Biến ánh nắng thành nhiên liệu sạch

30/12/2008
Bắt chước quá trình quang hợp của thực vật, các nhà khoa học đang tìm cách biến đổi ánh sáng Mặt trời thành nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.

Chuyên gia hóa học Catherine Murphy, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Nam Carolina (Mỹ), cho biết họ đang thử mô phỏng phương pháp quang hợp của cây xanh bằng cách hấp thu ánh nắng ở nhiệt độ phòng (20-250C) và biến đổi nó thành nhiên liệu hóa học. Nếu thành công, hệ thống có tên “quang hợp nhân tạo” này có thể giúp thế giới giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài Đại học Nam Carolina, các nhà khoa học Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Australia cũng đang thử nghiệm kỹ thuật quang hợp nhân tạo. Giáo sư hóa lý Tom Malouk ở Đại học bang Pennsylvania dùng các chùm phân tử cực nhỏ (kích thước khoảng 2 nanomet) để hấp thu ánh nắng rồi sử dụng năng lượng của chúng để tách nước thành hai nguyên tố cơ bản là ôxy và hyđrô – sản phẩm được cất trữ và dùng làm nhiên liệu sau này. Còn Song Jin ở Đại học Wisconsin đang thử nghiệm với hệ thống dây nano thay cho các chùm phân tử nano để biến đổi ánh sáng Mặt trời thành hóa năng. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Đại học Monash (Australia) và Đại học Princeton (Mỹ) lại sử dụng chùm phân tử chứa các nguyên tử mangan, hóa chất được dùng trong quá trình quang hợp của cây xanh, để tách phân tử nước thành ôxy và hyđrô. Hai thành phần này sau đó có thể được kết hợp thành pin nhiên liệu, cung cấp nguồn điện mà không thải CO2.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Malouk cho rằng hệ thống quang hợp nhân tạo phải mất ít nhất 10 năm nữa mới có thể áp dụng vào thực tiễn, vì các nhà khoa học cần thêm thời gian để hoàn thiện các vấn đề về kỹ thuật.

Theo www.xaluan.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video