Biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng

10/05/2006
Trong xu thế hội nhập quốc tế, buôn bán phụ nữ, trẻ em không còn nằm trong phạm vi một quốc gia, mà đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Với chức năng , nhiệm vụ của mình, Đoàn chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều biện pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, coi công tác truyền thông giáo dục cộng đồng phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (PCBBPNTE) là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Hội. Ngày 29/12/2004, Ban chấp hành TW Hội đã ra Nghị quyết 07/NQ-BCHTW - Nghị quyết chuyên đề về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.Sau hơn một năm thực hiện, công tác tuyên truyền, giáo dụcPCBBPNTE đã đạt được kết quả bước đầu.

 

Kết quả đạt được

 

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, T.W Hội tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các chương trình: Người xây tổ ấm, phụ nữ và cuộc sống, quảng cáo và các phóng sự về PCBBPNTE. Các cấp Hội đã xây dựng và đưa hàng trăm tin bài, hàng chục phóng sự trên hệ thống phát thanh, truyền hình của TW và địa phương, các trang báo của Hội; phát hành 15.000 bản tin giới thiệu CLB Đồng cảm, 20.000 bản tin về phòng chống tội phạm; xây dựng băng đĩa VCD, băng tiếng về các hoạt động chỉ đạo của Chính phủ, việc tổ chức thực hiện của các xã, phường, thị trấn gửi tới các Tổ chức quốc tế, các Hội thảo trong khu vực, đặc biệt là Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Myanma, và gửi cho đại sứ quán Mỹ và các đoàn ngoại giao đến làm việc với Hội và tới 64 tỉnh, thành trong cả nước.

 

Công tác truyền thông tại cộng đồng luôn được chú trọng. Trong năm qua, các cấp Hội đã tổ chức hàng nghìn cuộc truyền thông tại cộng đồng về phòng chống buôn bán PNTE, truyền thông lồng ghép các vấn đề xã hội liên quan đến PNTE gái cho trên 5 triệu lượt người là cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các tầng lớp phụ nữ, nhân dân. Tiêu biểu như tỉnh Lai Châu đã tổ chức chiến dịch truyền thông cho 2.000 trẻ em gái từ 13-18 tuổi, truyền thông nhóm cho trên 2.000 phụ nữ về PCBBPNTE. Lần đầu tiên chiến dịch truyền thông chung giữa hai quốc gia: Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức và được các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực ghi nhận và đánh giá là có hiệu quả trong việc phối kết hợp truyền thông PCBBPNTE.. Các cấp Hội đã phát hành 45.000 tờ rơi cho các xã điểm, 400 băng hình truyền thông PCBBPNTE cho 64 tỉnh, thành Hội và các xã điểm, 6.000 tờ rơi cho cơ sở của 6 tỉnh biên giới, in 13.300 cuốn đề án “Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm BBPNTE từ năm 2005 đến năm 2010” phát cho tất cả các xã/phường của 64 tỉnh/thành Hội, dịch tiếng Anh gửi cho một số tổ chức quốc tế. Kết quả đã có 80% nhân dân thuộc các xã điểm thực hiện dự án được truyền thông về PCBBPNTE . .

 

Đồng thời với công tác truyền thông, TW Hội đã tổ chức nhiều khoá tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, hội viên, thông tín viên, báo cáo viên cơ sở và cán bộ chủ chốt các tỉnh/thành phía Bắc. Qua các lớp tập huấn, đội ngũ cán bộ Hội và các ban, ngành, đoàn thể được nâng cao kiến thức, kỹ năng PCBBPNTE. TW Hội phối hợp với UBND các tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh và thành phố Cần Thơ tổ chức 3 hội thảo xác định vấn đề và tìm giải pháp PCBBPNTE. Qua các hội thảo cho thấy, vấn đề nổi cộm là tình trạng kết hôn với người nước ngoài đã giảm dần qua các năm: Cuối năm 2004, số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại 3 tỉnh là 6.800 chị, năm 2005 giảm xuống còn 3.702 chị. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực tham gia các hội nghị quốc tế và khu vực, trong đó có Hội nghị cấp cao Bộ trưởng các nước trong khu vực về PCBBPNTE, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm PCBBPNTE các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Các cấp Hội cũng đã tổ chức 41 hội thảo bàn giải pháp PCBBPNTE.

