Biết dựa vào quần chúng là tốt

13/05/2009
(Ghi theo lời kể của chị Lê Thu Trà - nguyên Phó Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam).

Tôi tham gia cách mạng từ năm 1938 khi còn là cô giáo tiểu học và được kết nạp Đảng giữa năm 1939. Trong cuộc đời hoạt động, tôi vinh dự được gặp và làm việc với Bác nhiều lần, được Bác dạy dỗ chỉ bảo rất ân cần. Đó là niềm vui, niềm tự hào to lớn và là những kỷ niệm không bao giờ phai trong tôi…

Tháng Mười năm 1945, Ban chấp hành HPN Cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn sắp xếp thời giờ, mỗi tối dành một vài tiếng giảng dạy chính trị cho gần chục cán bộ của Bắc Bộ và Thành ủy, trong đó chỉ có tôi là nữ.

Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng Giêng năm 1946, phụ nữ Hà Nội đã có hoạt động cổ động tích cực như là tổ chức diễu hành bằng xe ô tô kết hoa lá và nữ đoàn viên mặc áo dài đi xe đạp hai bên. Tết năm 1946, phụ nữ Hà Nội quyên góp quà để tặng trẻ em mồ côi nhi cô viện, bộ đội giải phóng quân ở chiến khu về nằm điều trị tại các nhà thương (bệnh viện/trạm y tế). Chị em mượn xe bò, kết hoa lá, kéo xe đi quyên góp được nhiều bánh, mứt, kẹo, trái cây xếp đầy gian nhà ở trụ sở của Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Hà Nội (nay là trường Ngô Sĩ Liên) đường phố Hàm Long.

Tôi được cử đi dự Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng mở rộng họp ở ngoại thành và được báo cáo về phong trào của phụ nữ tại Hội nghị. Bác Hồ đến dự. Khi nghe tôi báo cáo về các hoạt động của chị em trong việc cổ động tổng tuyển cử và quyên góp bánh trái dịp Tết nguyên đán thì được Bác khen: “ Các cô biết dựa vào quần chúng như thế là tốt”.

Dịp kỷ niệm ngày 8 tháng 3 năm 1946, nghe tin tôi bị ốm nặng, Bác giao cho chị Thanh nấu thức ăn bổ dưỡng cho tôi, nhờ đó sức khỏe của tôi được hồi phục.

Thời gian này, phong trào phụ nữ Việt Nam chưa có điều kiện thống nhất. Đồng chí Phạm Văn Đồng sang thăm Pháp về báo cáo Bác: ở Pháp có Hội LHPN Pháp và Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế cũng vừa thành lập do bà Ơgiênicốttông là Chủ tịch, có trụ sở tại Pari. Bác đã chỉ thị cho đồng chí Phạm Văn Đồng gặp tôi truyền đạt ý kiến của Người: Làm thủ tục xin gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế. Giữa năm 1947, bà Ơgiênicốttông đã có văn bản công nhận Hội LHPN Việt Nam là thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế.

Cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi lên Việt Bắc hoạt động, tham gia Ban Liên khu ủy khu I là Trưởng ban dân vận kiêm Trưởng ban phụ vận của Liên khu.

Tháng Bảy năm 1949, chị Hoàng Ngân mất, tôi được Trung ương Đảng điều về thay chị Hoàng Ngân làm Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Trung ương và gấp rút chuẩn bị cho việc chuẩn bị Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ I. Bác hết sức quan tâm đến việc chuẩn bị này. Người đã góp ý cho Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội. Khi Đại hội diễn ra, mặc dù rất bận, Bác đã dành thời gian 2 ngày để dự, nắm tình hình chung của Đại hội, theo dõi ý kiến phát biểu của các đại biểu và góp ý kiến xây dựng cho Đại hội.

Nhiều lần đi công tác, Bác kết hợp ghé thăm cơ quan Phụ vận Trung ương. Những lần đến thăm, Bác hỏi han rất ân cần về sức khỏe, về công tác của chúng tôi. Tôi báo cáo với Bác về tình hình phong trào chung, về công tác, về đời sống của chị em …Nhiều việc được Bác khen: “Các cô làm như thế là được”. Có lần Bác đến thăm cơ quan Hội ở đồi Hoàng Ngân, Bác bảo các cô múa hát cho vui. Chị Thục Viên được Bác khen múa hay, múa dẻo. Bác động viên chúng tôi tăng gia lấy rau ăn, Bác còn hướng dẫn chúng tôi cách chăm bón cho rau xanh tốt.

Năm 1955, chị Nguyễn Thị Thập làm Bí thư Đảng đoàn, còn tôi tham gia trong Đảng đoàn phụ trách công tác bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Tôi say sưa nghiên cứu vấn đề tổ chức lớp mẫu giáo để các bà mẹ gửi con yên tâm công tác. Tôi tập hợp một số chị em dịch tài liệu nước ngoài biên soạn giáo trình, kết hợp với Bộ Giáo dục, Hội phụ nữ mở được 3 khóa đào tạo giáo viên mẫu giáo. Từ khóa thứ tư, công tác đào tạo giao cho Bộ giáo dục phụ trách và Bộ giáo dục đã thành lập Phòng Mẫu giáo rồi sau này là Vụ Mẫu giáo.

