Bình đẳng quyền - Bình đẳng đóng góp

05/11/2019
Đó là chủ đề cuộc tọa đàm – hội thảo do TW Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) đồng tổ chức tại Hà Nội vào sáng 05/11, nhằm chia sẻ cập nhật các vấn đề về cơ hội cũng như rào cản, thách thức đối với phụ nữ trong công tác bình đẳng giới tại Việt Nam.

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; Giám đốc Quốc gia SNV tại Việt Nam; đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia về Giới, lãnh đạo các ban, đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam.

Một bức tranh chung tổng quát những vấn đề về giới ở Việt Nam đã được các đại biểu cùng phác họa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới những thách thức về thực trạng bất bình đẳng giới mà Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay; Từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị, đề xuất từ chính sách, luật pháp, đến những hành động cụ thể về lĩnh vực nâng cao quyền năng chính trị, kinh tế cho phụ nữ trong thời gian tới.

Bà Trần Thu Thủy, UV Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng, chuyên gia về Giới của Hội LHPN Việt Nam đã chia sẻ tổng quan về kinh nghiệm và công tác bình đẳng giới ở Việt Nam. Theo đó, hiện nay, khung chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, các nguyên tắc về bình đẳng giới dần được đưa vào các văn bản luật và dưới luật, nhận thức của lãnh đạo và cán bộ trong hệ thống Nhà nước về Giới ngày một rõ nét hơn.

Tuy nhiên, bà Thủy cho biết, theo số liệu từ Báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới- WEF tháng 12/2018, xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 77/149 (bị tụt hạng so với năm 2017, xếp thứ 69), trong đó phần thiếu hụt tập trung ở mảng phụ nữ tham gia chính trị và sức khỏe.


 Ảnh minh họa

 Bà Trần Thu Thủy, UV Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng, chuyên gia về Giới của Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm


Thách thức về bình đẳng giới thể hiện qua sự phân biệt đối xử trong một số luật như các quy định về tuổi kết hôn, tuổi nghỉ hưu, hạn chế phụ nữ không làm một số loại công việc (77 công việc); Chế tài trong các luật yếu; Năng lực đánh giá tác động giới, phân tích giới còn bất cập; Thông tin, số liệu phân tách giới còn thiếu.

Bên cạnh đó, thiên tai biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng hiện có của phụ nữ (việc nhà, sinh kế...); Ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 có thể khiến phụ nữ bị bỏ lại phía sau (việc làm, sản xuất, năng suất lao động, máy móc thay thế...); Tác động không mong muốn của mạng xã hội đối với thế hệ trẻ (bị bắt nạt, áp lực dẫn đến tự tử, thông tin sai lệch....)

Cùng với đó là một loạt các thách thức khác: Bạo lực trên cơ sở giới thể hiện dưới rất nhiều hình thức như bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính khi sinh, nạo phá thai, tảo hôn, buôn bán phụ nữ và trẻ em); Phân biệt đối xử trong công việc nhà, lao động, việc làm do mang thai (tuyển dụng, trả lương); Tỷ lệ phụ nữ tham chính đang có nguy có giảm do định kiến dai dẳng đối với vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội, nhận thức còn hạn chế của của cán bộ nhà nước về bình đẳng giới....

GS. Lê Thị Quý, chuyên gia Giới cũng cho rằng, bất bình đẳng giữa quyền bình đẳng và đóng góp bình đẳng đang diễn ra sâu sắc trong thực tế. Phụ nữ đóng góp rất nhiều nhưng quyền bình đẳng lại không được như đóng góp, thể hiện rõ ở các lĩnh vực phụ nữ tham chính, tạo cơ hội mà không quan tâm tạo điều kiện, thiếu bình đẳng thực chất. Trong gia đình, phụ nữ phải làm rất nhiều việc không được trả lương, thậm chí ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phụ nữ trong gia đình có bóng dáng của người “nô lệ”. Chính vì vậy, theo GS Quý, giải pháp trước tiên là cần phải thực hiện một chiến lược giáo dục nâng cao văn hóa con người Việt Nam, trong đó có nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

