Bí kíp 'kết thân' với con tuổi teen

05/11/2011
Với con trẻ, đặc biệt là với tuổi teen, dạy cần đồng hành với... dỗ, quy tắc cần gắn với cả lý lẫn tình, và yêu thương không có nghĩa là ôm chặt trong vòng tay...

Đôi khi, để hiểu đứa con do chính mình sinh ra còn khó hơn cả đọc ngôn ngữ của… người ngoài hành tinh khác. Đó là bởi theo thời gian cha mẹ đã quên hết những cảm xúc của tuổi ấu thơ cũng như cách nhìn thế giới theo kiểu con trẻ để rồi cái gọi là “những mâu thuẫn thế hệ” cứ tha hồ sinh sôi.

Với nhiều người thì “vãn hồi hòa bình” với đứa con ruột còn khó hơn cả lên trời hái sao. Hành vi của nó thật khác người, ngôn từ của chúng thì ngược ngạo, và những lý lẽ mà chúng đưa ra mới…cùn làm sao! Mỗi lần như vậy, những người làm cha làm mẹ cảm thấy thật nặng nề. Nhưng lũ trẻ con còn khổ sở hơn! Và dù chúng không được quyền lựa chọn cha mẹ, nhưng trong lòng chúng có chấp nhận họ hay không lại là chuyện khác.

Thường thì những rắc rối hay diễn ra vào giai đoạn trẻ dậy thì, khi chúng đang có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, đang muốn nhìn mọi thứ dưới một góc độ  mới – góc độ của một người trưởng thành, bình đẳng với cha mẹ mình. Đến tuổi này, thậm chí một số trẻ còn cho rằng cha mẹ chẳng đáng để chúng phải kính trọng, yêu thương!

Tham khảo mấy ý kiến dưới đây của chuyên gia  tâm lý L.M Fridman, hy vọng bạn sẽ gây dựng được mối quan hệ tốt đẹp hơn với con mình.

1. Hãy chấp nhận con như tạo hóa đã sinh ra. Bạn đừng quên rằng mỗi đứa trẻ là một tổng thể vô cùng phức tạp bởi trong “bộ tuyển gien” của chúng pha trộn vô số đặc tính của hàng chục vị “cao tổ” chứ không chỉ của những người trực tiếp sinh ra chúng.Vì thế bạn có thể sinh ra cả những đứa trẻ xinh đẹp, khoẻ mạnh, thông minh lẫn những đứa trẻ hoàn toàn ngược lại. Và bạn cần chấp nhận mỗi đứa con với tình yêu thương mà không phụ thuộc vào cá tính hay vẻ ngoài của chúng. Chỉ có tình yêu vô điều kiện của cha mẹ mới tạo điều kiện cho đứa con này giữ gìn, phát huy được vẻ đẹp, sức mạnh, trí thông minh của mình cũng như giúp đứa con kia giảm bớt nhược điểm và bộc lộ ưu điểm.

2. Không áp đặt những chuyện vặt vãnh. Việc can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con trẻ cũng tai hại chẳng kém việc không can thiệp gì. Nếu cứ đòi trẻ phải một mực tuân lệnh mình từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, lâu dần bạn sẽ khiến con đâm ra u u mê mê -  chẳng phân biệt nổi đâu là chuyện nhỏ có thể du di và đâu là hành vi nghiêm trọng không được phép vi phạm.

3. Không đơn phương thông qua “nghị quyết”. Cha hoặc mẹ có thể  đưa ra đề nghị nhưng “nghị quyết” thì chỉ nên tuyên bố khi cả hai đã bàn bạc và nhất trí. Nói chung, trước con cái cha và mẹ cần bình đẳng với nhau. Còn con trẻ, dù mới chập chững vào lớp một cũng rất nên góp mặt trong các cuộc bàn thảo về công việc chung của gia đình. Còn khi lớn hơn, trẻ thậm chí có thể được phép bàn bạc và biểu quyết nữa.

4. Năng chuyện trò với con. Hãy chủ động gợi chuyện để con thường xuyên chia sẻ với mình mọi chuyện – từ chuyện trong nhà, ngoài phố, đến chuyện ở trường lớp… Cứ tranh luận với trẻ nhưng chớ áp đặt mà hãy tỏ ra tôn trọng ý kiến trẻ. Hãy vui vì trẻ đã có chính kiến độc lập, đã có tín niệm riêng ngay cả khi chính kiến ấy, tín niệm ấy trái chiều với mình.

