Bình đẳng giới: Biến nhận thức thành hành động

27/07/2018
Bình đẳng giới trong các doanh nghiệp (DN) không phải là thiên vị cho lao động nữ mà là tạo ra các cơ hội tiếp cận vị trí việc làm, được đào tạo, cơ hội thăng tiến và hưởng chế độ đãi ngộ công bằng giữa nam giới và nữ giới.

Đây là nhận định của các chuyên gia và đại biểu tại Diễn đàn DN phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng do Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các DN hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women tổ chức ngày 13/7, tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, bình đẳng giới là cơ sở, là nền tảng và là điều kiện tiên quyết, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bất bình đẳng giới được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể, do đó, can thiệp và cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, mà đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp.

Trong quá trình này, theo Đại sứ, khu vực DN được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế. “Không ở đâu và không ai khác, chính DN là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng”, Đại sứ nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi bình đẳng giới là ưu tiên quan trọng trong xây dựng, triển khai chính sách, pháp luật. Hệ thống pháp luật đã tương đối hoàn thiện và bám theo thông lệ quốc tế, các nội dung bình đẳng giới đã được lồng ghép trong tất cả các văn bản pháp luật.

Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã và đang có những thành tựu nổi bật. Tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73% và phụ nữ làm chủ DN đạt trên 31%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, một trong những chỉ số để đo là sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế.

“Theo Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia trên toàn thế giới thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”, ông Quân cho biết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra hàng loạt thách thức còn tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực và nghề nghiệp; phụ nữ vẫn còn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, di cư, dân tộc thiểu số.

Thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam còn chênh lệch, xét trong cả giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn nam với mức chênh lệch khoảng 30 USD trên tổng mức lương 200 USD/tháng.

Phần lớn các DN do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, hoạt động tập trung vào lĩnh vực thương mại và có lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nam giới.

Theo Thứ trưởng, bình đẳng giới không đơn thuần là thu hẹp khoảng cách thu nhập hay giải quyết tốt vấn đề chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và bảo đảm quyền của phụ nữ mà phải được coi là một giá trị văn hóa của DN.

“Chỉ khi giá trị văn hóa DN được xây dựng và phát huy dựa trên giá trị nhân văn, chú trọng tăng năng suất lao động và dựa trên hệ thống phát triển nguồn nhân lực, làm sao để mỗi cá nhân có cơ hội được tiếp cận công việc, phát triển năng lực bản thân, đảm nhận công việc cho phép phát huy sở trường bản thân, có thu nhập và được đãi ngộ tương xứng, khi đó bình đẳng giới mới thực sự bảo đảm”.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật, các kế hoạch, chương trình mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới hiện có rất nhiều. Tuy nhiên, ban hành luật mới chỉ là bước đầu tiên, còn rất nhiều bước nữa để bình đẳng giới được thực hiện.

“Hiện chúng ta còn thiếu các chính sách, biện pháp cụ thể, thích hợp để thực thi các chủ trương. Cần khuyến khích thực hiện các biện pháp tạo điều kiện tích cực cho phụ nữ tận dụng được cơ hội bình đẳng cùng vươn lên với nam giới chứ không phải là thiên vị cho phụ nữ”, bà Ninh nêu quan điểm.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, việc thúc đẩy bình đẳng giới đòi hỏi sự nhận thức và tham gia đóng góp của tất cả các thành phần, từ các nhà làm chính sách cho đến các DN, cá nhân người lao động và một phần không thể thiếu là sự vào cuộc của truyền thông, xây dựng nhận thức xã hội một cách chủ động, phù hợp để đẩy lùi định kiến xã hội.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh đề xuất, bên cạnh Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, nên chăng có một bộ chỉ số để đánh giá các tỉnh, thành phố trên cơ sở áp dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó có những khuyến nghị kịp thời để cải thiện.

Cùng quan điểm với các đại biểu tại Diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ cho biết, với đặc thù sản xuất các mặt hàng tỉ mỉ, trước kia lực lượng lao động của công ty chủ yếu là nam giới, nhưng từ nhận thức ưu điểm của phụ nữ là cẩn thận, khéo tay nên PNJ chú trọng đào tạo nhiều lao động nữ hơn. Đồng thời, PNJ tạo cơ hội cho nam giới đảm nhận công việc bán hàng, tư vấn dịch vụ - công việc tưởng chừng chỉ phù hợp với nữ giới. “Chúng tôi không lựa chọn công việc theo giới tính mà là năng lực của mỗi cá nhân, đó chính là một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc”, bà Dung nhấn mạnh.

Từ tình trạng tỉ lệ lao động nữ trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp nghỉ việc hoặc bị sa thải ở mức cao, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, cần phải vạch ra cho các chủ DN thấy được nếu tạo điều kiện nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động nữ thì giá trị gia tăng của DN sẽ lớn hơn rất nhiều so với khi để họ nghỉ việc và phải tuyển lao động mới. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông đến chính người lao động để họ có ý thức nâng cao trình độ, kỹ năng của mình, trở thành những lao động “có nghề”.

Còn theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, bối cảnh thế giới đang không ngừng thay đổi, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho lao động có chất lượng và tay nghề cao, đồng thời tạo ra nguy cơ thay thế và thách thức rất lớn đối với lực lượng lao động “không nghề” và tay nghề thấp, cần có chính sách cụ thể trợ giúp phụ nữ nâng cao tay nghề, tạo cơ hội họ được đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao nhiều hơn.

baochinhphu.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video