Bình đẳng giới với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

26/05/2006
Là những nữ đại biểu Quốc hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân nói chung, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam nói riêng, chúng tôi rất vui mừng trước việc lần đầu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 – 2010) của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, đã đánh giá tình hình thực hiện bình đẳng giới 5 năm (2001 – 2005) và định hướng hoạt động bình đẳng giới trong 5 năm (2006 – 2010).

So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam hiện có hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, tiến bộ, quy định về quyền bình đẳng giữa nam và nữ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình… Công dân không phân biệt nam, nữ đã và đang được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp trong nhiều lĩnh vực; pháp luật nhìn chung đã tạo điều kiện cho cả nam và nữ được cống hiến, đóng góp cho đất nước.

 

Đánh giá của Chính phủ chỉ rõ: Trong 5 năm qua, “bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể, nhất là trong giáo dục. Tỉ lệ học sinh nữ so với học sinh nam trong các trường trung học đã tăng từ 86% năm 1993 lên 94,5% năm 2003… Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội là 27,3% và là nước đứng đầu Châu Á.

 

Quy định về đăng ký tên vợ và chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà đang được triển khai thực hiện, bảo đảm khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng đối với phụ nữ. Tình trạng bạo hành trong gia đình đã từng bước được hạn chế. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được nâng lên”

 

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đó, chúng tôi cũng rất băn khoăn, lo ngại trước nhận định của Chính phủ. Đó là: “Khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, phụ nữ và trẻ em gái nghèo, dân tộc thiểu số còn ít cơ hội học tập và chăm sóc sức khỏe; vấn đề tảo hôn, nạn phân biệt đối xử và ngược đãi phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em gái, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em… là những tệ nạn, vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Các mục tiêu về tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới chưa được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện một cách thường xuyên”; “lao động nữ chiếm tỷ lệ cao trong nông nghiệp và một số ngành dịch vụ song còn ít được đào tạo nghề”; “đối tượng nhiễm HIV ở lớp trẻ và phụ nữ có xu hướng ngày càng tăng”; “còn có những biểu hiện phân biệt đối xử với cán bộ, công chức nữ trong tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm”.

 

Mặc dù báo cáo chưa nêu số liệu cụ thể và nguyên nhân của hình hình này, nhưng qua tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi được biết còn có những khoảng cách về bình đẳng giới ở Việt Nam. Đó là, trong nhiều gia đình,vẫn còn tình trạng trọng trai hơn gái,thích sinh con trai hơn,con trai được cha mẹ quan tâm hơn, tạo diều kiện cho học hành,việc làm, để lại nhà đất, di sản thừa kế...nhiều hơn; con gái thường nhường anh , nhường em ,hy sinh cho gia đình,không ít trường hợp người chị , người mẹ lặng lẽ bỏ qua tuổi thanh xuân để chăm lo cho cha mẹ,con cái mà không cần đến hạnh phúc cho riêng mình. Trong khi đó,không hiếm cậu con trai được cha mẹ nuông chiều quá mức ,sinh ra chơi bời,lêu lổng,bỏ học, đua xe, nghiện hút, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội…Bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng những năm gần đây. Trong xã hội, mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ ,trẻ em bị bán qua biên giới dưới mọi hình thức; tỷ lệ trẻ em gái ở vùng núi cao đến trường chỉ chiếm từ 10-15 % (năm 2002); Các biện pháp tránh thai vẫn tập trung vào phụ nữ (57% người áp dụng biện pháp đặt vòngtránh thai, 0,5% áp dụng biện pháp triệt sản nam ); cơ hội cho phụ nữ tham giaquản lý nhà nước, xã hội như Hiến pháp năm 1992 quy định còn rất khó khăn vì tỷ lệ nữ tham gia Ủy viên Trung ương khoá X chỉ có 7,5% (chính thức) và 14,3% (dự khuyết), cấp ủy Đảng cấp tỉnh chỉ có11,75%, cấp huyện 14,74%, cấp xã 15,08%; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 23,8%, cấp huyện 23,2%, cấp xã 20,1%; tỷ lệ phụ nữ có trình độ sau đại học còn thấp, chỉ có 39,1% thạc sỹ, 17,5% tiến sỹ, 13,2% Phó Giáo sư, ;3,1%Giáo sư....

 

Sinh thời,Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X vừa qua chỉ rõ: “... chăm lo công tác phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới; nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quuan lãnh đạo và quản lý ở các cấp.”...

Rõ ràng, sức khoẻ, năng lực, trình độ của phụ nữ như thế nào có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, cộng đồng và sự phát triển, văn minh của xã hội..Những con số, nhận định nêu trên rất đáng để cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức nhìn nhận, đánh giá lại những hoạt động của mình đối với vấn đề bình đẳng giới. Tạo cơ hội chonữ giớiđược lao động, học tập, chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con cái, tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội...cũng chính là tạo cơ hội cho nam giới được chăm sóc tốt hơn, gia đình và xã hội phát triển bền vững hơn. Ngược lại, nếu ai đó vẫn có cách nhìn phong kiến, nặng tính gia trưởng, thiếu quan điểm“nam nữbình quyền” - bìnhđẳng giới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ ra từ lâu, thì chính những người đó còn lạc hậu, không chừng lại là một nhân tố cản trở, kéo lùi sự phát triểnchung của đất nước

Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2006 – 2010) của Chính phủ có vai trò đặc biệt trong việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2000 – 2010), đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, đồng thời nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Vì vậy, định hướng của Chính phủ về việc thực hiện bình đẳng giới 5 năm tới càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách..

