Bình đẳng giới trong lao động, việc làm

17/03/2006
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm được biểu hiện khá rõ nét và đa dạng thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật lao động đối với mọi người lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ diễn đàn này, tôi xin tập trung vào một số nội dung cơ bản trong lĩnh vực lao động, việc làm.

 

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, trong việc phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề vẫn còn có sự khác biệt về giới, biểu hiện qua các mặt sau đây:

 

Lao động nữ tham gia vào thị trường lao động sớm hơn nam, thường là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, do đó tỷ lệ lao động nữ tiếp tục học lên các bậc trên thường thấp hơn nam giới. Tỷ lệ lực lượng lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn so với tỷ lệ lao động qua đào tạo của nam. Tỷ lệ nữ là lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật không có bằng cao hơn nam 1,5 lần, ngược lại công nhân kỹ thuật có bằng lại chỉ bằng gần 1/2 nam giới, ở trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên cũng chỉ bằng 42% nam giới.

Tình trạng việc làm của lao động nữ thua kém hơn nam. Trong khu vực có quan hệ lao động, phụ nữ chỉ chiếm 40% số việc làm được trả lương và chiếm tỷ lệ thấp trong những nghề bậc cao. Khả năng tìm việc của lao động nữ thấp hơn nam. Kết quả điều tra thị trường lao động năm 2003 cho thấy, khả năng khó tìm việc làm của lao động nữ có tỷ lệ cao hơn nam 17% ở khu vực chính thức và 1,95 lần ở khu vực phi chính thức. Khả năng lao động nữ bị mất việc làm trong cơ chế thị trường cao hơn nam giới. Trong tổng số lao động mất việc làm rơi vào phụ nữ 55 – 65%.

 

Trong các doanh nghiệp, tiền lương, tiền công phụ thuộc vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế lao động nữ nhận tiền lương, tiền công và thu nhập thấp hơn nam giới. Điều tra năm 2003 cho thấy phần lớn lao động nữ có mức thu nhập bình quân 750 ngàn đồng/tháng, trong khi đó lao động nam có mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng.

 

Thực trạng về bình đẳng giới nêu trên chủ yếu là do tổ chức thực hiện chính sách, luật pháp chưa nghiêm, mặc dù các quy định của pháp luật là đúng đắn, khả thi. Tuy nhiên, những cản trở ngay trong chính sách luật pháp lao động, việc làm cũng đang còn một số vấn đề cần phải tiếp tục tháo gỡ. Xin nêu một số ví dụ cụ thể:

 

- Chính sách phúc lợi xã hội: Luật pháp quy định ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi này. Thực tế chỉ có 23,4% lao động nữ làm trong các doanh nghiệp nhà nước có nhà trẻ hoặc lớp mẫu giáo. Còn lại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu hết không có nhà trẻ mẫu giáo.

 

- Chính sách ưu đãi doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ: Pháp luật quy định nhà nước có chính sách ưu đãi xét giảm thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Kết quả điều tra cho thấy chỉ có 5% doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế và 1% doanh nghiệp được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm trong tổng số 25% doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và tất cả doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nhà nước.

 

- Chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ: các quy định về đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ là rất đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó khăn. Đến nay chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Điều tra 150 doanh nghiệp dệt may trong cả nước cũng cho thấy không có một doanh nghiệp nào đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Nguyên nhân là do 18% số doanh nghiệp không biết đến chính sách này, 42% doanh nghiệp hiện tại không cần đào tạo nghề dự phòng, 29% cho là cần đào tạo song không có kinh phí, 5% cho rằng đào tạo nghề dự phòng không phải chức năng của doanh nghiệp.

 

Trên đây là thực trạng và một số vướng mắc của vấn đề bình đẳng giới trong lao động, việc làm. Khoảng cách giới là một thực tế khách quan rất khó vượt qua. Nguyên nhân chính là do quan niệm xã hội, điều kiện lịch sử, phong tục, tập quán... trình độ, việc làm, thu nhập... của phụ nữ và nam giới có khoảng cách khá xa. Khoảng cách giới chỉ có thể giảm dần khi Nhà nước có một chính sách mạnh làm triệt tiêu dần những yếu tố tạo nên khoảng cách này, đặc biệt là chính sách giáo dục, đào tạo, chính sách thị trường lao động, chính sách xã hội và chính sách cán bộ...

 

Trong pháp luật và chính sách lao động, mọi ưu tiên (ưu đãi) cho lao động nữ nếu làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ trở thành bất lợi cho lao động nữ. Vì vậy, thực hiện chính sách bình đẳng đối với lao động nữ trong kinh tế thị trường phải nhằm mục đích: Tạo điều kiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động nữ, nhất là chính sách đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho phụ nữ; Tách chính sách xã hội liên quan đến việc thực hiện chính sách sinh đẻ, tái sản xuất nhân lực... ra khỏi kinh tế. Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm chăm lo, coi đó là sự đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển, không phải là bao cấp./.

Hồ Thị Hồng Nhung - Uỷ viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video