 

 

Đến nay, các tỉnh, thành đã xây dựng được 1.730 CLB về phòng chống tệ nạn xã hội, 3.793 CLB lồng ghép, 61 CLB “Sống khoẻ”, CLB PCBBPNTE... Điển hình, trong năm 2005 Hội LHPN Lạng Sơn đã tổ chức 712 cuộc sinh hoạt CLB thu hút hơn 25.800 lượt người tham dự. Các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tư vấn cộng đồng và xây dựng các mô hình hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng, tiêu biểu là các mô hình “Trung tâm hỗ trợ kết hôn”, Trung tâm hỗ trợ cho những phụ nữ gặp khó khăn, Trung tâm hỗ trợ khách hàng. Thông qua các Trung tâm này, hàng trăm đối tượng được tư vấn kết bạn và lấy chồng người nước ngoài, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và được hỗ trợ hồi gia sau khi bị buôn bán trở về.

 

Các cấp Hội còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ vay vốn, dạy nghề tạo việc làm cho phụ nữ nguy cơ, gia đình khó khăn có trẻ em gái và phụ nữ lấy chồng nước ngoài bất hạnh trở về; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động cho hàng ngàn lao động. Điển hình như tỉnh Hậu Giang trong năm qua đã giúp vay vốn cho 30.000 lượt chị với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.309 lao động nữ, 141/245 lao động nữ đi lao động ở Malaysia.

 

Ngoài các hoạt động hỗ trợ vốn, dạy nghề tạo việc làm, các cấp Hội còn quan tâm đến công tác chăm sóc, thăm hỏi, động viên chị em nắm tình hình diễn biến tư tưởng, kịp thời giải quyết khó khăn trong cuộc sống; phối hợp với ngành Y tế tổ chức thăm khám bệnh cho nạn nhân bị buôn bán trở về.

 

Các cấp Hội đã tiến hành khảo sát tình hình BBPNTE cũng như các vấn đề nổi cộm của địa phương liên quan đến PNTE. Ngay sau kết quả khảo sát, TW Hội đã tổ chức tập huấn cho 106 báo cáo viên và tuyên truyền viên của 8 xã. Theo số liệu của 4 xã, số phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã giảm từ 202 trường hợp (năm 2004) xuống còn 32 trường hợp (năm 2005).

 

 

Một số giải pháp

 

Để tiếp tục thực tốt công tác tuyên truyền PCBBPNTE trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt Quyết định 130/2004/QĐ-TTg của Chính phủ, TW Hội LHPN Việt Nam tập trung vào các giải pháp sau:

 

Thành lập các ban, tiểu ban chỉ đạo thực hiện đề án 1 tại các cấp, phân công cán bộ chuyên trách theo dõi, phản ánh kịp thời diễn biến của cơ sở tới các Ban chỉ đạo các tỉnh, thành; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên hệ thống thông tin đại chúng: xây dựng các buổi phát thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam, xây dựng các chương trình quảng cáo trên Đài truyền hình Việt Nam; các chuyên trang, chuyên mục trên các báo TW và địa phương… về chủ đề PCBBPNTE. Đặc biệt, xây dựng phim truyền hình phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh hệ thống phát thanh tại các xã, phường, thị trấn; đưa các tin, bài và câu chuyện thực tế về BBPPNTE tại địa phương để giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân; tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cơ sở;. cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết về công tác truyền thông PCBBPNTE. Mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên này sẽ trực tiếp tham gia vào các buổi truyền thông tại cộng đồng, tư vấn, tham vấn cho các gia đình, đối tượng có nguy cơ; tổ chức các buổi tuyên truyền miệng tại cộng đồng, đặc biệt là những xã trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn… - nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin. Công tác truyền thông phải được tổ chức thường xuyên và liên tục; xây dựng các mô hình truyền thông hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi cho thanh thiếu niên, vị thành niên, phụ nữ, trẻ em có nguy cơ; đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật có liên quan đến BBPNTE, mở các cuộc xét xử lưu động tội phạm BBPNTE tại địa bàn để giáo dục, răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng, xét xử nặng hơn đối với tội phạm buôn bán người; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh có chung đuờng biên nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phát hiện và tố giác tội phạm của người dân. Có các chương trình ký kết giữa các ngành, đoàn thể; tăng cường hợp tác thích hợp với các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực, trên thế giới về truyền thông PCBBPNTE. Xây dựng các thông điệp truyền thông của quốc gia mang tính chiến lược và lâu dài; công tác PCBB người là một hoạt động thường xuyên, lồng ghép công tác truyền thông PCBBPNTE với các hoạt động khác và đưa vào mục tiêu chương trình kinh tế, xã hội của địa phương;

 

Để thực hiện tốt các giải pháp trên cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban chỉ đạo 130 các tỉnh, thành phố, Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; sự phốihợp tổ chức thực hiện của các ban, ngành; sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài nước và sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Hội
Dương Thị Xuân - Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, T.W Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video