Biến đổi khí hậu và tác động tiềm ẩn của nó lên sức khỏe: Cùng hành động!

12/04/2010
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định mạnh mẽ rằng, biến đổi khí hậu có những ảnh hưởng to lớn và đa dạng lên sức khỏe của con người. Việc tăng nhiệt độ, tăng mực nước biển và các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như lũ lụt gây ứ đọng và làm ô nhiễm nguồn nước tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường ruột hoành hành. Sự phát tán theo không gian và thời gian của các căn bệnh lây lan như sốt rét hay sốt xuất huyết đã được dự báo là tăng rất nhanh do có điều kiện nhiệt độ thuận lợi tạo nên những đại dịch các căn bệnh truyền nhiễm.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và những tác động đa dạng của nó ảnh hưởng không từ một nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên các nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương nhất có lẽ vẫn là bộ phận chịu tác động nhiều nhất. Các nước nghèo phải chịu những tác động năng nề do thiếu nguồn lực và các hệ thống y tế nghèo nàn. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng hằng năm có khoảng 150.000 người bị chết ở các nước có thu nhập thấp do những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, mà trước hết là mất mùa, suy dinh dưỡng, thiếu lương thực, thực phẩm, các bệnh đường ruột và sốt rét.1

Theo Văn phòng WHO, khu vực Đông – Nam Châu Álà ngôi nhà chung của 26% dân số thế giới và có đến 36% dân nghèo thế giới2,3. Do dân số đông, biến đổi khí hậu ở khu vực này có thể dẫn đến hậu quả là một thảm họa được báo trước do các căn bệnh truyền nhiễm vốn có sẽ bùng phát.

Trong số 14 triệu ca tử vong hằng năm tại Đông Nam Á, có đến 40 % là do các bệnh lây nhiễm. Nhiệt độ trung bình của khí quyển tăng có thể kéo dài thời gian cao điểm bùng phát các căn bệnh4 lây lan, và nhất là những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt bao gồm lốc xoáy và ngập lụt tạo nên những điều kiện lý tưởng cho việc phát tán các vi khuẩn mang bệnh và các bệnh về đường ruột như bệnh tả. Ở phần lớn các vùng trong khu vực này, sốt xuất huyết đang lây lan không chỉ về mặt không gian địa lý mà đã bùng phát thành đại dịch. Hiện tượng này xảy ra từ năm 2002 ở các nước miền núi như Butan và Nepan.

Theo Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khi hậu, các khu vực thuộc Châu Á sẽ gánh chịu những tác hại nghiêm trọng và đa dạng do biến đổi khi hậu mang lại bởi vì đa số các nền kinh tế ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Số dân dễ bị tổn thương nhất thường sống ở các vùng đảo nhỏ, các vùng đất cằn đá sỏi hay vùng núi non hiểm trở, vùng duyên hải với mật độ dân số đông đúc như các trung tâm đô thị trong lưu vực các con sông, là những vùng bị ảnh hưởng nhiếu nhất của sự biến đổi khí hậu, điều đãxảy ra ở bang Bihar Ấn độ khi nạn lũ lụt xảy ra trong năm 2009. Ngân hàng phát triển Châu Á dự báo rằng vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ cao hơn hiện nay khoảng 40 cm và sẽ đe dọa cuộc sống của đại bộ phận dân cư sông ven biển. Ở các quốc gia như Thái lan , Indonesia, việc thiếu những hành động cụ thể nhằm chống lại các tác động của biến đổi khí hậu có thể gây thâm hụt 6,7% GDP của họ vào năm 2100. so với mức 2,6 % GDP tổn tất bình quân của thế giới trong cùng thời điểm.7

Đại đa số các quốc gia trong khu vực này chưa có các kế hoạch đầy đủ để kiểm soát, kiểm tra và sẵn sàng ứng phó với các bệnh tật và các vi khuẩn gây bệnh. Hơn thế nữa, họ còn nhiều hạn chế trong nghiên cứu khoa học, chưa có các cơ sở pháp lý đầy đủ về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thiếu nguồn nhân lực và tài chính và thiếu cơ sở hạ tầng ở các cấp cho ngành y tế, tất cả các yếu tố trên tạo nên những rào cản để các nước trong khu vực có thể chuẩn bị một cách hiệu quả chống lại những tác hại của biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực cho khu vực này để bảo vệ sức khỏe con người trước biến đổi khí hậu là một việc làm quan trọng.

Tính chất nghiêm trọng của vấn đề bắt buộc phải nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách đồng thời cần khẩn trương lập kế hoạch và cung cấp tài chính bền vững và mang tầm chiến lược cho lĩnh vực này. Để có câu trả lời chắc chắn và có hiệu quả đòi hỏi phải có sự đánh giá đầy đủ các nguy cơ về sức khỏe, cần có các hành động chung, đầu tư tài chính và có sự hợp tác đa ngành. Cơ sở luận chứng cần được củng cố để tạo ra các thay đổi về chính sách, tạo ra các hành động đa ngành trong các lĩnh vực Y tế, năng lượng, môi trường, giáo dục và kinh tế. Ngành Y tế cần giữ một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ thay đổi khí hậu và thích nghi với những tác hại của biến đổi khí hậu. Việc đào tạo nhân lực cũng cần đẩy mạnh và các biện pháp để giảm hiệu ứng nhà kính phải được thực hiện vì việc làm này là có lợi cho sức khỏe con người. Cần cónỗ lực cụ thể để phát huy quan hệ đối tác của các cơ quan ban nghành, các mạng lưới cấp trung ương và địa phương vì sẽ cần phân bổ nguồn tài chính ngày càng nhiều cho các chương trình chăm sóc sức khỏe để xây dựng các kế hoạch đồng bộ khả thi chống lại những tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người.

Nếu tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vựcĐông Nam Châu Á cùng có những nỗ lực tổng hợp để chống lại những tác hại của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe những, thì những luận cứ khoa học đã rút ra, những kinh nghiệm hay và bài học thành công trong lĩnh vực này sẽ là những đóng góp có giá trị cho nền Y tế toàn cầu. Nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên các bệnh truyền nhiễm qua vi rút và qua nguồn nước đang được thực hiện ở Ấn độ và Nepan và sẽ mở rộng ra các nước khác trong khu vực. Những thông tin có được từ những nghiên cứu như vậy sẽ định hướng cho việc xây dựng các kế hoạch hành động liên chính phủ, liên khu vực, đề ra những biện pháp can thiệp rất cụ thể đối với công tác y tế cộng đồng. WHO cam kết cùng làm việc với các quốc gia thành viên trong khu vực Đông – Nam châu Á để tập hợp, đúc kết thành một cơ sở luận cứ khoa học cho cả khu vực và để làm cơ sở thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và cấp khu vực.

Lương Thành
Bản tin của Tổ chức Y tế thế giới số 3/năm 2010

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video