 Ảnh minh họa

 GS. Lê Thị Quý, chuyên gia Giới cho rằng, bất bình đẳng giữa quyền bình đẳng và đóng góp bình đẳng đang diễn ra sâu sắc trong thực tế


Một số ý kiến khác đưa ra quan điểm: Các luật của Việt Nam chưa chặt về vấn đề bình đẳng giới, dẫn đến thiếu toàn diện, thực chất. Mặt khác, dù đã có quy định phải lồng ghép nguyên tắc bình đẳng giới trong tất cả các văn bản chính sách, luật pháp và từ quy định này, đã có rất nhiều luật đưa được nguyên tắc bình đẳng giới vào trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải quan tâm đến việc lồng ghép rồi thì ai sẽ là người thực thi, kế hoạch thực thi là gì, cơchế giám sát sự thực thi đó ra sao, nguồn lực ngân sách…

Đại diện UN Women khẳng định, những tiến bộ về bình đẳng giới mà Việt Nam đã đạt được là không thể phủ nhận. Có rất nhiều kết quả ấn tượng mang tầm khu vực. Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế, đó chỉ là phần nổi của tảng băng, và phần chìm của nó mới là vấn đề cực kỳ khó khăn để Việt Nam có thể đối mặt và giải quyết trên mọi phương diện của đời sống, bởi gốc rễ của bất bình đẳng giới ở Việt Nam bắt nguồn từ tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào máu thịt của từng người, trong đó có cả phụ nữ.

 Ảnh minh họa

 Bà Alison Rusinow Giám đốc quốc gia SNV tại Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm


Bà Alison Rusinow Giám đốc quốc gia SNV tại Việt Nam đánh giá, cuộc tọa đàm – hội thảo đã góp phần xới xáo những vấn đề đang diễn ra trong thực tế về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam. Những thách thức đang diễn ra trong thực tế đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của nam giới, thay đổi thái độ, hành vi của họ trong xã hội; Luật pháp và chính sách đã có nhưng khoảng trống trong thực thi; mâu thuẫn, chồng lấn trong các quy định luật; vấn đề thiếu hụt nhận thức; chưa có cơ chế phân bổ ngân sách tương ứng; thiếu dữ liệu thống kê về giới để có thể phổ cập để mọi người cùng biết…

Bà Alison Rusinow mong muốn những vấn đề sâu hơn, toàn diện hơn sẽ được tiếp tục đưa ra thảo luận ở những chương trình hội thảo tiếp sau, để từ đó có những hành động cụ thể nhằm đạt được bình đẳng giới thực chất, Bình đẳng quyền - Bình đẳng đóng góp tại Việt Nam.

Trước đó, trong thời gian tiếp các đại diện của Hà Lan và tổ chức SNV trước cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đã thông tin về những hoạt động của Hội LHPN Việt Nam đang triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng mọi  mặt trong đời sống kinh tế- xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới. Từ hoạt động xây dựng, phản biện, giám sát luật pháp chính sách, đến những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững thông qua tổ chức Ngày phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, xây dựng các mô hình sinh kế, sản xuất sạch; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực cho phụ nữ; các mô hình cho phụ nữ yếu thế, nhóm phụ nữ thuộc tầng đáy của Kim tự tháp trong xã hội...

 Ảnh minh họa


Phó Chủ tịch Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những thách thức mà Hội LHPN và phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay như: Khó khăn trong việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, giúp chị em cân bằng giữa cuộc sống, công việc và gia đình, khó khăn của phụ nữ trong việc tham gia đào tạo để chuyển đổi nghề; khó khăn trong tiếp cận vốn vay;…


Khẳng định những hoạt động của Hội LHPN luôn nhận được sự đồng hành tích cực của các tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức SNV Hà Lan tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đỗ Thị Thu Thảo mong muốn thời gian tới, tổ chức SNV tiếp tục đồng hành cùng Hội trong hỗ trợ trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt quan tâm, hướng tới nhóm đối tượng phụ nữ thuộc tầng đáy của Kim tự tháp xã hội, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng khó khăn, sâu xa...

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video