5. Không cho phép thừa mứa. Bị cuốn hút bởi những món đồ bắt mắt, bị các quảng cáo trên tivi dụ khị, nhiều cô cậu quay sang vòi vĩnh cha mẹ đủ thứ. Nhiều cha mẹ hoặc do bản tính “xả láng”, hoặc vì muốn “lấy lòng” con nên đã sắm cho chúng nhiều thứ không cần thiết. Không biết từ chối con, để con muốn gì được nấy nghĩa là bạn vô tình dạy con thói quen ỉ lại, không biết quý trọng sức lao động của cha mẹ. Hãy giúp con cách phân biệt giữa sự cần thiết với không cần thiết để dạy con biết quý trọng đồng tiền của cha mẹ và ý thức được rằng muốn sở hữu một thứ gì cũng cần đánh đổi bằng sức lao động.

6. Luôn làm gương cho con. Một tấm gương bằng xương bằng thịt dễ thuyết phục con trẻ hơn bất cứ bài thuyết giảng hay ho nào và chỉ khi cha mẹ là những tấm gương tốt thì con cái mới có thể vâng lời noi theo. Thật khó mà cấm con trai hút thuốc nếu như ông bố cứ tỉnh bơ phì phèo. Cũng đừng mơ con gái ăn mặc gọn gàng nếu mẹ lúc nào cũng lôi thôi. Và nếu cha mẹ thường xuyên cãi vã thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu đứa con lỗ mãng với bạn bè, hỗn hào với thày cô.

7. Cùng chung lưng vì một “nền cộng hòa”. Hãy coi gia đình bạn là một nước cộng hoà còn những đứa trẻ là thành viên của nền cộng hòa đó. Mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi ấy là của chung và các thành viên cùng nhau chia sẻ chứ không phải chất hết lên đôi vai người mẹ. Mẹ chỉ nên là “tổng chỉ huy” để cắt đặt mọi việc thay vì làm nô bộc.

8. Dạy con thói quen nề nếp. Bạn cần tạo ra các quy tắc cơ bản cho nề nếp gia đình mình. Tuy nhiên, muốn con thực hiện tốt những quy tắc đó bạn phải giúp chúng thấy rõ điều đó là hợp lý. Chẳng hạn khi yêu cầu các con phải có mặt đúng giờ để ăn cùng cả nhà, bạn có thể nêu lý do: mẹ sẽ đỡ tốn công bày ra dọn vào nhiều lần. Hay khi yêu cầu con không được đổ thức ăn thừa đi thì hãy nhắc con rằng dù chỉ một mẩu thức ăn thì cũng phải bỏ tiền ra mới mua được và đồng tiền ấy chính là mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nếu trẻ hiểu rằng những đòi hỏi của bạn là chính đáng chứ không phải “thừa giấy vẽ voi” thì chúng sẽ tự giác thực hiện.

9. Mở rộng những cánh cửa. Cửa nhà bạn cần rộng mở đối với họ hàng đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng và bạn bè của con nữa. Khi đó con sẽ không có cảm giác mình bị “giam cầm” trong bốn bức tường mà ngược lại khá thênh thang với các mối quan hệ. Mở rộng cửa vừa thể hiện bạn tin tưởng con, lại vừa tạo cơ hội cho bạn hiểu các mối quan hệ của con hơn, từ đó kịp thời ngăn chặn con khỏi những hành vi thiếu cân nhắc. Tuy nhiên, cho con được thoải mái, tự do phải đồng hành với việc dạy con có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình (bạn bè nào có thể chào đón, bạn bè nào thì cần cảnh giác...).

Tóm lại, khi bạn và các con đã có quan hệ tin cậy, thân thiết thì chúng sẽ không giấu diếm bạn điều gì, bạn cũng chẳng cần lạm dụng các lệnh cấm mà chủ yếu chỉ dùng đến những lời khuyên bảo nhẹ nhàng. Những mâu thuẫn thế hệ vì thế sẽ giảm thiểu và bình yên sẽ ngự trị trong ngôi nhà của bạn.

Dạy con tuổi dậy thì là thử thách lớn nhất đối với các bậc cha mẹ. Vì đến độ tuổi 'ẩm ương' trẻ thường 'trái tính, trái nết' và ương bướng khiến những 'đấng sinh thành' không khỏi đau lòng. Dạy con tuổi dậy thì sao đây để nhẹ lòng mẹ, thỏa lòng con?

Theo www.eva.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video