Bình Phước: Nữ Bí thư chi bộ khởi nghiệp trồng dưa lưới ở ấp Vườn Rau

09/06/2022
"Tôi khởi nghiệp mô hình này bằng vốn của gia đình chứ đi vay vốn là lãi cũng đuối. Trồng cây dưa lưới nhìn vậy chứ không dễ dàng tí nào. Tôi tập trung hết sức và trồng bằng tất cả cái tâm, niềm đam mê. Ai mà làm chơi chơi thì không thể thu hồi vốn đâu" - chị Kim Thúy chia sẻ
Chị Nguyễn Thị Kim Thúy chăm sóc vườn dưa lưới

Nhìn chị Nguyễn Thị Kim Thúy (Tổ 7, ấp Vườn Rau, Thanh Phú, Bình Long, Bình Phước) và mọi người trong vườn đang miệt mài chăm từng bầu dưa lưới, vạch từng kẽ lá tìm sâu, buộc từng dây leo mới thấy được nỗi vất vả của người nông dân.

Chị Thúy chia sẻ: "Ở tỉnh Bình Phước, người nông dân như chúng tôi chủ yếu trồng cây công nghiệp mà giá cả hiện nay bấp bênh. Vậy nên, tôi muốn chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mô hình mới để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống đồng thời tạo công ăn việc làm cho những người xung quanh. Tôi xem truyền hình thấy người ta khởi nghiệp với cây dưa lưới, vậy nên tôi tìm hiểu học hỏi và quyết tâm khởi nghiệp với cây này. Trồng dưa lưới đòi hỏi cao về điều kiện đất, khí hậu, kỹ thuật. Mình làm phải bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 10 giờ nghỉ. Buổi chiều phải ra vườn sau 14 giờ. Vì vào trong nhà vườn giống như đi xông hơi vậy đó. Ông bà ta thường nói "trời nắng tốt dưa" nên cây dưa rất ưa nóng, còn người mình ở trong đó lâu sẽ mất nước, khó chịu".

Ban đầu, chị Thúy đầu tư hơn 600 triệu đồng để trồng 1 sào (1.000m2) dưa lưới theo đúng quy trình của Nhật Bản. Rồi qua từng năm, chị tiếp tục mở rộng, đến nay, chị đã xây dựng được 4 sào (4.000m2), với tổng số tiền đầu tư hơn 2 tỷ đồng. "Tôi mất một năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm mới am hiểu hết về cây dưa lưới", chị Thúy cho hay.

Theo chị Thúy, việc trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ giúp cây trồng phát triển tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập. Trái dưa lưới được đảm bảo an toàn, không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ, người trồng phải biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công.

"Tôi khởi nghiệp mô hình này bằng vốn của gia đình chứ đi vay vốn là lãi cũng đuối. Trồng cây dưa lưới nhìn vậy chứ không dễ dàng tí nào. Tôi tập trung hết sức và trồng bằng tất cả cái tâm, niềm đam mê. Ai mà làm chơi chơi thì không thể thu hồi vốn đâu. Trong quá trình làm sẽ có nhiều phát sinh, mình mà không kiên nhẫn rất dễ bỏ cuộc. Quá trình trồng phải chăm sóc tỉ mỉ từng cây, nước tưới cho cây phải đủ độ pH, phải canh phòng từng đến con bọ phấn, bọ trĩ tí xíu", chị Thúy tâm sự.

Đảng viên gương mẫu

Đến nay, sau gần 4 năm trồng dưa lưới, chị Thúy đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh những khó khăn thì cây dưa lưới có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, có thể canh tác 3 - 4 vụ/năm, tùy vào thời gian người trồng cho đất nghỉ nhiều hay ít, nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Mỗi đợt thu hoạch trên 1 tấn trái/sào (1.000m2), trọng lượng từ 1,2-1,3kg/trái. Giá bán trung bình tầm 25.000 - 30.000/ký. Mô hình này không chỉ làm giàu cho chị Thúy mà còn góp phần tạo việc làm cho 5 lao động nông thôn tham gia các công việc như: thụ phấn, buộc dây leo, thay giá thể… với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng.

Chị Thúy không chỉ là gương phụ nữ tiêu biểu sản xuất kinh tế giỏi của thị xã Bình Long (Bình Phước), chị còn là đảng viên gương mẫu với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp Vườn Rau (Thanh Phú, Thanh Long, Bình Phước). "Mười mấy năm làm Bí thư chi bộ ấp Vườn rau nhưng tôi không nhận trợ cấp, còn bỏ thêm tiền nhà để tham gia các hoạt động chăm lo. Từ khi vào Đảng, tôi đã hứa tận tâm phục vụ cho Đảng, cho nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng, vậy nên giúp thêm cho ai thì giúp. Tôi mong muốn là có sức khỏe để tiếp tục làm được nhiều việc tốt cho bản thân, cho xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ở đây".

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video