Năm 1957, Đảng đoàn Phụ nữ trung ương nghiên cứu Luật Hôn nhân và Gia đình của các nước XHCN để cùng ngành Tòa án, Tư pháp soạn thảo Luật, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Bác đã đặc biệt quan tâm và góp ý rất tỉ mỉ, cụ thể. Ngày 1 tháng 10 năm 1960, Bác ký Sắc lệnh ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

Năm 1961, tôi được phân công nhiệm vụ mới, là Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng. Công việc vô cùng bận rộn nhưng Bác luôn theo dõi, động viên phong trào thiếu nhi. Hàng quý, Bác thường nghe chúng tôi báo cáo về phong trào và khen thưởng các cháu có thành tích, Bác khen ngợi các cháu đã có những hành động tốt, dũng cảm như: cõng bạn bị liệt đi học, cứu bạn khỏi chết đuối… Biết chúng tôi luôn nhắc nhở Ủy ban Thiếu niên nhi đồng các cấp phải học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, Bác bảo tôi: Được Bác khen, các cháu sẽ dẫn đến chủ quan và tự kiêu nên Bác muốn thêm vào điều 5 (Thật thà, dũng cảm) thành: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Lời dạy của Bác thật gần gũi và sâu sắc... Nhiều lần vào dịp Tết Thiếu nhi mồng 1 tháng 6, Bác đến câu lạc bộ Thiếu nhi vui với các cháu. Năm 1963, Bác đã cho phép các anh chị em phụ trách tổ chức cho 10 vạn thiếu nhi Hà Nội vào vui chơi, mở triển lãm trong khu Phủ Chủ tịch một tuần để biểu lộ tình thương yêu và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với các cháu.

Ngày 27 tháng 5 năm 1969, đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác gọi tôi vào báo cáo công tác Thiếu nhi với Bác. Bác nhắc nhở tôi, nhiệm vụ của cán bộ Ủy ban Thiếu niên nhi đồng các cấp là phải chú ý bồi dưỡng những gương tốt và nhân lên để xã hội ta mỗi ngày có thêm những công dân tương lai tốt đẹp. Nhân gần ngày Quốc tế thiếu nhi, tôi mạnh dạn thưa với Bác xin Bác viết một bài nhắc nhở các cấp ủy Đảng và các ngành và các gia đình coi trọng hơn nữa việc chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Bác giao nhiệm vụ cho tôi soạn thảo bức thư đó và ngày 29 tháng 5 mang vào để Bác xem. Khi tôi vào báo cáo và xin ý kiến Bác, Bác cầm cây chì đỏ, vừa đọc vừa góp ý với tôi. Bác làm việc rất dân chủ, chỗ nào cần sửa, Bác đều hỏi: “Cô có đồng ý không”. Tôi đặc biệt ấn tượng và ghi nhớ những ý kiến rất chí tình, chí lý của Bác. Ví dụ có đoạn tôi viết: “Phải giáo dục trẻ em hư” thì Bác bảo: “Nên nói: cần tích cực giáo dục các em chưa ngoan, đừng dùng câu trẻ em hư”; hoặc: “Nói gia đình thì chung chung quá, nên nói rõ: ông, bà, cha, mẹ, anh chị trong gia đình”…

Khi ra về, thấy Bác gầy hơn, tôi băn khoăn thưa với Bác: “Xin Bác giữ gìn sức khỏe, thấy Bác ốm chúng cháu lo lắm”. Bác thân mật dặn tôi: “Bí mật nhé, đừng nói chuyện với ai Bác yếu nhé”.

Ngày 26 tháng 8 năm 1969, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương tổ chức tổng kết Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi, mời Bác và các đồng chí Trung ương đến dự. Khi thấy chỉ có đồng chí Trường Chinh mà không thấy Bác, tôi linh cảm điều không lành và lo lắng bồn chồn. Đúng như dự cảm của tôi, ngày 02 tháng 9 năm 1969, Bác qua đời. Khi nghe tin Bác mất, tôi vỡ òa trong nước mắt, cảm giác đau thương, mất mát không có gì bù đắp được…

Thời gian qua đi, tôi và các cán bộ Ủy ban Thiếu niên nhi đồng thường nhắc nhở nhau về tình cảm vô cùng yêu quý thiếu nhi của Bác. Bài báo cuối cùng trong đời, Bác viết cho thiếu nhi. Hình ảnh cuối cùng trong đời cũng là hình ảnh của Bác vui với thiếu nhi. Làm theo lời Bác dạy, mỗi người  chúng ta phải có trách nhiệm luôn luôn chăm lo cho thế hệ măng non của đất nước.

Nguyễn Thị Nhi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video