Biến rác thải thành phân hữu cơ

23/12/2005
“Biến rác thải thành phân hữu cơ” không phải là ý tưởng mới nữa, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên đến thời điểm này vẫn còn ít nơi làm. Đối với nhiều địa phương miền núi quỹ đất đai còn nhiều nên chỉ cần định một nơi xa khu dân cư nào đấy là hình thành được bãi rác, do vậy vấn đề xử lý rác thải chưa được quan tâm đúng mức.

Ở thị trấn Lạc Tánh-đô thị loại 5 mới thành lập vài năm trở lại, khu dân cư tập trung của “phố thị” chưa rõ nét, ngoại trừ thôn Lạc Hóa 2, còn lại đa số các hộ tự đốt hoặc chôn lấp trong vườn. Việc xử lý rác trên thực tế cũng chưa phải là vấn đề nan giải, hai ba ngày mới thu gom rác một lần vẫn bình thường. Rác được đưa về bãi đất trống khu Quan Hà cách trung tâm huyện hơn 5 km, tuy vậy xét về lâu dài nếu không có biện pháp xử lý tốt thì việc ảnh hưởng đến môi trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Bãi rác Quan Hà nằm giữa ranh giới thị trấn và đất khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cách khu dân cư không bao xa, lúc trời nắng mùi hôi thối bốc lên đã lan vào khu dân cư gần đó. Trước đây nhiều hộ dân đã kiến nghị nên xem lại việc quy hoạch bãi rác, tuy nhiên số hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng không nhiều nên vẫn chưa kịp thời khắc phục.

 

Mới đây, tổ chức Việt Nam Plus khu vực Tánh Linh đã có dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách phân loại và tái chế rác thành phân hữu cơ. Nếu dự án được thực hiện thì chắc chắn môi trường sẽ được cải thiện đáng kể và nỗi lo về rác thải hay ô nhiễm môi trường sẽ không còn nữa.

 

Theo ông Đinh Xuân Hùng-chủ đề tài cho biết: Dự án rất khả thi, bằng chứng thực tế là ở Đức Tài (huyện Đức Linh) đã áp dụng và mang lại hiệu quả tốt. Đối với Tánh Linh qua khảo sát cho thấy, tại bãi rác Lạc Hà có đến 75% là rác hữu cơ như lá, rau, giấy và các chất dễ phân hủy khác; 15% chất rắn như thủy tinh, sành sứ, sắt thép; 10% còn lại là nhựa, bao nilong. Công suất thiết kế của nhà máy xử lý là 10 tấn/ngày nhưng chỉ cần thực hiện 1/3 công suất (tức khoảng 3 tấn rác/ngày) thì mỗi ngày nhà máy có thể sản xuất được khoảng 3 tấn phân hữu cơ từ nguồn rác thải này.

 

Nếu tính hết lượng rác thải của các hộ gia đình trong toàn huyện một năm sẽ rất lớn, đây sẽ là “nguồn nguyên liệu” không thể cạn kiệt được, mặt khác huyện cũng đã được trang bị xe ép rác nên việc vận chuyển rác từ các nơi dọc theo trục lộ về bãi rác là rất thuận tiện. Trước mắt chỉ cần xử lý rác của thị trấn Lạc Tánh và xã Đức Thuận cũng đủ để thực hiện.

 

Việc xử lý rác theo phương án này khá đơn giản mà bất kỳ một địa phương nào cũng có thể thực hiện được, dự án này có thể xem như mô hình điểm để nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường. Sau khi tập kết rác về thì khâu đầu tiên là phân loại, tạm thời chia thành 3 loại: chất rắn, bao nilong và chất dễ phân hủy.


Hiện nay, về chủ trương UBND huyện đã cơ bản thống nhất để triển khai thực hiện, vốn đầu tư khoảng trên 200 triệu đồng. Việc thực hiện dự án xử lý rác thải chế biến thành phân hữu cơ và bột plastic sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân để góp phần cải thiện điều kiện sống trong một môi trường lành mạnh không bị ô nhiễm.

Theo Báo Bình Thuận

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video