 

Tại mục 15 “Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em”, Chính phủ đề ra những nhiệm vụ mang tính định hướng rất quan trọng. Đó là: “ Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ. Tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tổ chức thực hiện tốt chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010”

 

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Chính phủ định hướng phấn đấu đến năm 2010 xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi dưới 40; nâng tỷ lệ phụ nữ được đào tạo trong tổng số lao động nữ đang làm việc; phát triển các trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ; thực hiện các biện pháp bảo đảm cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng về giáo dục, đào tạo để được nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức khoa học áp dụng trong sản xuất; ban hành chế độ khuyến khích nữ sinh ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số học trung học, vào các trường nội trú, trường cao đẳng và đại học. Thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái nghèo đi học. Có các biện pháp điều chỉnh sự tách biệt giới trong ngành học, kết hợp giới vào các chương trình hướng nghiệp. Nâng cao tỷ lệ nữ ở các vị trí quản lý ở các cấp và bậc học. Xây dựng các quỹ khuyến học cho nữ và xác định chỉ tiêu nữ ở các khóa đào tạo và đào tạo lại ở các ngành và các cấp.

 

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, Chính phủ định hướng bảo đảm các điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực lao động và việc làm, thông qua bảo đảm đủ đất canh tác, các nguồn lực cơ bản và xác định chỉ tiêu thu hút lao động nữ vào việc làm mới. Hoàn thiện các quy định và tăng cường việc giám sát thực hiện chính sách đối với lao động nữ… Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đào tạo nghề với các thông tin tách biệt theo giới tính. Có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, doanh nghiệp có tỷ lệ nữ trên 70%. Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn vốn tín dụng, vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để phụ nữ được tập huấn về quản lý và sử dụng các nguồn vốn này một cách có hiệu quả.

 

Trong lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, Chính phủ định hướng những năm tới là: “Cải thiện sức khỏe của phụ nữ bằng việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và kế hoạch hóa gia đình. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Bảo đảm cho phụ nữ nghèo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách thuận lợi. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh. Thực hiện các biện pháp hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Xây dựng hệ thống dữ liệu về bệnh nghề nghiệp. Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và chất lượng phục vụ tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em.

 

Giảm dần gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ thông qua chú trọng đầu tư vào công nghệ phục vụ gia đình có quy mô nhỏ… Phát triển, tổ chức lại hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo và phát động các chiến dịch tuyên truyền giáo dục về chia sẻ trách nhiệm gia đình giữa tất cả các thành viên.

 

Trong lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước, Chính phủ định hướng : “Lồng ghép có hiệu quả yếu tố giới vào các chính sách, chương trình hành động quốc gia, các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành. Tăng cường vai trò, trách nhiệm các Bộ, ngành và địa phương trong nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thực hiện các mục tiêu về tiến bộ phụ nữ; giới thiệu, triển khai thực hiện các mô hình tốt về bình đẳng giới. Thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ kế cận và đề bạt cán bộ nữ, đáp ứng được yêu cầu mới…

 

Nâng cao vai trò, vị trí và sự tham gia của người phụ nữ vào việc ra quyết định và lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp và trong mọi lĩnh vực bằng việc khắc phục sự phân biệt đối xử và ngược đãi đối với phụ nữ và trẻ em gái… Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham dự các cuộc họp và tham gia vào công tác lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các chương trình và dự án ở làng, xã và tất cả các cấp. Rà soát các chính sách đối với nữ công nhân viên chức để bảo đảm việc thụ hưởng các chế độ một cách bình đẳng. Kết hợp giới vào các chương trình đào tạo chính trị và hành chính các cấp.”

 

Để thực hiện được các định hướng trên đây, Chính phủ đề ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện các luật và văn bản pháp lý nhằm thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ. Nâng cao nhận thức của phụ nữ và khả năng tiếp cận và sử dụng các công cụ pháp lý. Nâng cao năng lực của bộ máy hành chính và các tổ chức xã hội nhằm thực hiện các chính sách và chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ một cách hiệu quả.”

 

Có thể nói, định hướng thực hiện bình đẳng giới trong 5 năm tới được Chính phủ nêu lên khá toàn diện, rộng khắp. Tuy nhiên, để những định hướng lớn nêu trên đây trở thành hiện thực, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và tiến hành những hoạt động như sau:

 

- Sớm xây dựng Chương trình, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng thực hiện bình đẳng giới được nêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 để các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương triển khai đồng bộ và kịp thời.

 

- Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới, trước mắt làtham gia xây dựng Luật Bình đẳng giới, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật , sửa đổi, bổ sung một số quy địnhcó liên quan đến bình đẳng giới không còn phù hợp trong giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

 

- Chính phủ cân đối, bố trí nguồn lực hàng năm đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở các cấp từ Trung ương đến địa phương,cơ sở.

 

- Chính phủ có các biện pháp cụ thể trong việc xây dựng, hoàn thiện vàtổ chức thực thi pháp luật nhằm xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phân biệt đối xử với phụ nữcòn tồn tại trong nhiều gia đình,cơ quan, tổ chức .

 

- Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP ngày 7/3/2003 của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấpHội Liên hiệp Phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước.

 

Thực hiện được những việc trên đây, chúng ta hy vọng những tồn tại, bức xúc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam mới sớm được khắc phục, từ đó tạo điều kiện để nam giới và nữ giới cùng có cơ hội được đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp chung, xây dựng đất nước./.

 

Trần Thị Quốc Khánh - Đại biểu Quốc hội Thành

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video