chẳng được nhiều tiền nhưng cũng đỡ buồn mà lại thêm thu nhập".

Nhìn những bằng khen, giấy khen trên vách, mới hay vài chục năm trước ông Sán từng là nông dân giỏi cấp tỉnh trong việc khai hoang, thâm canh lúa nước, cải tạo vườn tạp. Hơn 70 tuổi, tôi vẫn vác cày, thúc trâu ra ruộng sớm hơn cả thanh niên. “Chẳng qua là trời thương nên để cho chúng tôi sống thêm ít tuổi để vừa hưởng lộc trời, vừa giúp gia đình" - cụ Sán bảo vậy.

Bí ẩn duyên trời

Trò chuyện, chứng kiến sự lao động, trí tuệ minh mẫn của những cụ ông, cụ bà ở Mường Lựm mới thấy sự sống thọ, sống khoẻ ở đây thật khó giải thích.

Còn gần chục cụ xấp xỉ ở tuổi 100 mà vẫn làm được nương, vườn, đan lát, khâu áo quần giúp con, cháu. Nếu tính các cụ trong diện hưởng chính sách người cao tuổi của Nhà nước (80 tuổi trở lên) thì cả xã hiện còn 56 cụ. Ai cũng mạnh khỏe, trí tuệ vẫn rất tốt.

Anh Hà Văn Thật - Trạm trưởng Trạm Y tế xã, lắc đầu: Tôi cũng không biết giải thích thế nào. Tôi ở đây đã hơn 40 năm, hơn 20 năm trong nghề nhưng nói thật rất ít khi thấy cụ già nào ở bản bị ốm. Hầu hết các cụ cao tuổi chỉ phải khám sức khoẻ, cấp mấy viên thuốc bổ, lọ dầu xoa phòng cảm vào những ngày lễ thôi… Hiếm khi có cụ già nào đến trạm này khám bệnh.

Ông Vừ Lao Lềnh, 67 tuổi vốn là thầy lang người Mông ở bản Ôn Ốc cũng gật gù khẳng định: Tôi làm nghề thuốc bao năm nay nhưng chỉ trừ ai chẳng may gãy tay, bong gân, còn lại cũng ít khi phải chữa trị bệnh cho người già trong xã. Đất Mường Lựm này chắc nhờ có khí hậu tốt, môi trường trong sạch, con người sống vô tư nên khắc thọ và khoẻ mạnh vậy thôi. Nếu giải thích được nguyên nhân sống thọ, sống khoẻ ở vùng này thì Mường Lựm chẳng là cõi tiên nữa.

Theo danviet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video